Từ tình yêu với cây chè…
Tôi biết TS Phạm S khi ông còn là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rồi Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lâm Đồng. Vừa rồi gặp lại ở Đà Lạt, ông đã ở cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh hơn một nhiệm kỳ, nhưng vẻ giản dị, mộc mạc đúng “chất khoa học” ở ông vẫn vậy.
Được đề nghị chia sẻ về bản thân, TS Phạm S từ chối vì “còn nhiều người cống hiến và đam mê hơn tôi”; nhưng hỏi về khoa học thì mắt ông sáng lên, kể say sưa: “Nếu viết về Lâm Đồng, bạn cứ viết về nông nghiệp công nghệ cao. Ở đây, nông dân cũng làm khoa học”.
Tôi hiểu trong đề nghị ấy, ông vừa muốn “khoe” vừa muốn chia sẻ với các tỉnh bạn kinh nghiệm làm giàu bằng khoa học của Lâm Đồng. Chất khoa học kéo ông về câu chuyện quá khứ mài mòn quần trong phòng thí nghiệm với cây chè - loài cây giúp ông trở thành tiến sỹ nông nghiệp và gắn bó với sự nghiệp của ông.
TS Phạm S (trái) chụp ảnh lưu niệm với GS-TSKH Đặng Vũ Minh tại lễ công bố "Sách vàng sáng tạo Việt Nam 2016. Ảnh: Châu Long
Gần 20 năm trước, nhà khoa học trẻ Phạm S là tác giả của LĐ-97 và TB14 - hai giống chè mới làm thay đổi cục diện ngành chè, với năng suất 20 tấn/ha, trong khi năng suất chè trung bình lúc đó là 5 tấn/ha. Sản lượng tăng đột biến buộc công nghiệp chế biến và xúc tiến thị trường phát triển theo.
TS Phạm S có vài chục nghiên cứu về chè - từ giống tới trồng, chế biến… Thấy nông dân bỡ ngỡ về chuyên môn, ông trực tiếp biên soạn bộ sách kỹ thuật để phổ biến cho họ. Đến nay, đây là bộ sách duy nhất và đầy đủ nhất về kỹ thuật trồng, chế biến chè để tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho các thành phần kinh tế trong tỉnh.
“Hiện kim ngạch xuất khẩu chè của Lâm Đồng là 28-29 triệu USD/năm. Tỉnh đã đầu tư xây dựng thương hiệu chè B’Lao từ năm 2009 và là địa phương đầu tiên tổ chức lễ hội văn hóa chè Lâm Đồng” - TS Phạm S tự hào nói. Là lãnh đạo tỉnh, nhưng trong chiếc cặp da của ông luôn là tài liệu phổ biến kỹ thuật, các nghiên cứu về chè.
… đến nông nghiệp công nghệ cao
Nhiều lần ở Hà Nội, tôi vô tình gặp ông - khi thì ở Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, khi ở Nhà xuất bản Khoa học Kỹ thuật hay Cục Sở hữu trí tuệ, lúc ở hội nghị quốc tế. Lần nào ông cũng vội vã, tất tưởi giải quyết rất nhanh công việc. “Từ khi làm quản lý, tôi không còn nhiều thời gian cho nghiên cứu nhưng khi nào có thể, tôi lại gắn mình với khoa học” - ông thổ lộ.
Khí chất khoa học ấy thể hiện rõ trong cách ông chỉ đạo phát triển kinh tế bằng KH&CN. Hình ảnh ông phó chủ tịch tỉnh lăn xả trên cánh đồng để trao đổi với nông dân cách làm hiệu quả không làm ai ngạc nhiên. Đặc biệt, ông rất chú trọng định hướng cho thế hệ trẻ khởi nghiệp từ nông nghiệp. Ở Lâm Đồng hiện có nhiều thanh niên làm giàu nhờ nông nghiệp công nghệ cao.
Lần gặp gần đây nhất tại Hà Nội trong dịp vinh danh các tác giả có công trình tiêu biểu tại “Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2016”, tôi vẫn thấy ở ông vẻ tất bật ấy, vẫn thái độ không muốn nói về mình, chỉ kể về địa phương: “Lâm Đồng rất thành công về nông nghiệp công nghệ cao”. Đây là lĩnh vực mà ông đeo đuổi từ cuối năm 2003 - khi cả nước còn xa lạ với khái niệm này - với việc đề xuất tỉnh có chủ trương chuyển đổi canh tác nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Và nay, Lâm Đồng nổi lên như một hiện tượng đột phá về tính hiệu quả của chương trình. Ở tỉnh này, ngay cả nông dân cũng tự lập phòng thí nghiệm nuôi cấy mô để phục vụ việc canh tác của mình và làm dịch vụ, năng nổ áp dụng các mô hình trồng rau, củ quả theo VietGAP và nói vanh vách về kỹ thuật canh nông…
Nhìn vào con số 43.000ha đất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao - chiếm 16% đất nông nghiệp toàn tỉnh - với doanh thu năm 2015 đạt 145 triệu đồng/ha, trong đó rau công nghệ cao đạt 400-500 triệu đồng/ha, hoa công nghệ cao 0,8-1,2 tỷ đồng/ha, dâu tây công nghệ cao 2 tỷ đồng/ha, rau thuỷ canh 8 tỷ đồng/ha…, không thể phủ nhận sự đóng góp của nhà khoa học, nhà quản lý Phạm S.
