GS Đào Tiến Khoa có gửi cho Khoa học và Phát triển một số bài viết về một số nhà khoa học, nhà văn hóa trích trong hồi ký của thân sinh ông - GS, NGND Đào Văn Tiến (1920 - 1995).

Qua đó ta không chỉ thấy tài năng của một thế hệ các nhà khoa học thời kỳ đầu hình thành nền khoa học Việt Nam mà còn thấy mối quan hệ thân tình của họ trong công việc và đời sống.

Tôi biết tiếng thầy Hoàng trước khi được gặp thầy. Từ lúc thầy về nước vào khoảng những năm 30, thầy đã nổi tiếng là giáo sư giỏi nhất về Toán học lúc bấy giờ. Ngoài ra, người ta còn đồn thầy còn rất giỏi về Hán văn... Tôi được biết rõ về hai thông báo khoa học của thầy ở Hội đồng nghiên cứu khoa học Đông Dương, một về âm lịch và dương lịch Việt Nam, một về nguyên tắc biên soạn danh từ khoa học Việt Nam.Tôi cũng được đọc hai công trình chuyên khảo của thầy về hai danh nhân lịch sử Lý Thường Kiệt và La Sơn Phu Tử... Trình độ uyên bác của thầy đã làm cho nhiều đồng liêu và môn đồ khi đó rất vị nể.

Có ba dịp được gặp gỡ và tiếp xúc với thầy làm tôi nhớ mãi tới bây giờ.

Năm 1940, sau khi tốt nghiệp tú tài (trung học) tôi tới gặp thầy ở nhà riêng ở Sen Hồ (Hoàng Mai). Thầy tiếp tôi vào buổi tối và tôi vẫn nhớ ấn tượng hôm đó trông thầy người tầm thước, trán rộng cao, mắt sáng, ăn nói nhỏ nhẹ, cười tươi và nhanh nhẹn trong bộ quần áo cánh lụa hơi lùng thùng. Tôi hỏi thầy về con đường học vấn mà tôi nên tiếp tục sau này. Học luật: tôi không muốn làm quan; học thuốc: hoàn cảnh nhà tôi quá nghèo nên không đủ tiền để theo đuổi. Chỉ còn trường Đại học Khoa học Đông Dương mới mở không rõ triển vọng ra sao.

Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Nguồn: wikipedia

Thầy chậm rãi nói: “Trường khoa học mới mở có nhiều triển vọng. Trước kia người Pháp quan tâm mở trường Luật và trường Y rất sớm là nhằm đào tạo một đội ngũ cán bộ hành chính và y tế rất cần thiết cho các công việc khai hóa thuộc địa lúc bấy giờ, còn muốn học khoa học phải sang Pháp. Nay do chiến tranh nên liên lạc giữa Đông Dương với Pháp hầu như gián đoạn nên họ nghĩ tới việc đào tạo tại chỗ các ngành khoa học cho con em họ đồng thời mở rộng cho các thanh niên Việt Nam. Vì vậy đây là một hoàn cảnh tiện lợi cho chí tiến thủ của một số thanh niên ta muốn đi vào khoa học”.

Tôi cũng tâm sự với thầy về nỗi phân vân khi chọn một trong bốn ngành: Toán, Vật lý, Hóa học, Vạn vật học (nay ta gọi là Sinh vật học). Trong thâm tâm, tôi đã thích và cảm thấy mình có khả năng về các ngành khoa học thực nghiệm.Thầy suy nghĩ một chút rồi khuyên tôi: Nước ta nhiều tài nguyên thiên nhiên, nhưng việc tìm hiểu để khai thác hầu như mới ở bước đầu, vì thế các ngành Vạn vật học sẽ có đất dụng võ. Hơn nữa, các ngành này không cần tới những máy móc đắt tiền so với các ngành Vật lý, Hóa học, nước ta còn nghèo nên trong một thời gian dài vẫn chưa thể có đủ các trang thiết bị hiện đại để cho các ngành đó hoạt động được đâu. Ý kiến xác đáng đó của thầy đã giúp tôi quyết định không do dự cho con đường khoa học của mình.

