Gần như lần đầu tiên trong lịch sử tồn tại, các trung tâm nghiên cứu và các phòng thí nghiệm lớn ở châu Âu đang đứng trước nguy cơ của một cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng lớn đến tính bền vững của các cơ sở hạ tầng nghiên cứu.
Rủi ro về chi phí năng lượng
Cuối tháng chín vừa qua, Hội đồng quản lý của Trung tâm hạt nhân châu Âu (CERN) đã phải nhóm họp về cuộc khủng hoảng năng lượng đang hiển hiện. Công ty điện lực Pháp Électricité de France (EDF) yêu cầu phòng thí nghiệm giảm lượng điện tiêu thụ.
Để duy trì hoạt động của mình, gần như lần đầu tiên, CERN thống nhất giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng trong hai năm 2022 và 2023. Trong đó, họ quyết định ngừng hoạt động kỹ thuật của các phòng thí nghiệm sớm thêm hai tuần, nghĩa là bắt đầu từ ngày 28/11/2022, và giảm hoạt động xuống 20% vào năm 2023.
Là cơ sở nghiên cứu sử dụng nhiều năng lượng bậc nhất châu Âu,CERN hằng năm tiêu thụ khoảng 1.300GW, đủ để cho 300.000 ngôi nhà ở Anh sử dụng một năm.
Là cơ sở nghiên cứu sử dụng nhiều năng lượng bậc nhất châu Âu, CERN hằng năm tiêu thụ khoảng 1.300GW, đủ đáp ứng nhu cầu của 300.000 ngôi nhà ở Anh trong một năm. Theo Nature, CERN đã lập kế hoạch mới với EDF để giảm lượng điện năng tiêu thụ, đáp ứng trường hợp hạn chế hơn nữa việc sử dụng năng lượng trong những tháng tới. Một số biện pháp khác cũng đang được thực hiện để nỗ lực giảm mức sử dụng năng lượng tổng thể trong khuôn viên CERN, bao gồm tắt đèn đường vào ban đêm và trì hoãn xây dựng hệ thống sưởi trong một tuần.
Không riêng CERN, rất nhiều trường đại học và phòng thí nghiệm khắp châu Âu đang hết sức lo ngại về việc tăng giá năng lượng. Các cơ sở nghiên cứu tiêu tốn nhiều năng lượng như máy gia tốc hạt, các trung tâm siêu dẫn… đang cảm nhận thấy nỗi đe dọa của chi phí tiền điện. “Chúng tôi biết đây là một vấn đề lớn, và là vấn đề lớn với mỗi quốc gia”, Jana Kolar, chủ tịch Diễn đàn Chiến lược châu Âu về Các cơ sở hạ tầng nghiên cứu (ESFRI), nói với Science|Business tại Hội thảo quốc tế về Các cơ sở hạ tầng nghiên cứu diễn ra ở Brno đúng một tháng sau quyết định của CERN. “Dẫu chưa biết đích xác số lượng nhưng chúng tôi biết rõ là một số cơ sở hạ tầng nghiên cứu sẽ phải mất thêm chi phí tới hàng triệu euro chỉ trong năm nay khiến một vài cơ sở nghiên cứu có thể phải đóng cửa sớm ngay trong tháng 11”, Kolar chia sẻ.
Các ý tưởng về việc giảm bớt căng thẳng tài chính cho các trung tâm nghiên cứu đang được đề xuất, ví dụ như tìm thêm nguồn tài trợ từ chính phủ hoặc giảm bớt mức giá năng lượng… Leonid Rivkin, Chủ tịch Liên đoàn Các máy gia tốc châu Âu, tin tưởng cần phải có các mức giá đặc biệt dành cho cơ sở hạ tầng nghiên cứu. “Chúng tôi sẽ vận động hành lang, chúng tôi sẽ làm cho các nơi lắng nghe ý kiến của mình,” Rivkin nói với Science | Business.
Khủng hoảng năng lượng sẽ dẫn khoa học tới đâu?
