Những bức ảnh về vẻ đẹp của động thực vật trong tự nhiên có thể thu hút hàng ngàn người đổ xô đến khu vực để săn lùng, buôn bán động thực vật bất hợp pháp, gây ảnh hưởng đến hệ sinh thái.

.
Paphiopedilum Canhii là loài Lan Hài đặc hữu của Việt Nam, có kích thước cây và hoa nhỏ nhất của Việt Nam, được phát hiện năm 2010. Ảnh: Chu Xuân Cảnh

Vào một ngày cuối năm 2009, một nhóm người H’Mông đã mang những cây phong lan được họ thu thập từ trên núi xuống bán tại TP. Điện Biên. Những cành lan ấy đã đến tay ông Cảnh - một người chuyên sưu tầm tư liệu và bảo tồn lan rừng. Ông Cảnh sau đó đã chăm sóc những cây lan này trong vườn nhà mình. Vào tháng ba năm sau, chúng đã nở hoa, và ông nhanh chóng phát hiện ra rằng đây là một loài mới chưa từng được ghi nhận về mặt khoa học1.

Sau khi nhận được hình ảnh và mẫu hoa từ ông Cảnh, GS. Leonid Averyanov - một nhà thực vật học nổi tiếng người Nga - đã đặt tên cho loài mới là Paphiopedilum canhii (còn gọi là Lan hài Cảnh) và công bố trên tạp chí Orchids, tạp chí của Hiệp hội Hoa lan Hoa Kỳ, số ra tháng 5/2010.

Khi thông tin về loài lan quý xuất hiện trên báo chí và các trang mạng xã hội, chúng bất ngờ tạo nên một cơn sốt săn lùng cả trong nước lẫn quốc tế. Những người dân địa phương - vốn biết nơi loài lan này mọc trong tự nhiên - đã kéo vào rừng để tìm kiếm các nhành hoa nhằm bán cho thương lái. Nhiều người thậm chí đã đến tận nơi để chụp những bức ảnh mới nhất về loài lan này để đăng tải trên mạng xã hội, thu hút thêm càng nhiều người quan tâm. Internet tràn ngập hình ảnh về loài hoa mới này. Hệ quả là, chỉ sau sáu tháng, loài P. canhii gần như biến mất trong khu vực.

Câu chuyện về loài lan đặc hữu của Việt Nam chỉ là một trong số những ví dụ về khả năng lan truyền hình ảnh nhanh chóng của Internet và những rủi ro mà nó có thể mang lại đối với hệ sinh thái.

Những năm gần đây, cùng với sự phổ biến của điện thoại thông minh và mạng xã hội, ngày càng nhiều người đăng tải ảnh về hệ động thực vật và phong cảnh với nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như để hỏi mọi người tên của một loài mà họ chưa rõ, quảng bá các chuyến tham quan ngoài tự nhiên hoặc đơn giản là để tương tác với nhau.

Nếu biết tận dụng, nhiếp ảnh thiên nhiên có thể là một công cụ bảo tồn hữu ích giúp cung cấp thông tin về sự hiện diện của một loài chưa từng được biết đến. Vào năm 2023, các nhà khoa học đã phát hiện ra bốn loài thực vật mới thuộc chi gọng vó (Drosera spp.) thông qua mạng xã hội. Bên cạnh đó, nhiếp ảnh là một trong những công cụ phổ biến để áp dụng mô hình “khoa học công dân” (citizen science – những nghiên cứu mà người không chuyên có thể chủ động tham gia cùng tạo ra tri thức). Chẳng hạn, một dự án khoa học công dân của Úc có tên Aussie Bird Count đã thu thập dữ liệu về 3,6 triệu chú chim chỉ trong một tuần - nhờ kêu gọi sự tham gia của người dân trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, những bức ảnh về vẻ đẹp nguyên sơ của thiên nhiên lại có thể thu hút hàng ngàn người đổ xô đến khu vực để săn lùng, buôn bán bất hợp pháp, chen chúc nhau chụp ảnh “câu tương tác”. Nhu cầu chia sẻ những hình ảnh ấn tượng để thu hút tương tác trên mạng xã hội đã khiến nhiều người quan tâm đến việc chụp ảnh các loài bị đe dọa, đặc hữu và độc đáo, từ đó thúc đẩy trong họ ý tưởng mạo hiểm đến tận nơi để tìm kiếm các hình ảnh độc quyền.

