Khoảng 80% trong số 100.000 nghiên cứu và sáng chế hằng năm của các trường đại học trên thế giới không bao giờ ra khỏi phòng thí nghiệm, trong khi các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong nghiên cứu và phát triển (R&D).

Bắc cầu cho hai “thế lực” này là lý do Tekcapital - công ty toàn cầu chuyên đầu tư vào chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT) - ra đời.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn của tờ Forbes với người sáng lập và Giám đốc điều hành Tekcapital - ông Clifford Gross.

Ông Clifford Gross.
Ông Clifford Gross.

Mạng lưới 4.500 tổ chức nghiên cứu

Điều gì khiến ông nảy ra ý tưởng thành lập Tekcapital?

Các trường đại học luôn có các nhà phát minh, sáng chế và phát triển công nghệ hàng đầu. Tuy nhiên, khoảng 80% trong 100.000 nghiên cứu và sáng chế hằng năm của họ không bao giờ ra khỏi phòng thí nghiệm. Đây là sự lãng phí nghiêm trọng nguồn vốn trí tuệ trong hoàn cảnh tốc độ đổi mới sáng tạo đang diễn ra nhanh chóng, khiến các công ty gặp nhiều khó khăn trong R&D.

Để giải quyết vấn đề này, chúng tôi đã phát triển một tổ hợp các dịch vụ chuyển giao công nghệ để giúp các công ty dễ dàng xác định, đánh giá và mua bằng sáng chế, nghiên cứu của trường đại học. Chúng tôi đã mua được quyền sử dụng một danh mục sáng chế lớn của các trường nhằm giúp khách hàng chiến thắng trong cạnh tranh.

Xin ông chia sẻ một số khó khăn, thách thức phải đối mặt khi mới thành lập công ty?

Khi tôi và một số bạn bè cùng học ở Oxford khai sinh Tekcapital năm 2014, sáng tạo mở đã diễn ra. Nó đến với nhiều sự phô trương, nhưng vẫn chưa thể đưa được những đổi mới sáng tạo ra khỏi phòng nghiên cứu tới các công ty một cách có hệ thống. Quá nhiều lực cản tồn tại giữa nhà cải cách và chủ nhân của các sáng chế. Chúng tôi biết rằng các nguồn lực cơ bản đang bị thiếu và thách thức lớn nhất với chúng tôi là đáp ứng nhu cầu này bằng mạng lưới và tổ hợp dịch vụ của mình.


Ông có thể mô tả hoạt động và quá trình phát triển của Tekcapital?

Khi công ty được thành lập, nhiều tập đoàn lớn trên thế giới không thể tiếp tục chi mạnh tay cho R&D nữa, không thể làm điều này trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt trên thị trường quốc tế. Vấn đề đó đòi hỏi có giải pháp.

Đó là lý do chúng tôi tạo ra Invention discovery network (Hệ thống khám phá sáng chế). Bước đầu tiên là xác định và tập hợp nguồn cung cấp nghiên cứu, sáng chế của các trường đại học. Có khoảng 15.000 cơ sở nghiên cứu trên thế giới, nhưng năng suất của chúng khác nhau.

Cụ thể là 4.500 tổ chức hàng đầu tạo ra khoảng 80% số sản phẩm khoa học đáng tin cậy trên thế giới. Tiếp theo, chúng tôi xác định các tổ chức này và phát triển mã sở hữu để nắm bắt tài sản trí tuệ hiện có của họ. Để kết tinh các dữ liệu thô vào bộ định tuyến tài sản trí tuệ với các sản phẩm có thể thương mại hóa cho khách hàng, chúng tôi đã tập hợp được một nhóm cố vấn khoa học đa dạng, có kiến thức.

Hiện tại, Tekcapital có hơn 50 nhà khoa học quản lý, giám sát các báo cáo phát minh, sáng chế của chúng tôi. Họ là xương sống vững chắc để nâng cao vị thế về SHTT của Tekcapital.