Lần thứ hai tôi tới gặp thầy để xin ý kiến về công việc soạn thảo lập Danh từ khoa học Việt Nam phần vạn vật học. Sau khi nghiên cứu kỹ tập Danh từ khoa học (phần toán, lý, hóa, cơ, thiên văn của thầy) tôi nảy ra ý nghĩ trong đầu: tại sao ta không chuẩn bị phần vạn vật học của tập Danh từ? Dựa theo các nguyên tắc biên soạn của thầy thì phần khó nhất thầy đã giải quyết rồi. Sau khi nghe tôi trình bày dự định, thầy phấn khởi động viên tôi và hứa sẽ viết lời giới thiệu. Thầy cho tôi mượn một số từ điển Pháp – Trung và không quên dặn mỗi khi có vấn đề gì nảy sinh, cứ tới gặp thầy.

Ngay hôm đó, thầy đã giúp tôi quyết định xây dựng một công trình khoa học đầu tay của mình về ngôn ngữ ở tuổi 23. Tôi đã bắt tay ngay vào công việc, cố gắng học thêm thuật ngữ Trung văn của một cụ đồ gần nhà, tìm hiểu thêm các sách từ nguyên trong thư viện, miệt mài với công việc tới nửa đêm. Các buổi tối tôi dành toàn bộ cho biên soạn danh từ và sau hai năm tôi đã hoàn thành bản thảo đầu tiên. Sau khi đưa thầy xem và viết lời giới thiệu*, tập sách đã được Tổng hội sinh viên Việt Nam cho ấn hành đúng vào dịp Cách mạng Tháng Tám thành công (1945).

Vẫn nhớ hồi thầy làm Bộ trưởng Quốc gia giáo dục của chính phủ Trần Trọng Kim, có lần thầy triệu tập một số anh em từ các ngành khoa học khác nhau tới giao nhiệm vụ soạn thảo chương trình giáo dục từ cấp tiểu học tới cấp trung học. Sau khi nhanh chóng được hoàn thành, chương tình này đã được Bộ Giáo dục sử dụng rộng rãi trong suốt những năm kháng chiến chống Pháp. Trong buổi họp hôm đó tôi có băn khoan hỏi thầy: “Nếu có gì thay đổi, thầy vẫn ở lại ngành giáo dục chứ?” thầy buồn buồn trả lời: “chắc gì người ta để cho mình làm”. Thật quả là lời nói tiên tri.

Bẵng đi vài chục năm tôi không được gặp thầy, năm 1979, khi có dịp sang Pháp tôi đã tới thăm thầy và gia đình. Tôi vui mừng vì thấy thầy mạnh khỏe với tuổi hơn 80, chỉ có một bên mắt thị lực giảm sút. Tôi nghe nói thầy đã làm việc cho một công ty điện tử nào đó và hiện đã nghỉ hưu, nhưng ông vẫn tiếp tục nghiên cứu cổ văn, cổ sử. Cho rằng thầy ở Pháp nên có điều kiện thông tin hơn tôi, tôi có thử hỏi thầy về thời cuộc, về khả năng của cuộc đại chiến thế giới thứ 3, thầy nói ngắn gọn theo suy ngẫm của thầy: “thế chiến thứ 3 có thể xảy ra nhưng không phải là giữa phe Tư bản chủ nghĩa và phe Xã hội chủ nghĩa”.

Tôi ngạc nhiên khi nghe thầy tiên đoán“mà là ở Trung Đông và nguyên nhân chính là vấn đề dầu lửa”. Lúc bấy giờ tôi nghĩ là thầy hơi viển vông và hơi xa thực tế chăng? Và tôi cũng đã lãng quên chuyện này… cho tới khi tiếng súng quân Đồng minh nổ ở vùng vịnh Persic, Iraq năm 1990 đã làm tôi nhớ lại buổi nói chuyện ở Paris năm nào. Sau này, có người tiết lộ với tôi là thầy Hoàng rất thông kinh dịch và cuốn La Sơn Phu Tử thầy viết ra là để biệu lộ chí hướng của mình.

Tôi rất tiếc là khi đó tôi đã không hỏi thêm thầy một số vấn đề khác mà tôi hằng quan tâm. Những người như thầy thấu hiểu được cả hai nền văn hóa Đông và Tây thực sự chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Trước kia có các cụ Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc... gần đây thầy Đào Duy Anh, thầy Đặng Thai Mai và thầy Hoàng Xuân Hãn.

Tôi sẽ không bao giờ quên ơn thầy Hoàng, người đã chỉ ra cho tôi con đường khoa học nên đi, và bằng tấm gương của mình, thầy đã động viên tôi nhiều trên con đường gian khổ đó.

Hà Nội, đầu thu năm 1993