Cuộc khủng hoảng năng lượng diễn ra trong bối cảnh các nhà quản lý khoa học đang tập trung vào việc đảm bảo tính bền vững của cơ sở hạ tầng nghiên cứu trong tương lai, nhằm đáp ứng quá trình chuyển đổi xanh trong những thập kỷ tới. Cuộc khủng hoảng hiện tại càng thêm bấp bênh do đại dịch COVID-19 châm ngòi. Nhiều dự án vẫn bị trì hoãn, và việc chậm trễ có thể khiến khoa học phải trả giá đắt. Việc đóng cửa các cơ sở hạ tầng đồng nghĩa với khả năng hủy bỏ các dự án. Nhiều người lo ngại, các nhà khoa học trẻ sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, bởi dự án của họ là những dự án bị hoãn lại sớm nhất. Khi đó, họ có thể mất quyền truy cập vào các cơ sở dữ liệu, các nguồn lực cần thiết để hoàn thành công việc nghiên cứu.
Do đó, các tổ chức khoa học ở khắp mọi nơi đang tự hỏi cách nào có thể giúp mình tiết kiệm được năng lượng mà không phải giảm thiểu công việc nghiên cứu và đào tạo của mình.
Dường như Ủy ban châu Âu là tổ chức duy nhất ở châu Âu nhìn nhận một cách nghiêm túc vào cuộc khủng hoảng năng lượng ảnh hưởng một cách cụ thể lên nghiên cứu. “Chúng tôi chưa thấy bất cứ một chiến lược ở tầm quốc gia nào hướng đến giải quyết vấn đề năng lượng cho khoa học”, Joanna Drake, Phó giám đốc Bộ phận phụ trách khoa học của Ủy ban châu Âu, nhận xét và cho biết là có thể trong vài tuần tới, đánh giá chính thức về tình hình cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được đưa ra nhằm có hướng giải quyết cụ thể.
Tuy nhiên có vấn đề là việc tài trợ cho nghiên cứu ở châu Âu thuộc về thẩm quyền quốc gia nên Ủy ban châu Âu không thể trực tiếp tác động. Và chỉ sau khi đánh giá và tham vấn các quốc gia thành viên, họ mới xem xét là “có thể cùng tham gia vào các nỗ lực hỗ trợ nào và mức độ nào” đối với khoa học.
Về dài hạn, Ủy ban châu Âu sẽ xem xét giải pháp từ năng lượng sạch, đa dạng hóa nguồn cung khí đốt cho châu Âu và giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch. “Chúng tôi nghĩ là nghiên cứu và đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò trung tâm ở đây”, Drake nói và cho biết, về ngắn hạn thì các cơ sở hạ tầng nghiên cứu phải biết cách đối phó tốt nhất có thể “để các thiết bị của mình được tồn tại”.
Lo ngại vẫn còn bao trùm giới khoa học. Giám đốc Trung tâm Synchrotron ALBA gần Barcelona Caterina Biscari nhấn mạnh. “Khủng hoảng chưa có dấu hiệu dập tắt, Câu hỏi lớn là cái gì sẽ diễn ra vào năm tới với một thị trường hoàn toàn thiếu bền vững”, bà nêu vấn đề. ALBA đang lên kế hoạch để giảm thiểu thiệt hại nhưng “một máy synchrotron không thể dễ dàng chuyển đổi việc vận hành theo cách hiệu quả hơn: các thí nghiệm phải thực hiện trong nhiều tuần và nhiều tháng”.
Dâu các tổ chức nghiên cứu cần trao đổi với chính phủ quốc gia về giải pháp nhưng Biscari thấy vai trò quan trọng của Hội đồng châu Âu. Bà muốn gửi một thông điệp rõ ràng tới mọi quốc gia thành viên EU: các cơ sở hạ tầng nghiên cứu là các dịch vụ thiết yếu của xã hội.
Sergi Girona, người điều hành Trung tâm Siêu máy tính Barcelona, nhấn mạnh vào sự cần thiết của các kế hoạch dài hạn. “Chúng ta cần một ngân sách được đảm bảo. Chúng ta muốn giữ được tính cạnh tranh của khoa học châu Âu tên toàn cầu. Nhưng nếu chúng ta không thể giữ được sự vận hành của các cơ sở hạ tầng nghiên cứu thì chúng ta có thể bị lùi lại cả 15 năm nữa”.
Mặc dù không mang lại sự cứu trợ tức thời cho các tổ chức nghiên cứu trong cơn nguy kịch nhưng khái niệm về cơ hội mới vẫn phù hợp với nghiên cứu. “Chúng ta phải nắm bắt mọi cơ hội,” Girona nói còn theo Biscari, bất kỳ cuộc khủng hoảng nào cũng giúp ích cho tìm kiếm giải pháp và phát triển các công cụ mới.
Nguồn: nature.com; sciencebusiness.net