Thử nghiệm tại một thị trấn nhỏ ở đông nam Brazil, một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặngnhất bởi COVID-19, cho thấy, ngay cả một loại vaccine có hiệu lực thấp trong thử nghiệm lâm sàng cũng có khả năng giúp kiểm soát dịch.

Thử nghiệm này ở Brazil nhằm theo dõi hiệu quả thực tế của CoronaVac do Sinovac của Trung Quốc sản xuất. Hầu hết tất cả cư dân trưởng thành của thị trấn Serrana, thuộc bang São Paulo, đã được tiêm hai mũi CoronaVac từ tháng 2 đến tháng 4. Kết quả thật ấn tượng: số ca nhiễm COVID-19 có triệu chứng đã giảm 80% so với khi chưa tiêm chủng, các trường hợp nhập viện liên quan đến COVID-19 giảm 86% và tỷ lệ tử vong giảm 95%, theo kết quả nhóm nghiên cứu phụ trách thử nghiệm báo cáo mới đây.

Trong khi đó, số ca nhiễm vẫn đang bùng nổ ngoài tầm kiểm soát ở 15 thành phố khác gần đó. Ricardo Palacios, nhà dịch tễ học tại Viện Butantan, một trung tâm nghiên cứu thuộc sở hữu nhà nước sản xuất vaccine CoronaVac ở Brazil, cho biết: “Serrana bây giờ là một ốc đảo. Và thử nghiệm đã cho chúng tôi thấy rằng chắc chắn có thể kiểm soát dịch bệnh thông qua tiêm chủng".

Kết quả khả quan

Một số vaccine COVID-19 khác đã chứng minh hiệu quả phòng ngừa bệnh nặng hơn 90% trên thực tế, và đã giúp các quốc gia đưa số ca bệnh xuống mức rất thấp. Nhưng nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại về CoronaVac. Vaccine này sử dụng một phiên bản SARS-CoV-2 bất hoạt để kích thích khả năng miễn dịch ở người. Các thử nghiệm lâm sàng đối với vaccine này thực hiện ở một số quốc gia cho thấy mức độ hiệu quả khác nhau, nhưng nhìn chung không cao, thấp nhất là 50% ở Brazil - chỉ vừa đủ đáp ứng ngưỡng cho phép sử dụng trong trường hợp khẩn cấp do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra.

Đó là lý do tại sao dữ liệu từ Serrana khiến nhiều nhà khoa học ở Brazil yên tâm. Ở Serrana, CoronaVac chiếm 80% tổng số liều vaccine được tiêm. “Đây là những kết quả rất đáng khích lệ", Ethel Maciel, nhà dịch tễ học tại Đại học Liên bang Espírito Santo, Vitória, người không tham gia thử nghiệm nói. Maciel đặc biệt yên tâm khi vaccine đã bảo vệ được thị trấn này trước biến thể P1, có nguồn gốc từ Brazil và hiện là biến thể phổ biến nhất ở quốc gia này. Đây cũng là biến thể phổ biến nhất ở Serrana trong suốt thời gian nghiên cứu. Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã cho thấy, P1 có thể né tránh hàng rào miễn dịch do vaccine tạo ra.

Người dân ở Serrana, Brazil xếp hàng tiêm CoronaVac.

Mới đây, WHO đã thông báo đưa CoronaVac vào danh sách sử dụng khẩn cấp nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng ở những quốc gia có thu nhập thấp. Brazil có đợt bùng phát COVID-19 nghiêm trọng thứ hai trên thế giới, với hơn 461.000 ca tử vong chính thức, thấp hơn Mỹ nhưng cao hơn Ấn Độ. Chiến dịch tiêm chủng của Brazil chậm bắt đầu vì nguồn cung vaccine khan hiếm và đến nay mới chỉ có thể nhắm đến người già và bệnh nhân mắc bệnh nền. Chỉ 15% dân số Brazil đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.

Vẫn cần theo dõi thêm hiệu quả miễn dịch

Thử nghiệm tiêm chủng ở Serrana có tên là Dự án S và được giữ bí mật để tránh người dân ồ ạt đổ đến thị trấn này. Vào thời điểm bắt đầu thử nghiệm, cứ 20 cư dân Serrana thì có một người bị nhiễm bệnh. Số ca nhiễm cao, cùng với dân số ít, chỉ hơn 45.000 người, khiến thị trấn trở này trở thành địa điểm thử nghiệm phù hợp.

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu gồm khoảng 15 người tiến hành một cuộc điều tra dân số chi tiết. Sau 8 tuần, tổng cộng khoảng 27.000 người dân Serrana (từ 18 tuổi trở lên không mắc bệnh mãn tính và không mang thai) đã được tiêm hai mũi.

Mặc dù thị trấn không bao giờ bị đóng cửa hoặc bị cô lập với các thành phố lân cận, nhóm nghiên cứu cho biết họ bắt đầu thấy tình trạng lây nhiễm gần như giảm ngay lập tức sau khi bắt đầu tiêm liều vaccine thứ hai. Vào thời điểm khoảng 75% dân cư đủ điều kiện được chủng ngừa, dịch bệnh đã được kiểm soát một cách hiệu quả.

Nhóm nghiên cứu cho rằng chiến dịch tiêm chủng, kết hợp với số ca nhiễm trước đó trong cộng đồng, có thể đã đưa thị trấn đạt được "miễn dịch cộng đồng" - trạng thái mà virus khó tìm được người mới để lây nhiễm vì rất nhiều người đã có miễn dịch. Vào ngày thứ 14 sau lần tiêm mũi thứ hai, chỉ có hai trường hợp mắc bệnh trong số những người được tiêm chủng và không có trường hợp tử vong. Các trường hợp nhiễm COVID-19, nhập viện và tử vong cũng giảm mạnh ở trẻ em và thanh thiếu niên, trong khi nhóm này không được chủng ngừa do chưa đủ 18 tuổi.

Không có tác dụng phụ nghiêm trọng nào được báo cáo. Nhóm nghiên cứu cho biết kết quả sẽ sớm được gửi cho một tạp chí để xuất bản.

Ricardo Gazzinelli, chủ tịch Hiệp hội Miễn dịch học Brazil, nói kết quả này là một tin tốt cho CoronaVac, nhưng cảnh báo rằng 2 tháng phân tích là quá ngắn. Nhóm nghiên cứu hiện có kế hoạch tiếp tục theo dõi cư dân của Serrana trong tối đa 1 năm để xem liệu khả năng miễn dịch của họ có suy giảm hay không. Nếu khả năng miễn dịch suy giảm, sẽ rất khó để chấm dứt đại dịch bằng cách sử dụng CoronaVac, bởi vì Brazil sẽ phải bắt đầu tiêm phòng nhắc lại trước khi kịp tiêm phòng đầy đủ lần đầu cho toàn bộ dân số.

Gazzinelli nói: “Nếu thời gian hiệu lực của vaccine ngắn và chúng tôi giữ tốc độ tiêm chủng hiện tại thì sẽ không bao giờ đạt được miễn dịch cộng đồng, vì khi tiêm được vaccine lần đầu cho tất cả mọi người, thì một nhóm lớn được tiêm trước đã không còn miễn dịch nữa".

Nguồn: