Những thành công bước đầu đã giúp họ được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những startup tỷ đô tiếp theo.
Khi đại dịch COVID-19 đang hoành hành trên khắp thế giới, một trong những cách đơn giản nhất để tiêu diệt virus là sử dụng tia cực tím - song cách này không khả thi đối với những cơ sở như trường học và viện dưỡng lão, vì các thiết bị khử trùng tại bệnh viện có giá trên 100.000 USD. Vì vậy, Grant Morgan, Ben Boyer và Eli Harris, người từng làm việc tại Công ty Máy bay không người lái DJI và đồng sáng lập Công ty Khởi nghiệp pin EcoFlow - bắt đầu lao vào chế tạo đèn cực tím khử trùng chi phí thấp hơn.
Grant Morgan, Ben Boyer và Eli Harris cùng các thiết bị khử trùng
dựa trên tia cực tím của họ.
Chỉ trong vòng vài tháng, đã có những vị khách đầu tiên đặt hàng sản phẩm của R-Zero. Ban đầu, startup cho khách hàng thuê một thiết bị có thể di chuyển với giá 17 USD/tháng để khử trùng một căn phòng trong vài phút. Hiện tại, startup có trụ sở tại Thành phố Salt Lake chuyển sang bán phần cứng dựa trên tia cực tím để khử trùng, phần mềm và cảm biến đánh giá số lượng người có trong một căn phòng, một bảng điều khiển hiển thị các phân tích về thiết bị.
Năm ngoái, doanh thu của startup chạm mốc 13 triệu USD; con số này dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong năm nay. Với 170 triệu USD vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư như DBL Partners từ Thung lũng Silicon và Mayo Clinic, R-Zero hiện được định giá 505 triệu USD. Tốc độ tăng trưởng đó là lý do để tờ Forbes đưa R-Zero vào danh sách 25 công ty khởi nghiệp có tiềm năng đạt mức định giá 1 tỷ USD.
Dù đại dịch không còn là “cơn ác mộng” như trước, nhưng Morgan vẫn nhìn thấy cơ hội để phát triển startup. Công nghệ khử trùng bằng tia cực tím làm bất hoạt coronavirus cũng có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền các bệnh khác, bao gồm cả cúm và norovirus - thậm chí cả bệnh đậu mùa ở khỉ. Các thiết bị tia cực tím, dựa trên bước sóng ngắn của ánh sáng được gọi là UVC, hoạt động mà không sinh ra hóa chất độc hại hoặc sử dụng nguồn năng lượng lớn. Đáng chú ý, vì chúng chỉ khử trùng môi trường trong nhà chứ không khử trùng cơ thể người nên chúng không được coi là thiết bị y tế - có nghĩa là công ty không cần tốn thời gian làm việc với cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Thiết bị khử trùng do R-Zero phát triển.
“Tôi nghĩ chúng ta có thể thoát khỏi COVID-19 và xây dựng một cuộc sống bình thường mới, an toàn hơn, lành mạnh hơn”, Morgan cho biết. “Có thể đưa thiết bị tia cực tím vào mọi không gian, nó sẽ trở nên phổ biến không khác gì bóng đèn bình thường”.
Morgan, 33 tuổi, lớn lên ở Folsom, California. Anh từng là sinh viên ngành kỹ sư cơ khí tại Đại học California Polytechnic State. Sau một thời gian làm việc tại Abbott và tại một nhà sản xuất thiết bị y tế nhỏ, anh ấy đã gia nhập iCracked vào năm 2015 khi bạn của anh ấy là AJ Forsythe, nhà sáng lập, gọi điện đến. Anh tỏ ra thích thú với việc đầu quân cho các công ty khởi nghiệp hơn là những tập đoàn lớn. Khi Allstate mua lại iCracked vào tháng 2/2019, anh ấy chỉ ở lại thêm sáu tháng trước khi chuyển sang một công ty khởi nghiệp khác.
Nhà sáng lập thứ hai của R-Zero là nhà đầu tư mạo hiểm Boyer, 46 tuổi, người đã gieo những hạt giống ý tưởng đầu tiên về việc sử dụng tia cực tím để chống lại COVID-19. Boyer phụ trách kết nối với các bên và lên chiến lược.
Nhà đồng sáng lập thứ ba là Harris, anh có kinh nghiệm làm phần cứng và bán hàng. Harris 29 tuổi, từng nằm trong danh sách Forber Under 30, anh được giáo dục theo một cách khác lạ. Cha mẹ anh đã sống nhiều năm ở nước ngoài - mẹ anh sống trong đạo tràng ở Ấn Độ, bố anh ở Kenya - và anh học tiếng Quan Thoại ở trường Đại học tại Amherst.
