Thiên thạch bốc cháy tạo thành quả cầu lửa khổng lồ lao xuống Đại Tây Dương, có sức công phá tương đương 13.000 tấn thuốc nổ TNT.

thien-thach-khong-lo-ruc-chay-tren-dai-tay-duong

Hình minh họa một thiên thạch phát nổ bốc cháy thành cầu lửa. Ảnh: Science Photo Library.

Theo BBC, vụ nổ thiên thạch xảy ra hôm 6/2, cách bờ biển Brazil khoảng 1.000 km. Các nhà khoa học tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) nhận định đây là vụ nổ thiên thạch lớn nhất kể từ sau vụ nổ trên bầu trời Chelyabinsk, Nga, vào ngày 15/2/2013.

Vụ nổ thiên thạch ở Chelyabinsk có sức công phá tương đương 50.000 tấn thuốc nổ TNT, làm hơn 1.000 người bị thương do trúng phải các mảnh kính vỡ. Trong khi đó, vụ nổ trên Đại Tây Dương ít được chú ý hơn do thiên thạch bốc cháy tại độ cao khoảng 30 km so với mặt nước và không ảnh hưởng đến các khu dân cư.

Theo Telegraph, Phil Plait, nhà thiên văn học người Mỹ, đánh giá thiên thạch phát nổ ngoài khơi Brazil có đường kính khoảng 5 - 7 m. Trong trường hợp rơi xuống khu dân cư, nó có thể làm rung các ô cửa kính và khiến người dân hoảng sợ.

Các nhà khoa học NASA ước tính trung bình mỗi năm có khoảng 30 thiên thạch với đường kính 1 - 20 m phát nổ khi lao qua bầu khí quyển Trái Đất. Hầu hết các thiên thạch không ảnh hưởng đến khu vực dân cư vì chúng thường lao xuống đại dương.