Trong một nghiên cứu được đăng tải gần đây trên Science of The Total Environment, GS. Robert A. Davis thuộc Đại học Edith Cowan và các cộng sự đã phân tích những tác động tiêu cực do những bức ảnh trên mạng xã hội gây ra đối với đa dạng sinh học2.

Nhóm nghiên cứu đã tìm kiếm tài liệu trên Google Scholar bằng các từ khóa như “Du lịch sinh thái” + “nhiếp ảnh” + “xáo trộn”, “Động vật hoang dã” + “nhiếp ảnh” + “xáo trộn”. Sau đó, họ đọc từng ấn phẩm đến xem xét liệu sự xáo trộn được đề cập đến trong bài báo có thực sự đến từ hoạt động chụp ảnh hay không và loại bỏ những ấn phẩm chỉ đề cập đến việc chụp ảnh như một phần của hoạt động con người có thể gây ra sự xáo trộn.

Từ đây, nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng một số hành vi liên quan đến chụp ảnh của con người thực sự có thể gây ra sự thay đổi về hành vi và sinh lý của các loài sinh vật. Một trong những trường hợp tiêu biểu là loài họa mi đầu xanh đang bị đe dọa nghiêm trọng hiện chỉ sống ở một tỉnh tại Trung Quốc. Quần thể hoang dã của loài này hiện chỉ còn khoảng 300 cá thể. Rất nhiều người đã đến săn lùng và chụp ảnh loài chim quý hiếm này đến nỗi chúng buộc phải thay đổi cách xây tổ để tránh đèn pin và tiếng màn trập máy ảnh.

Ngoài ra, nhiều người chụp ảnh đã bắt chước các công cụ của những nhà khoa học để thu hút chim. Một số nhà khoa học sẽ phát tiếng hót của chim để dụ các đàn chim biển trở về nơi làm tổ trước đây hoặc để theo dõi các loài khó phát hiện - họ sử dụng phương pháp này một cách thận trọng và có tính toán đến tác động lên loài chim. Tuy nhiên, một số người đã lạm dụng phương thức này bằng cách dùng loa và ứng dụng nhận dạng chim nhằm thu thập các loài quý hiếm. Âm thanh phát ra từ loa có thể kích động chim, khiến chúng thay đổi hành vi hoặc làm gián đoạn quá trình sinh sản của chúng.

Nghiên cứu cũng tiết lộ các nhiếp ảnh gia động vật hoang dã thường sử dụng mồi nhử để chụp ảnh. Nếu thực hiện thường xuyên, phương thức này có thể thay đổi hành vi của động vật, tác động đến quá trình trao đổi chất và thậm chí là khiến động vật mất đi khả năng kiếm ăn.

Chụp bằng máy bay không người lái cũng có thể dẫn đến rủi ro. Máy bay không người lái làm nhiều loài động vật hoang dã sợ hãi, khiến chúng phải rời khỏi nơi ẩn náu, cố gắng trốn thoát hoặc trở nên hung dữ.

Với thực vật, chúng thậm chí còn không thể chạy trốn. Đằng sau những bức ảnh tuyệt đẹp về cánh đồng hoa dại và rừng mưa nhiệt đới là hình ảnh đám đông chen chúc, giẫm đạp lên thực vật và để lại rác - gây ô nhiễm môi trường.