Trong một thập kỷ, anh sống ở Trung Quốc, làm việc tại Công ty Máy bay không người lái DJI ở Thâm Quyến và sau đó đồng sáng lập Công ty Khởi nghiệp về pin EcoFlow vào năm 2016. Anh và Morgan quen biết nhau trong một dịp hợp tác giữa iCracked và DJI, cụ thể các kỹ thuật viên của iCracked sửa chữa những chiếc máy bay không người lái DJI.
Để đảm bảo sản phẩm chính xác về mặt khoa học, họ đã kết nối với Richard Wade, một chuyên gia về chất độc, người về sau đã phụ trách phòng nghiên cứu của công ty. Wade hiện 76 tuổi, ông có bằng tiến sĩ về khoa học sức khỏe môi trường tại Đại học Michigan, đã làm việc trong lĩnh vực y tế công cộng suốt nhiều thập kỷ, ông từng là Phó chủ tịch phụ trách sức khỏe môi trường tại các hãng du thuyền Princess và Norwegian. Đáng chú ý, ông đã viết quy trình khử trùng cho tàu Diamond Princess sau khi dịch Covid-19 bùng phát. “Tia cực tím đã chứng minh được tính hiệu quả của nó”, ông cho hay.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh
Sau một thời gian ngắn cân nhắc có nên tiếp tục dịch vụ khử trùng theo yêu cầu hay không, họ nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh sang lắp đặt - và bán - chính các thiết bị tia cực tím với mức giá phù hợp cho các nhà hàng, khách sạn và trường học. “Tôi gọi lại cho Boyer và nói, ‘Anh sẽ nghĩ em điên rồi, nhưng chúng ta sẽ chế tạo đèn.’ Anh ấy nói, ‘Ý tưởng điên rồ, nhưng anh đồng ý’,” Morgan kể lại.
Mọi thứ không dễ dàng. Khủng hoảng chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc rất khó để có được bóng đèn tia cực tím. Morgan biết rằng các nhà sản xuất thường sản xuất dư ra một ít cho mỗi đơn đặt hàng lớn mà họ nhận được, anh quyết định đến LightSources, một trong những nhà sản xuất bóng đèn tia cực tím lớn nhất và yêu cầu mua bất cứ thứ gì họ có sẵn. “Chúng tôi thu được những bóng đèn quá hạn, chỉ có năm bóng”, Morgan chia sẻ. Sau đó, họ tìm kiếm thêm trên Internet và rốt cục cũng có đủ bóng đèn để hiện thực hóa thiết kế.
Đến tháng bảy, họ đã chế tạo một nguyên mẫu bóng đèn tên là Hope cao 6,5 feet (198,12cm), được giữ cố định bằng băng keo và dây thừng. Họ kéo nó đến Atelier Crenn, một nhà hàng Pháp đạt sao Michelin ở San Francisco, đây là nơi đầu tiên thử nghiệm sản phẩm. Sau đó, họ chất nó lên một chiếc xe tải nhỏ, lái vòng quanh California - đến một trang trại lớn, đến trường học, đến bất kỳ nơi đâu có tiềm năng - để tiếp thị. Nhờ mức giá tương đối thấp và sự lo lắng của nhiều chủ doanh nghiệp về việc mở lại hoạt động kinh doanh sau đại dịch, họ bắt đầu có được một lượng khách hàng lớn.
“Việc khử trùng bằng hóa chất không mấy hiệu quả”, Ira Ehrenpreis, nhà quản lý tại DBL Partners, một nhà đầu tư ban đầu của Tesla, người đã dẫn dắt vòng tài trợ 15 triệu USD của R-Zero vào tháng 8/2020, cho biết. “Không những không hiệu quả, nó còn không bền vững, nguy hiểm và cần nhiều nhân công”.
Với khoản đầu tư mới, R-Zero đã đặt một đơn đặt hàng lớn để mua bóng đèn cực tím và tập trung vào việc cải tiến thiết kế. Họ muốn một sản phẩm không chỉ khử trùng an toàn mà còn trông không lạc quẻ trong nhà hàng hoặc trường học. Họ đã thuê Bould Design, một doanh nghiệp có trụ sở tại San Mateo, California đã thiết kế bộ điều nhiệt, công cụ phát trực tuyến để hình thức sản phẩm trở nên phù hợp hơn. William Dougherty, Giám đốc An ninh thông tin của Công ty Chăm sóc sức khỏe kỹ thuật số Omada Health, đối tác và cũng là khách hàng của R-Zero, cho rằng “vẻ ngoài của nó trông phải an toàn”.
