Trong nhiều năm, các nhà thiên văn nghiệp dư đã chờ đợi một sao chổi có thể nhìn thấy bằng mắt thường trên bầu trời, và một thiên thể như vậy sắp xuất hiện.

Sao chổi C/2019 Y4. Ảnh: Gerald Rhemann.
Sao chổi C/2019 Y4. Ảnh: Gerald Rhemann.

Sao chổi Atlas, hay còn gọi là C/2019 Y4, đang trở nên sáng hơn khi bay với tốc độ cực nhanh tới gần Trái đất. Các đài thiên văn ở Hawaii phát hiện Atlas lần đầu tiên vào ngày 18/12/2019. Ngôi sao chổi được đặt theo tên của Hệ thống Cảnh báo Va chạm Tiểu hành tinh (ATLAS). Ngày 17/3, độ sáng của sao chổi này tăng gấp 4.000 lần so với thời điểm mới được phát hiện.

Sao chổi Atlas được tạo thành từ bụi, nước đóng băng, amoniac, methane và carbon dioxide.

Theo nhà nghiên cứu Karl Battams tại Phòng Thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân ở Washington DC (Mỹ), Atlas đang giải phóng một lượng lớn khí bụi và có thể trở thành sao chổi sáng nhất trong vòng nhiều năm khi nó đến gần Mặt trời vào cuối tháng 5 sắp tới.

Nếu có thể chịu được sức nóng của Mặt trời và không bị vỡ ra, sao chổi này sẽ lọt vào bên trong quỹ đạo của sao Thủy và sáng tương đương Mặt trăng lưỡi liềm.