Một nghiên cứu mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Harvard, Mỹ đã chỉ ra rằng những hành tinh kim cương có thể là nơi chứa những mầm sống đầu tiên trong vũ trụ.
Để đưa ra được kết luận này cựu sinh viên Đại học Harvard, đồng thời là người đứng đầu công trình nghiên cứu Natalie Mashian và giáo sư hướng dẫn đề tài tiến sĩ của mình Avi Loeb (người hiện công tác tại Trung tâm Vật lý-thiên văn Harvard-Smithsonian) đã nghiên cứu một lớp ngôi sao cũ, ít có kim loại, nhưng lai có khả năng tăng cường carbon hay còn gọi là sao CEMP.
Những ngôi sao này chỉ chứa 1/100 tới 1/1000 lượng sắt của Mặt trời, đồng nghĩa với việc chúng được hình thành trước khi vũ trụ có các nguyên tố nặng. Nhưng điểm đặc biệt là những ngôi sao này lại có nhiều carbon hơn so với những gì mà các nhà khoa học nghĩ.
Chính sự thừa thãi carbon có thể đã ảnh hưởng tới sự hình thành các hành tinh : một nhóm hạt bụi carbon gom lại với nhau để tạo nên một hành tinh mới. Và nếu nhìn từ xa, chúng ta khó có thể phân biệt được những hành tinh carbon này với nhiều hành tinh giống trái đất.
Theo các nhà khoa học, những hành tinh có sự sống ban đầu rất khác so với hành tinh của chúng ta. Thời kỳ đầu hình thành vũ trụ, các hành tinh có thể được tạo thành từ đá graphite, carbide và kim cương, hay còn gọi là hành tinh carbon.
“Công trình nghiên cứu chỉ ra rằng, thậm chí những ngôi sao chỉ chứa một phần nhỏ carbon trong hệ mặt trời cũng có thể có hành tinh của riêng mình. Chúng tôi tin rằng sự sống ngoài hành tinh có thể được tạo thành từ carbon và đây cũng có thể là dạng sự sống tồn tại thời vũ trụ mới khai sinh” -Natalie Mashian cho hay.
Vũ trụ nguyên thủy của chúng ta chỉ gồm có hidro và khí heli, không có bất kỳ một yếu tố hóa học nào dạng carbon hay oxy cần thiết cho sự sống. Chỉ sau khi xảy ra vụ nổ siêu tân tinh của các ngôi sao thế hệ đầu, hành tinh thế hệ thứ 2 mới ra đời và có thể từ đây mới nhen lên sự sống.
Hòa An