Tìm kiếm biện pháp

Đề cập đến những giải pháp nhằm khắc phục tình trạng này, các nhà khoa học cho rằng nên tiếp cận yếu tố quan trọng: tọa độ nơi bức ảnh được chụp. Nhiều người khi chia sẻ ảnh thiên nhiên lên mạng xã hội sẽ đính kèm thêm vị trí chụp được, dẫn dắt nhiều người đến đó quấy nhiễu đời sống tự nhiên. Ngay cả khi người chụp không đề cập đến nơi chụp, người khác vẫn có thể tìm ra tọa độ GPS được nhúng trong siêu dữ liệu của ảnh.

Trong bài báo, GS. Robert A. Davis cho rằng những người quản trị các nhóm chụp ảnh thiên nhiên, hội mê lan, ngắm chim, lặn biển trên mạng xã hội có thể tham gia vào công việc bảo tồn. Theo ông, tiếng nói của những người quản trị có sức nặng đáng kể đối với các thành viên trong nhóm và nội dung được đăng tải. Việc kiểm duyệt một cách cẩn thận sẽ giúp bảo vệ các thông tin về những loài quý hiếm và các khu vực còn hoang sơ.

Quản trị viên có thể tạo ra một bộ quy tắc và yêu cầu các thành viên tuân thủ. Ví dụ, họ có thể yêu cầu không đăng ảnh những loài hoa lan quý hiếm cho đến hết mùa hoa hoặc cấm hoàn toàn các bài đăng đề cập đến địa điểm, cũng như giải thích cách vị trí chụp có thể được nhúng vào trong dữ liệu của ảnh. Cho đến hiện tại, rất nhiều các nhóm có cùng sở thích về chụp ảnh chim, ngắm hoa trên Facebook tại Việt Nam đã tự dựng nên những nguyên tắc tương tự cho các thành viên tham gia nhóm.

Đã có những sáng kiến được triển khai trên thế giới, trong đó có “Leave No Trace” (Không để lại Dấu vết) - một sáng kiến nhằm đưa ra các nguyên tắc dành cho những người tham gia vào các hoạt động ở ngoài thiên nhiên một cách có trách nhiệm.

Trên thực tế, dù cho có bao nhiêu quy tắc được triển khai đi chăng nữa, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của người chụp ảnh và người dùng mạng xã hội. Trở lại với trường hợp của loài Lan hài Cảnh, trước khi GS. Leonid Averyanov công bố đây là loài mới về mặt khoa học, ông Cảnh đã nhờ vị giáo sư không nêu rõ địa danh, tọa độ để bảo vệ cây lan, tránh lặp lại trường hợp đã từng xảy ra với Paphiopedilum helenae tại Cao Bằng năm 1996 - chỉ hai tuần lễ sau khi công bố, những kẻ buôn lan trái phép đã thuê người đến tận nơi vơ vét sạch các cá thể của loài này3.

Dù GS. Averyanov đã đồng ý và không đăng tải tọa độ lên, nhưng rốt cục những bức ảnh về một loài mới đã ngay lập tức thu hút những người sưu tầm, cả trong và ngoài nước, tìm đến tận nơi để thu thập hoa bán kiếm lời. Vì lý do này, số lượng loài Paphiopedilum canhii đã nhanh chóng sụt giảm. “Và đó là sự thật: sự tuyệt chủng với tốc độ của Internet”, TS. Phạm Văn Thế (Đại học Văn Lang) và các đồng nghiệp nhận định, họ đã kể lại câu chuyện về quá trình được phát hiện và bị tuyệt chủng của loài này trong một công bố vào năm 2014. “Quan sát trực tiếp trong tự nhiên cho thấy khoảng 99,5% quần thể của loài lan này đã biến mất chỉ sau sáu tháng khai thác.”


Chú thích:

[1] https://www.researchgate.net/publication/288701667_Field_survey_of_Paphiopedilum_canhii_from_discovery_to_extinction
[2] https://phys.org/news/2024-08-death-social-media-nature-photos.html
[3] http://www.hoalanvietnam.org/6B2_lv/4l/Lan-Hai-Xuan-Canh.pdf

Đăng số 1308 (số 36/2024) KH&PT