Ông tâm sự: “Khi Việt Nam gia nhập WTO, tôi nhận thấy cần thay đổi cả trong nghiên cứu của mình và trong chỉ đạo ở cương vị phó chủ tịch tỉnh phụ trách khối sản xuất. Trong nông nghiệp công nghệ cao, ngay nhà vườn Lâm Đồng cũng cần phát huy lợi thế tiềm năng của mình. Với các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp, đòi hỏi càng cao hơn thế”.
Tương tự, khi Việt Nam tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN, TPP…, ông hiểu rằng nếu không có chiến lược kinh doanh tốt, doanh nghiệp sẽ thua thiệt ngay trên sân nhà. “Thực tế này khiến tôi phải đào sâu tư duy hơn nữa. Gần đây, tôi dành nhiều thời gian đi thực tế để giúp doanh nghiệp trên tinh thần lấy KH&CN làm khâu đột phá trong mọi hoạt động của các ngành, đặc biệt là nông nghiệp” - Phạm S nói.
GS-TSKH Đặng Vũ Minh - Chủ tịch Liên hiệp hội Việt Nam: TS PHẠM S RẤT QUAN TÂM ĐÊN CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU KHOA HỌC CỦA TỈNH
Tôi biết TS Phạm S nhiều năm nay, từ khi ông còn là Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Lâm Đồng và hiện nay là Phó Chủ tịch UBND tỉnh. TS Phạm S rất quan tâm đến công tác nghiên cứu khoa học của tỉnh và tạo điều kiện để anh chị em trí thức Lâm Đồng thực hiện các đề tài góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.Là một nhà khoa học nên TS Phạm S hiểu đặc điểm của công tác nghiên cứu KH&CN. Ông đã có những chỉ đạo tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học hoạt động.
Bên cạnh đó, TS Phạm S là một nhà cán bộ quản lý năng động. Tuy công tác quản lý và khoa học bận rộn, nhưng ông vẫn tích cực tham gia vào các hoạt động của Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) chè Việt Nam, Liên hiệp Hội KH&KT tỉnh Lâm Đồng, có nhiều đóng góp cho việc xây dựng thành công Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh Lâm Đồng. |
KS Hồ Thị Khang - Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật công nghiệp và cây ăn quả Lâm Đồng: TS PHẠM S LÀ NGƯỜI DÁM NGHĨ, DÁM LÀM Tôi biết anh Phạm S từ những ngày còn gian khó, cùng làm việc bao nhiêu năm, với những lần anh cùng anh em cán bộ khoa học trẻ đi phun thuốc làm thực nghiệm ngoài vườn chè. Anh luôn chia sẻ với anh em lòng đam mê khoa học và đã cố gắng rất nhiều. Đến bây giờ là lãnh đạo tỉnh nhưng vẫn giữ nguyên chất giản dị chứ không bao giờ thể hiện quyền cao chức trọng.
Anh Phạm S năng nổ, nhiệt tình, rất thích tìm tòi cái mới. Những vấn đề người ta chưa nghĩ đến, chưa dám làm thì anh nghĩ tới trước. Làm khoa học mà không có đam mê lớn thì không làm được như vậy.
Sau năm 1975, Lâm Đồng chỉ còn duy nhất giống chè TB14 của Pháp để lại. Khi về công ty chè công tác, anh Phạm S luôn lo rằng nếu chỉ có một giống thì rất nguy hiểm về bảo tồn nên đã tìm hiểu để chọn lọc giống.
Những năm 1990, người ta chỉ lo làm kinh tế để kiếm sống, ít người quan tâm đến nghiên cứu, trung tâm cũng chỉ tập trung sản xuất, kinh doanh nên khi nói đến nghiên cứu ai cũng ngại; nhưng anh Phạm S vẫn quyết tâm tìm ra giống chè tốt và phải có được tập đoàn giống bổ sung.
Dám nghĩ, dám làm, cuối cùng anh ấy đã tìm ra giống chè LĐ 97 - dòng chè Shan qua chọn lọc, bổ sung vào giống chè của Lâm Đồng. Anh Phạm S đã có công làm phong phú thêm tập đoàn giống chè của địa phương. HẢI MINH (Ghi)
|
TS Phạm S sinh năm 1966. Ông được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục gia khoa học “Nhà khoa học có đề tài ứng dụng thực tiễn được cấp nhiều bằng lao động sáng tạo và văn bằng sở hữu trí tuệ nhất Việt Nam” và bằng kỷ lục gia khoa học “Nhà khoa học sở hữu giống cây trồng, nguồn gene thực vật quý hiếm trong và ngoài nước nhiều nhất Việt Nam” năm 2014. Cùng năm đó, ông được Viện Hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới trao biểu tượng “Đĩa vàng” về sự đóng góp cho khoa học - công nghệ. Ông cũng là tác giả sở hữu 50 giống cây trồng và nguồn gene thực vật quý hiếm, là tác giả của 7 cuốn sách về khoa học nông nghiệp… |