Phát hiện mới của tàu thăm dò vũ trụ Curiosity cho thấy, trước đây, bề mặt của sao Hỏa không có đủ CO2 để làm ấm hành tinh và tạo ra các hồ nước. Điều này khiến tham vọng tìm ra nguyên nhân giúp hành tinh Đỏ ấm áp trong cổ đại rơi vào ngõ cụt.

Curiosity không tìm thấy bất cứ một khoáng vật có chứa carbon nào ở bãi đá của nơi được cho là dòng sông cổ đại trên sao Hỏa. Điều này cho thấy, không khí ở sao Hỏa vào thời điểm có hồ (khoảng 3,5 tỷ năm trước đây) không có đủ lượng CO2 cần thiết để hiệu ứng nhà kính xảy ra, làm tan chảy nước đóng băng.

Curiosity cũng chưa tìm thấy bất cứ bằng chứng đáng tin cậy nào về carbonate trong các mẫu đá ở hồ kể từ khi nó hạ cánh xuống miệng núi lửa Gale năm 2011.

“Chúng tôi thực sự bị sốc vì không tìm thấy khoáng vật chứa carbonate trong các mẫu đá trầm tích mà Curiosity kiểm tra. Kể cả khi lượng khí CO2 trong không khí cao hơn gấp trăm lần so với lượng CO2 thực tế có trong mẫu đá trầm tích thì cũng không đủ tạo ra nước lỏng” – ông Thomas Bristow thuộc Trung tâm nghiên cứu Ames, NASA cho hay.

Bề mặt sao Hỏa.
Bề mặt sao Hỏa.

Tuy nhiên, nhiều bằng chứng khác (như tỉ lệ đồng vị trong không khí ở thời điểm hiện tại) lại chỉ ra rằng sao Hỏa cổ đại từng có lúc ẩm ướt, với các mạch nước và ao hồ trên bề mặt và khí quyển dày đặc hơn so với hiện nay.

Nhưng, thực tế là Mặt trời cổ xưa chỉ nóng bằng 1/3 so với hiện tại và các mô hình thời tiết khó có thể phù hợp với kịch bản là bề mặt sao Hỏa đủ ấm để làm tan nước đóng băng.

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành tìm kiếm carbonate trên mặt đất, cụ thể hơn là trong những mẫu đã được tạo thành từ trầm tích dưới nước” – Bristow cho hay.

Từ phân tích này, có thể đưa ra kết luận rằng chỉ có khoảng vài phần chục milibars (tức là một trong 1/1000 áp suất mực nước biển ở Trái đất ) carbon dioxide tồn tại vào thời điểm có hồ nước.

Phát hiện mới đang khiến các nhà khoa học đau đầu. Nhiều người cho rằng có thể hồ nước trên sao Hỏa không phải là hồ nước lỏng lộ thiên, mà là hồ nước lỏng bị phủ bởi lớp băng.