Sáng kiến I4OA cho phép dễ dàng xem và tìm kiếm các bản tóm nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực dưới một định dạng chung.

Hầu hết các tóm tắt nghiên cứu hiện nay đều có sẵn trên các trang web của các tạp chí hoặc trên cơ sở dữ liệu học thuật như PubMed, và các tóm tắt thường là miễn phí, ai cũng có thể xem được, kể cả khi bản thân bài báo phải trả phí để đọc. Tuy nhiên, sự phân bố rải rác này hạn chế khả năng tiếp cận và tầm nhìn về nghiên cứu toàn cầu, Ludo Waltman, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu KH&CN tại Đại học Leiden ở Hà Lan, đồng thời là điều phối viên của Sáng kiến cho Các bản tóm tắt Mở (The Initiative for Open Abstracts hay I4OA), nói. Sáng kiến I4OA nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận các bản tóm tắt của các bài nghiên thông qua một kho lưu trữ đa ngành. Tiến trình xây dựng cơ sở dữ liệu có thể xem tại https://i4oa.org/.

Sáng kiến nhằm tạo ra kho lưu trữ truy cập mở tất cả các bản tóm tắt nghiên cứu dưới một định dạng chung, để người dùng dễ dàng xem và tìm kiếm.

Các nhà xuất bản tham gia I4OA đã đồng ý gửi các bản tóm tắt bài báo mà họ có tới Crossref - cơ quan đăng ký mã định danh đối tượng kỹ thuật số (DOI) các bài báo học thuật. Crossref sẽ công bố tất cả các tóm tắt dưới một định dạng chung. Cho đến nay, 52 nhà xuất bản đã đăng ký tham gia sáng kiến I4OA, bao gồm Hiệp hội vì sự tiến bộ của Khoa học Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ.

Thông qua Crossref - nền tảng hiện được hầu hết các ấn phẩm học thuật sử dụng, người đọc có thể dễ dàng xem và tìm kiếm các bản tóm tắt nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực chỉ bằng thiết bị điện tử thông thường, Waltman nói.

Cách thức truy cập như vậy đặc biệt có lợi cho các nhà nghiên cứu ở các nước đang phát triển và không có tiền để trả phí đăng ký tạp chí, Justine Nzweundji, nhà sinh vật học thực vật tại Viện Nghiên cứu y khoa và Nghiên cứu về cây thuốc ở Yaoundé, Cameroon, và là thành viên Global Young Academy - nhận xét.

Sự do dự của một số nhà xuất bản lớn

Sáng kiến I4OA mô phỏng sáng kiến I4OC (Initiative for Open Citations) ra đời cách đây 3 năm, nhằm cung cấp thông tin tham khảo và chỉ mục.

Kể từ khi I4OC ra mắt, 2.000 nhà xuất bản đã đăng ký tham gia và tính đến tháng 7/2020, có đến 60% trong số 51,1 triệu bài báo gửi đến Crossref có thông tin tham khảo và chỉ mục mở. Tuy nhiên số nhà xuất bản đã đăng ký I4OA cho đến nay chỉ chiếm một phần nhỏ - khoảng 11% - trong tổng số các bài báo được gửi đến Crossref trong năm 2018-20. Waltman hy vọng sẽ có nhiều nhà xuất bản đăng ký hơn trong những tuần tới. Một số nhà xuất bản lớn, bao gồm Springer Nature và Elsevier, còn do dự.

Người phát ngôn của Springer Nature cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ hiểu thêm về sáng kiến này khi nó tiến triển”.

Một số nhà khoa học cũng không bị thuyết phục bởi I4OA. "Sáng kiến này giống như gửi một danh mục mặt hàng cho những người không có khả năng mua bất kỳ mặt hàng nào," Martin Dominik, nhà thiên văn học tại Đại học St Andrews, Vương quốc Anh, bình luận.

"Tập trung quá nhiều vào các bản tóm tắt mở cũng có thể đánh lạc hướng chúng ta khỏi các vấn đề lớn hơn, chẳng hạn như nhu cầu xuất bản mở rộng rãi hơn," theo Natasha Gownaris, nhà nghiên cứu sinh thái học tại Đại học Washington ở Seattle, người chủ trì nhóm khoa học mở tại Global Young Academy. "Đây là bước tối thiểu đầu tiên, nhưng nó sẽ không có nhiều giá trị trong việc làm cho khoa học toàn cầu trở nên công bằng hơn."

Nguồn: