Hơn nửa thế kỷ sống ở thủ đô, PGS-TS Hoàng Văn Ma vẫn trò chuyện với vợ mình bằng tiếng Tày cho dù mấy đứa cháu cứ kêu lên “không hiểu ông bà nói gì”.


Không nguôi trăn trở về sự mai một tiếng nói của các dân tộc thiểu số, ông hết sức giúp đỡ bất cứ ai cần tìm hiểu, nghiên cứu các ngôn ngữ này như một cách giữ cho chúng không bao giờ mất đi.

Người đưa tiếng Tày vào từ điển

Cầm trên tay 2 cuốn từ điển Tày, Nùng - Việt và Việt - Tày, Nùng xuất bản lần đầu tiên vào năm 1974 đã sờn gáy và đượm màu thời gian, PGS-TS Hoàng Văn Ma nhớ lại hành trình đưa ông đến với nước Nga xa xôi để học về ngôn ngữ, hay đến với những bản làng Việt Nam nương mình giữa rừng xanh để tìm hiểu những nét lạ và quen trong hệ ngôn ngữ Tai - Kadai như tiếng Tày - Nùng, tiếng Pu Péo, tiếng La Ha...

Gần 60 năm trước, sau khi tốt nghiệp cấp 3 ở Lạng Sơn, chàng trai 22 tuổi Hoàng Văn Ma thi đỗ khoa Hóa, Đại học Bách khoa Hà Nội. Vào trường 2 tháng, ông được chọn đi học ở Liên Xô (cũ), ngành ngôn ngữ, với nhiệm vụ nghiên cứu tiếng Tày sau khi về nước. “Tôi chưa khi nào nghĩ sẽ có ngày nghiên cứu tiếng mẹ đẻ của mình” - PGS Hoàng Văn Ma kể với giọng đầy mãn nguyện.

Về nước, ông và các cộng sự tại tổ Ngôn ngữ học, Ủy ban Khoa học xã hội lập tức bắt tay vào làm cùng lúc 3 cuốn sách là từ điển Việt - Tày, Nùng, từ điển Tày, Nùng - Việt và ngữ pháp tiếng Tày để đáp ứng nhu cầu cấp bách về từ điển, tài liệu cho giáo viên vùng cao giảng dạy tại địa phương, cũng như cho người Kinh cần giao tiếp với người Tày ở khu Việt Bắc.

Phó Giáo sư - tiến sỹ Hoàng Văn Ma. Ảnh: Ngọc Vũ
Phó Giáo sư - tiến sỹ Hoàng Văn Ma. Ảnh: Ngọc Vũ

“Đó là cuốn từ điển về tiếng Tày, Nùng đầu tiên nên chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tài liệu tham khảo rất ít. Làm cuốn Việt - Tày, Nùng thì dễ hơn vì căn cứ vào từ điển tiếng Việt rồi dịch sang; còn với cuốn Tày, Nùng - Việt, tôi và anh Lục Văn Pảo lên các âm vần, sắp xếp theo thứ tự rồi dịch. Có những từ nói ra thì hiểu, nhưng để dịch sang tiếng Việt thì phải đi hỏi khắp nơi” - ông Ma kể.

Thời ấy, người hiểu cả tiếng Tày lẫn tiếng Việt không nhiều nên PGS Ma đi đi lại lại giữa Cao Bằng - Hà Nội không biết bao nhiêu lần. “Ví như tiếng Tày có từ “quá đéo”, ngày ở nhà tôi vẫn nghe bố mẹ nói nhưng không biết giải nghĩa làm sao. May mắn là tôi tìm gặp được nhà thơ Lạc Dương - người thường làm thơ song ngữ Việt - Tày, Nùng và được ông giải thích đó là từ dành cho những đứa trẻ đã hết tuổi mọc răng sữa, qua thời kỳ khó nuôi. “Quá” nghĩa là đi qua, “đéo” là vòng xoáy của nước, nơi nguy hiểm. Các từ ghép thường khó hiểu, chúng tôi phải chạy khắp nơi, tìm người này, hỏi người kia. Nếu không đủ quyết tâm, chắc đã bỏ qua” - ông Ma kể.

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được bản thảo đầu tiên sau 3-4 năm miệt mài chạy tới chạy lui. Nặng lòng với “đứa con tinh thần” này, PGS Ma tìm cách gửi bản thảo tới tay Thứ trưởng Bộ Văn hóa lúc bấy giờ là ông Nông Quốc Chấn để xin góp ý. Bản thân ông cũng “đến ăn ngủ mấy ngày liền” ở nhà ông Thân Văn Lư - người xây dựng bộ chữ dân tộc ở khu tự trị Việt Bắc - để nhờ góp ý, hiệu đính.

“Hễ biết chuyên gia nào là tôi tìm tới người ấy. Nhiều người bảo sao anh này còn trẻ, mới 30 tuổi mà đã được giao làm từ điển rồi. Nghe nói vậy, tôi càng cố, cố tìm hiểu, sưu tầm và học hỏi để cuốn sách được hoàn thiện nhất. Đó là cuốn từ điển đầu tiên tôi làm, cũng là tiếng mẹ đẻ của tôi” - PGS Ma xúc động.


