Tàu vũ trụ OSIRIS-Rex sẽ tiếp cận tiểu hành tinh Bennu và mang mẫu vật về Trái Đất để phục vụ nghiên cứu khoa học.
Tàu OSIRIS-Rex đang trên đường tới tiểu hành tinh Bennu. Ảnh: NJ.
NASA phóng tàu OSIRIS-Rex lên không gian vào tháng 9 năm ngoái với nhiệm vụ nghiên cứu Bennu, tiểu hành tinh 4,5 tỷ năm tuổi, và lấy mẫu vật trở về Trái Đất,
NJ hôm 1/10 đưa tin.
Tàu OSIRIS-Rex bay qua Trái Đất hôm 22/9 vừa qua, lợi dụng lực hấp dẫn để điều chỉnh đường bay tới Bennu, đồng thời chụp lại một số hình ảnh về Trái Đất. Con tàu dự kiến tiếp cận mục tiêu vào năm 2018 và mang mẫu vật trở về Trái Đất năm 2023.
Những gì thu thập từ tiểu hành tinh này có thể hé lộ nhiều chi tiết mới về hệ Mặt Trời hơn 4,5 tỷ năm trước, theo Harold Connolly, giáo sư địa chất tại Đại học Rowan, người phụ trách kiểm tra các mẫu được OSIRIS-Rex mang về thành công.
"Trái Đất hình thành từ những vật chất mà ngày nay chỉ còn tồn tại ở các tiểu hành tinh. Những hợp chất nguyên thủy có thể mang đến sự sống trên Trái Đất hàng triệu năm trước đã bốc cháy khi các mảnh vỡ tiểu hành tinh, hay thiên thạch, lao qua khí quyển. Khi thiên thạch rơi xuống Trái Đất, chúng ngay lập tức nhiễm khuẩn", Connolly cho biết.
Sự nhiễm khuẩn gây khó khăn cho các nhà khoa học khi xác định thành phần cấu tạo của tiểu hành tinh, bước cần thiết để tính toán đường đi khi chúng di chuyển trong vũ trụ.
Bennu là tiểu hành tinh có khả năng đâm vào Trái Đất trong thế kỷ 22 với xác suất 1/2700. Việc dự đoán quỹ đạo của tiểu hành tinh này rất khó khăn, do một mặt của nó thường xuyên bị nung nóng bởi Mặt Trời, khiến hướng di chuyển của nó liên tục thay đổi. Những thay đổi nhỏ có thể cộng dồn thành thay đổi lớn, quyết định xem nó sẽ sượt qua hay đâm xuống Trái Đất.
Năm 2013, thiên thạch Chelyabinsk rộng 17 m lao xuống Nga, bốc cháy và giải phóng năng lượng tương đương hàng trăm nghìn tấn thuốc nổ. Trong khi đó, tiểu hành tinh Bennu có kích thước khoảng 500 m.
Connolly đang tập trung thiết lập các bản đồ về tiểu hành tinh Bennu giúp xác định địa điểm tàu OSIRIS-REx lấy mẫu vật. Ông cũng đang tham gia một nhiệm vụ tương tự của Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA), có tên Hayabusa2 nhằm nghiên cứu tiểu hành tinh Ryugu.