Hệ thống mã độc quyền của chúng tôi giúp công ty dễ dàng thu thập các nghiên cứu thị trường một cách tự động về bất kỳ công nghệ nào. Tekcapital kết hợp các mã này với một nhóm nhà phân tích công nghiệp để cung cấp các báo cáo đánh giá sáng chế (invention evaluator). Họ có thể đánh giá nhanh và hiệu quả về chi phí, khả năng thương mại hóa thành công của bất kỳ nghiên cứu đổi mới sáng tạo nào.

Vì vậy, invention discovery network giúp khách hàng doanh nghiệp xác định được các nghiên cứu đổi mới sáng tạo nào hứa hẹn nhất và invention evaluator sẽ giúp các nhà đổi mới sáng tạo, tác giả nghiên cứu đánh giá tiềm năng thị trường cho sản phẩm của họ. Về cơ bản, chúng tôi cung cấp dịch vụ tất cả trong một để tìm kiếm và kiểm tra tài sản trí tuệ mới.

Ông Clifford Gross (trái) bắt tay Robert Niven - Chủ tịch Công ty CarbonCure Technologies (Canada) trước sự chứng kiến của Darrell Dexter - cựu Thủ hiến bang Nova Scotia (Canada). Ảnh: Novascotia
Ông Clifford Gross (trái) bắt tay Robert Niven - Chủ tịch Công ty CarbonCure Technologies (Canada) trước sự chứng kiến của Darrell Dexter - cựu Thủ hiến bang Nova Scotia (Canada). Ảnh: Novascotia

Luôn có giải pháp giá rẻ đang chờ đâu đó

Ông có thể giải thích tầm quan trọng của việc kết nối thời gian thực giữa các công trình nghiên cứu học thuật phong phú với thị trường hiện tại?

Trong tác phẩm The Structure of scientific revolutions (Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học), Thomas Kuhn chỉ ra rằng kiến thức khoa học thường nảy sinh thông qua cảm hứng mang tính cách mạng chứ không chỉ từ sự tích lũy của nghiên cứu.

Hiện nay, những khoảnh khắc eureka này xuất hiện thường xuyên hơn, thay thế những ý tưởng cũ và có thể làm đảo lộn cả một ngành công nghiệp, như cách nền tảng cho thuê chỗ Airbnb (startup tỷ đô của Mỹ) đang thay thế các chuỗi khách sạn.

Nghiên cứu cơ bản được xây dựng dựa trên thất bại và thành công của các thí nghiệm và đột phá với các khoảnh khắc của thiên tài. Rất ít công ty có đủ ngân sách R&D, thời gian và sự kiên nhẫn để duy trì những nỗ lực này.

Tuy nhiên, các trường đại học lại rất xuất sắc về điều đó với chi phí dài hạn mà người nộp thuế phải chịu dưới hình thức trợ cấp của chính phủ. Họ có thể chịu được rủi ro và chi phí nghiên cứu cơ bản lớn. Đổi mới sáng tạo rất nhạy cảm về thời gian, vì vậy bạn cần nắm bắt được tài sản trí tuệ của các trường đại học trong khi vẫn sẵn sàng cho việc thương mại hóa. Chúng tôi tin tưởng rằng với mỗi vấn đề về mặt công nghệ luôn có một giải pháp giá rẻ ở đâu đó đang chờ được tìm thấy trong mạng của chúng tôi.

Vậy các "điểm mù" lớn nhất hoặc "cạm bẫy" gây cản trở thì sao? Làm thế nào để công ty ông giải quyết chúng?

Chúng tôi tin rằng khoảng trống về truyền thông giữa các công ty và trường đại học chính là nguyên nhân chính dẫn đến việc hầu hết các tài sản trí tuệ của trường đại học không được thương mại hóa.

