Founder của startup này cũng hướng tới mục tiêu, hình thành thói quen uống sữa đậu nành của giới trẻ, để 5 năm tới, giới trẻ sẽ uống sữa đậu nành như cách họ lựa chọn trà và café như bây giờ.
Bán trải nghiệm cho khách hàng
Sữa đậu nành là thức uống quen thuộc từ hàng trăm năm nay của người dân Việt Nam.Hình ảnh những gánh hàng rong, hay quán nhỏ ven đường bày bán sữa đậu nành không hề xa lạ với nhiều người.Đó là thức uống bình dị hợp với túi tiền của mọi người. Nhưng ở cửa hàng Soya Garden, mọi thứ lại khác. Vẫn là sữa đậu nành, nhưng thực đơn đa dạng và chuẩn mực hơn.
“Năm 2016, sau khi nghỉ việc tại một công ty của nước ngoài vì mong muốn có nhiều trải nghiệm hơn, tôi đi du lịch ở một vài nước Đông Nam Á. Khi tới Singapore, tôi nhìn thấy những chuỗi cửa hàng về sữa đậu nành như Jerry Bean... rất phát triển. Trong khi đó, ở Việt Nam, sữa đậu nành được sử dụng nhiều nhưng chủ yếu ở các cửa hàng nhỏ lẻ, chưa có một brand (thương hiệu) nào sử dụng sữa đậu nành dưới hình thức như vậy. Vậy nên tôi quyết định về nhà và làm Soya Garden”, Hoàng Anh Tuấn - Founder của Soya Garden kể về những bước chân đầu tiên của mình.
Vốn là người ưa thích thực phẩm hữu cơ nên Hoàng Anh Tuấn bắt tay vào việc tìm kiếm nguồn cung cấp đậu nành hữu cơ được chứng nhận USDA Organic - công nhận bởi Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ từ Singapore. Sau đó, anh tự mày mò, pha chế để lên thực đơn, tìm kiếm phong cách thiết kế cửa hàng, đào tạo nhân viên...
Hoàng Anh Tuấn và chị gái trong chương trình Shark Tank mùa đầu tiên.
Ở thời điểm đầu khi vừa ra mắt, Soya Garden chỉ có hai sản phẩm chính là sữa đậu nành và beancurd (món tráng miệng làm từ đậu nành của Singapore). Đến nay, Soya Garden đã mở rộng thêm sáu dòng sản phẩm khác để mở rộng đối tượng khách hàng, như café, trà sữa Nhật Bản, sinh tố... Điều đặc biệt, với concept “Everything from soya”, tất cả các thức uống cần sử dụng sữa động vật đều được Tuấn khéo léo thay thế bằng sữa đậu nành.
Khách hàng chính của Soya Garden là nữ, từ 22-23 tuổi trở lên, đã đi làm, có thu nhập và quan tâm bắt đầu tới sức khỏe. Với định vị sản phẩm như vậy, hiện nay, startup này hiện không có đối thủ trực tiếp nhưng có nhiều đối thủ gián tiếp, cùng phân khúc thị trường nhưng khác sản phẩm hoặc ngược lại.
“Ở Soya Garden, chúng tôi không bán sản phẩm mà bán trải nghiệm. Tôi muốn mang tới dịch vụ tốt cho khách hàng, như họ bước chân vào cửa hàng có người mở cửa, chào hỏi và tư vấn.Không gian để họ uống cũng phải đẹp, nhiều cây xanh và thân thiện, nơi họ có thể thư giãn. Hay như, để mang lại cho khách hàng những trải nghiệm vị giác tự nhiên và tươi ngon nhất, các sản phẩm đều được sản xuất theo quy trình “just in time”, chỉ sử dụng trong ngày và sản xuất không quá 5 tiếng trước khi sử dụng. 2 năm qua, tôi vẫn trên con đường kiến tạo và hoàn thiện những trải nghiệm đó để mang tới cho khách hàng. Không có gì hoàn hảo cả nhưng ngày mai phải tốt hơn ngày hôm nay” - Hoàng Anh Tuấn lý giải việc những vị khách sẵn sàng trả từ 30.000 đồng - 40.000 đồng cho một sản phẩm từ sữa đậu nành dù lâu nay, khách hàng đã quen rằng, một cốc tào phớ, một cốc sữa đậu chỉ có giá từ 5.000 - 10.000 đồng.
Xây dựng thói quen uống sữa đậu nành
Sau 2 năm triển khai, đến nay, Soya Garden đã có 13 cửa hàng ở Hà Nội. Khoảng tháng 8-9 năm nay, những cửa hàng đầu tiên của Soya Garden sẽ có mặt tại TP Hồ Chí Minh và sau một năm nữa sẽ có khoảng 70 cửa hàng được mở Sài Gòn.
Theo Hoàng Anh Tuấn, để trong vòng 5 năm tới, việc đi Soya sẽ trở nên phổ biến như giới trẻ đi cà phê hay đi trà sữa, Soya Garden cần một độ phủ rộng hơn và chiến lược marketing lớn hơn. Cần có những kế hoạch phát triển sản phẩm định kỳ, cập nhật thực đơn liên tục. Trong đó, 30-40% sản phẩm lõi sẽ được giữ lại, những sản phẩm khác thay đổi theo trend (xu hướng) hoặc theo mùa. Ví dụ sắp tới sẽ có kem đậu nành cho mùa hè, mùa đông thì có sữa đậu nành dùng kèm long nhãn hoặc gừng...
Sản phẩm sữa đậu nành vị trà xanh - một trong những thức uống được ưa chuộng tại Soya Garden. Ảnh: Linh Nguyễn
Xuất hiện trong chương trình Shark Tank mùa đầu tiên, Soya Garden đã thuyết phục được Shark Nguyễn Ngọc Thủy đầu tư 15 tỷ cho 20% cổ phần, với mục tiêu nhanh chóng Nam tiến với 5 cửa hàng đầu tiên tại thị trường 13 triệu dân của TP.HCM. Tính đến thời điểm này, đây cũng là một trong những dự án đã được giải ngân sau khi kết thúc chương trình.Hoàng Anh Tuấn nói rằng, anh có lòng tin vào sản phẩm và cả sự thành công của mục tiêu “giới trẻ uống soya như uống trà và café bây giờ”.
Trong một kế hoạch khác, founder Hoàng Anh Tuấn cho rằng, Soya Garden sẽ không chỉ là hệ thống cửa hàng sữa đậu nành mà còn hướng tới cửa hàng chuỗi bán lẻ, như một nơi cung cấp sản phẩm hữu cơ sạch hoặc các sản phẩm từ đậu nành.
“Đến một giai đoạn phát triển nào đó, khi dung lượng cửa hàng đủ lớn, Soya Garden sẽ tính đến chuyện đầu tư nông trại và nhà máy. Ngoài ra, chúng tôi đang tìm hiểu công nghệ và quy trình làm mask (mặt nạ) từ đậu nành. Và cũng đừng bất ngờ khi một ngày nào đó, bạn thấy sữa đậu nành của Soya Garden trong hệ thống cửa hàng của Circle K, Vinmart…” - Hoàng Anh Tuấn kể về những dự định của mình trong thời gian tới.