Hiện tại, ngoài Omada Health, khách hàng của R-Zero gồm các khu học chánh lớn, như các khu học chánh ở Quận Clark, Nevada, Fort Bend, Texas và Nam San Francisco; các đội thể thao như San Francisco 49ers và Detroit Red Wings; các cơ sở chăm sóc người cao tuổi bao gồm Dịch vụ Y tế Trilogy, cơ sở điều hành 132 địa điểm trên khắp vùng Trung Tây; và các công ty như Công ty Khởi nghiệp xe điện Rivian và nhà sản xuất sản phẩm gia dụng Simple Green.
R-Zero đã chuyển từ mô hình định giá cho thuê thiết bị với chi phí cực thấp sang mô hình bán thiết bị bền vững hơn và tính phí đăng ký từ 50 USD đến 250 USD một tháng để chi trả những thứ như phần mềm và bóng đèn thay thế. Công ty hiện cung cấp ba thiết bị. Thiết bị Arc có thể di chuyển là sản phẩm đắt nhất, với giá 28.000 USD, và chỉ được sử dụng để khử trùng một căn phòng trống do bước sóng ánh sáng UVC (254 nanomet) có hại đối với con người. Hai thiết bị mới của R-Zero rẻ hơn và được thiết kế để hoạt động liên tục. Cả hai đều được tung ra thị trường vào tháng 11/2021.
Cụ thể, Beam (5.000 USD) là một thiết bị khử trùng phòng từ bên trên trên, dựa trên đèn LED, sử dụng ánh sáng cực tím 265 nanomet để tạo vùng khử trùng nằm phía trên những người trong phòng. Trong khi đó, Vive (3.000 USD) sử dụng bước sóng UVC xa 222 nanomet để vô hiệu hóa các vi sinh vật có hại trong không khí và trên các bề mặt, ngay cả khi có người. Beam hoạt động trong không gian rộng mở, chẳng hạn như lớp học và hành lang văn phòng, còn Vive có thể được lắp đặt ở những không gian nhỏ hơn, chẳng hạn như phòng hội nghị và phòng tắm.
“Chúng tôi nhận ra rằng không có một sản phẩm nào có thể khử trùng trong mọi không gian, trường hợp”, Boyer nhận định. Arc cạnh tranh với những phương pháp khử trùng hóa học. Còn Beam và Vive thì là bản nâng cấp HVAC (Hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hoà không khí)”.
Vào tháng 7/2021, R-Zero đã mua một doanh nghiệp nhỏ có tên là CoWorkR, chuyên sử dụng các cảm biến để phân tích xem có bao nhiêu người trong phòng. Thông tin đó cho phép công ty xác định rủi ro của căn phòng - phòng chật chội sẽ kém an toàn hơn - và tự động bật hoặc tắt các thiết bị khử trùng. Dữ liệu này cũng giúp R-Zero có thể đưa ra lời khuyên cho khách hàng của mình về việc liệu các phòng họp có quá tải số lượng người hay không và nên sắp xếp các cuộc họp như thế nào để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Morgan cho biết, trước khi xảy ra đại dịch, mọi người coi việc lây lan các bệnh như cúm và cảm lạnh trong văn phòng và trường học là chuyện bình thường. Tuy nhiên, công nghệ có thể làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 và đồng thời giúp hạn chế sự lây nhiễm của những căn bệnh này.
“Mọi người sẽ không bị ốm nhiều như trước nữa”, Grant chia sẻ về tầm nhìn dài hạn của công ty. “Dù là những doanh nghiệp tư bản, nhưng tôi muốn về sau bia mộ của mình khắc dòng chữ: ‘Grant đã giúp tiêu diệt bệnh cúm’.”
Với khoản đầu tư mới, R-Zero đã đặt một đơn đặt hàng lớn để mua bóng đèn cực tím và tập trung vào việc cải tiến thiết kế. Họ muốn một sản phẩm không chỉ khử trùng an toàn mà còn trông không lạc quẻ trong nhà hàng hoặc trường học. Họ đã thuê thiết kế bộ điều nhiệt, công cụ phát trực tuyến để hình thức sản phẩm trở nên phù hợp hơn. |
Theo Forbes