Chỉ cần ấn nút nén, thùng rác có thể được giải phóng đến 50% không gian, giải quyết tình trạng thùng chứa rác quá tải tại các khu đô thị lớn, đông dân cư hiện nay.
Sáng chế mang tên “Thùng rác thông minh NERA” do hai sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học Nguyễn Trịnh Thiên Kim và Nguyễn Xuân Quý -ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia TP.HCM nghiên cứu.
Theo Thiên Kim, thành viên nhóm nghiên cứu, hiện nay các khu đô thị lớn đang tồn tại nhiều vấn đề về rác thải, trong đó có sự quá tải sức chứa của các thùng rác nơi công cộng, gây mất mĩ quan đô thị và ô nhiễm môi trường.
Nguyễn Trịnh Thiên Kim và mô hình thùng rác thông minh NERA.
Nguyên nhân một phần do không gian chứa của thùng rác chưa được sử dụng tối đa dù chúng có thể tích khá lớn, bởi có nhiều loại rác tuy khối lượng nhỏ nhưng lại chiếm nhiều không gian như chai lọ, ly, giấy, hộp, bao bì…
“Thông thường khi vứt rác, chúng ta không chú ý đến việc giảm thể tích trước khi bỏ vào thùng, như gấp gọn bao bì, hộp xốp, nén ép chai nước, ly nhựa…, do đó dẫn đến thùng rác mau chóng bị đầy và quá tải” - Thiên Kim nói.
Để tăng cường tối đa hiệu quả sử dụng thể tích chứa thùng rác, sản phẩm “Thùng rác tối ưu hóa không gian – NERA” ra đời.
Sản phẩm do nhóm nghiên cứu tích hợp thêm một dụng cụ có khả năng nén ép rác bằng tay ấn để rác trong thùng bị ép xuống dưới, nhờ đó mà khả năng tận dụng sức chứa của thùng rác tăng lên gấp 2 đến 3 lần.
Mỗi khi thấy thùng rác đầy, mọi người lấy tay ấn xuống nút của bộ phận nằm trên nắp thùng rác. Lực ép truyền xuống đĩa ép rác trong thùng, nén rác chặt xuống. Một lò xo có nhiệm vụ nhả đĩa và nút ép về vị trí ban đầu khi buông tay.
Dưới tác động của lực ép, rác bên trong thùng được nén chặt hơn, thu nhỏ thể tích chiếm dụng, từ đó có thêm không gian để chứa rác. Người dùng có thể ấn đi ấn lại vài lần nếu hiệu quả ép rác chưa đạt yêu cầu.
Để việc nén rác trở thành thói quen cho mỗi người dân, dự kiến nhóm sẽ thiết kế các phiếu hướng dẫn nén rác cùng những thông tin, hình ảnh về lợi ích của việc nén rác. Dần dần, thói quen nén rác sẽ tạo ra hiệu quả bằng sự tuân thủ nghiêm túc của người dân.
Với những ưu điểm hiện có, nhóm đang đề xuất thực hiện thí điểm tại khu vực làng ĐHQG TP.HCM, các khu dân cư lớn tại TP.HCM, là nơi tồn tại nhiều loại rác. Tại đây, với lượng cư dân đông, lượng rác tập trung nhiều, dễ dàng thực hiện các khảo sát để đánh giá được hiệu quả của sản phẩm.
Sáng chế này đã đoạt giải nhì Đợt 2, Cuộc thi Sáng kiến Cộng đồng 2016, do Tạp chí Khám phá và Phòng Quản lý Công nghệ Cơ sở, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.