"Không đi sao có công trình hay"

Sau 3 cuốn sách về tiếng Tày, Nùng, địa hạt nghiên cứu của PGS Ma mở rộng ra nhiều thứ tiếng khác của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; càng nghiên cứu càng thấy đắm say. Theo ông, ngôn ngữ của các dân tộc vốn đã thú vị và dân tộc càng nhỏ thì những điều hay ho lại càng tăng lên.

PGS Ma say sưa kể: “Nhiều học giả nước ngoài khi đi điền dã cùng tôi phải thốt lên “thú vị quá”. Ví như tiếng Tày mượn bộ số đếm từ tiếng Hán. Tiếng Kháng (vùng Tây Bắc) nằm trong ngữ hệ Môn - Khơme, nhưng tiếng Môn - Khơme chưa có thanh điệu trong khi tiếng Kháng lại có. Cũng từ tiếng nói mà các học giả có thể tìm ra cội nguồn của từng loại ngôn ngữ và xếp được các nhóm dân tộc với nhau”.

Những câu chuyện lý thú như thế là kết quả của nhiều ngày vượt núi băng rừng, xin chút muối nhà dân để ăn cùng với nắm cơm độn ngô cho qua bữa, nhiều lần lấy lương mình ra bù khi tiền tạm ứng cho chuyến công tác còn bị hụt... Mỗi chuyến đi đều khiến ông hào hứng với niềm tin mình đang góp phần giữ gìn tiếng nói của một dân tộc trước nguy cơ mai một dần. “Nếu không đi sẽ không có công trình hay để viết, không có điều lý thú để phát hiện” - nhà khoa học tâm sự.

Hai cuốn từ điển Tày, Nùng - Việt và Việt - Tày, Nùng do PGS Hoàng Văn Ma chủ trì biên soạn. Ảnh: Ngọc Vũ
Hai cuốn từ điển Tày, Nùng - Việt và Việt - Tày, Nùng do PGS Hoàng Văn Ma chủ trì biên soạn. Ảnh: Ngọc Vũ

Sống giữa đất Hà Nội, bao nhiêu năm nay, PGS-TS Hoàng Văn Ma và vợ mình vẫn nói chuyện với nhau bằng tiếng Tày như một nguyên tắc bất di bất dịch. Mấy đứa cháu lớn thỉnh thoảng lại hỏi: “Ông bà nói gì thế?”. Trước sự hồn nhiên của những đứa trẻ, PGS Ma không giấu nỗi tiếc nuối bởi ông đang chứng kiến sự mai một của không chỉ tiếng Tày mà cả nhiều thứ tiếng khác ông từng say mê, dày công nghiên cứu, mai một ngay trên mảnh đất là địa bàn sinh sống của chủ nhân thứ ngôn ngữ đó.

“Bọn trẻ ở quê muốn nói giỏi tiếng Kinh để đi kiếm tiền. Trong làng, bản chỉ còn người già nói chuyện bằng tiếng Tày thôi. Những từ chỉ quan hệ trong gia đình đã bị thay thế. Không ai còn gọi ông là pú, bác là lùng, cậu là khủ nữa. Lúc tôi nghiên cứu về tiếng Pu Péo, họ chỉ còn khoảng 50 gia đình. Không biết sau này tiếng của họ có mất đi không?” - giọng ông chợt trở nên xa xăm.

Cầm cuốn từ điển Tày, Nùng - Việt, PGS-TS Hoàng Văn Ma lật đi lật lại từng trang, lẩm nhẩm vài từ quen thuộc. Nụ cười ấm lên trên gương mặt ông: “Đây là cuốn sách tôi yêu quý nhất bởi nó lưu giữ tiếng mẹ đẻ của tôi. Lũ trẻ giờ nói giỏi tiếng Kinh là tốt, nhưng ở góc độ bảo tồn văn hóa thì ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng đang mai một đi. Có cuốn sách này, tiếng Tày được giữ lại, không bao giờ mất đi. Sau này ai quan tâm thì mở ra sẽ biết”.

Ở tuổi 80, niềm vui của PGS Hoàng Văn Ma là thỉnh thoảng lại có người viết thư xin ông cuốn từ điển tiếng Tày, Nùng - Việt để phục vụ nghiên cứu, viết văn, làm thơ song ngữ; hay khi những người trẻ tuổi tới nhờ ông định hướng việc nghiên cứu tiếng Tày. Dù là bất cứ ai, ông cũng hết lòng giúp đỡ, hoặc tự mình đi mua từ điển để gửi tặng.

Đó là cách ông giữ tiếng Tày ở lại. Nhà khoa học chia sẻ ước nguyện: “Tôi chẳng mong gì, chỉ mong mỗi dân tộc trên đất nước Việt Nam này có một cuốn từ điển cho riêng mình. Đó là sự bảo tồn nguồn cội của các dân tộc, bắt đầu từ tiếng nói. Đại ngàn bao la, ngôn ngữ của mỗi dân tộc vẫn còn dài rộng lắm”.

PGS-TS Hoàng Văn Ma sinh năm 1937 tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, từng làm Trưởng ban Ban Ngôn ngữ dân tộc, Viện Ngôn ngữ học. Ông là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, đặc biệt là các ngôn ngữ thuộc hệ Tai-Kadai. Những công trình PGS-TS Hoàng Văn Ma tham gia biên soạn gồm: Ngữ pháp tiếng Tày, Nùng, Từ điển Tày, Nùng - Việt, Từ điển Việt - Tày, Nùng, Tiếng La Ha, Tiếng Pu Péo...