Ngoài ra, một số lượng lớn tài sản trí tuệ của trường cần được nghiên cứu thêm trước khi sẵn sàng để thương mại hóa như phát triển sản phẩm mẫu, kết hợp với tài sản trí tuệ của các tổ chức khác, phân tích vị trí, vai trò kỹ thuật của nó. Đây là những bước mà chúng tôi thực hiện để tạo điều kiện cho các công ty đối tác mua quyền sử dụng nghiên cứu của trường đại học

Với mạng lưới toàn cầu, Tekcapital giảm thiểu lựa chọn bất lợi các tài sản trí tuệ và giúp lựa chọn tài sản trí tuệ triển vọng nhất cho việc thương mại hoá. Chúng tôi làm việc này nhờ các báo cáo phân tích sáng chế và đánh giá tài sản trí tuệ mới, bằng cách sử dụng chuyên gia chuyển giao công nghệ trong việc tăng cường kết nối các trường đại học và các công ty.


Bí quyết để công ty ông có thể vừa thành công vừa bền vững?

Điều này phụ thuộc vào khả năng của chúng tôi trong chuyện hợp lý hóa việc cung cấp tài sản trí tuệ của các trường đại học với nhu cầu của các công ty cần đổi mới sáng tạo. Tekcapital không ngừng tìm kiếm để phát triển và có nhiều công cụ làm giảm “ma sát” giữa hai phía.

Gần đây, chúng tôi đã giới thiệu ứng dụng tìm kiếm tài sản trí tuệ của điện thoại di động trên các hệ điều hành Android/iOS giúp mọi người dễ dàng tìm bằng sáng chế của các trường đại học trên thế giới. Chúng tôi đã xây dựng ứng dụng để không gian tài sản trí tuệ của trường đại học trở nên dễ tiếp cận hơn đối với các nhà quản lý đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

Về mặt kinh doanh, Tekcapital liên tục mua lại tài sản trí tuệ của trường đại học cho danh mục đầu tư của mình. Công việc của chúng tôi là lựa chọn một cách khôn ngoan và làm cho các tài sản trí tuệ đó sẵn sàng để được cấp bằng sáng chế. Vị trí độc tôn của chúng tôi trong không gian tài sản trí tuệ của trường đại học mang đến những cơ hội lớn thường bị bỏ qua ở các thị trường lớn.

Ông có thể chia sẻ về hướng phát triển của công ty trong 3-5 năm tới và tác động của nó cho ngành công nghiệp mà ông kỳ vọng?

Internet tạo ra sự dân chủ hóa tri thức trong những năm gần đây và điều này đã dẫn đến sự gia tăng khối lượng và tốc độ nghiên cứu. Chúng ta đều biết kiến thức là sức mạnh và bất cứ ai có khả năng khai thác tài sản trí tuệ của các trường đại học sẽ có sự chuẩn bị tốt nhất để thành công. Sự đổi mới sáng tạo nội bộ không còn đủ để duy trì lợi thế cạnh tranh. Khi mà bối cảnh nghiên cứu đang chuyển hướng, chúng tôi nghĩ rằng Tekcapital sẽ chứng minh được vai trò quan trọng của mình.

Theo Phòng Thương mại Mỹ, các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài sản trí tuệ chiếm khoảng 35% GDP của Mỹ, với năng suất lao động của mỗi công nhân cao hơn 72,5% so với mức trung bình cả nước và tạo ra 74% sản lượng xuất khẩu của Mỹ. Tất cả các công ty này đều dễ bị lỗi thời nếu không đổi mới liên tục.

Chuyển đổi nghiên cứu thành các sản phẩm và dịch vụ hữu ích là cốt lõi trong chiến lược của Tekcapital. Cuối cùng, chúng tôi hy vọng sẽ làm cho việc đổi mới sáng tạo của các trường đại học trên toàn thế giới dễ dàng có tác động tích cực đến từng cá nhân.

Theo báo cáo năm 2014 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, khoảng 2,1 triệu đơn đăng ký sáng chế đã được nộp mỗi năm và con số này tiếp tục gia tăng theo cấp số nhân trong ba năm qua. Trong cùng năm đó, thị trường sở hữu trí tuệ toàn cầu được dự báo tạo ra khoảng 180 tỷ USD từ giấy phép, mặc dù tỷ lệ thương mại hóa trung bình chỉ là 2%.