Trong một cuộc mít tinh kỷ niệm 90 năm ngày hy sinh oanh liệt của bà Rosa Luxemburg và ông Karl Liebknecht, hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của phong trào công nhân Đức, ông Grego Gysy - nguyên chủ tịch và hiện là Trưởng đoàn nghị sĩ Quốc hội liên bang của Đảng PDS (PDS, tiền thân là Đảng XHCN thống nhất Đức tại Cộng hòa Dân chủ Đức) nhấn mạnh, “Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht là hai nhân vật cả nuớc Đức có quyền tự hào, kể cả những người không cùng chính kiến và quan điểm chính trị với họ. Hai nhân vật đảng viên cộng sản Đức này đã cống hiến phần lớn cuộc đời và cả tính mạng của mình cho cuộc đấu tranh vì dân chủ xã hội. Họ sống mãi với phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trên toàn thế giới”.
Ông Lafontaine, cựu Chủ tịch Đảng Xã hội dân chủ Đức (SPD, đảng lớn nhất nước Đức trước kia và là đảng cầm quyền CHLB Đức dưới thời Thủ tướng Gerhard Schroder) ca ngợi “Rosa Luxemburg và Karl Liebknecht là hai tấm gương vĩ đại trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân. Họ đã hy sinh thân mình vì hòa bình, tự do và công bằng xã hội.”
Những tố chất chính trị ấy đã được bộc lộ ngay từ khi Rosa Luxemburg còn rất nhỏ. Sinh ra là con út một gia đình nhà buôn gỗ người Do Thái ở Ba Lan, bà lớn lên trong không khí cả nhà đều yêu thích sinh hoạt văn hóa, sùng bái nhà thơ và nhà viết kịch nổi tiếng người Đức Friedrick Schiller. Ngay từ nhỏ Luxemburg đã tỏ ra đặc biệt thông minh và rất thích nhà thơ Ba Lan Adam Mickiewicz. Trong dịp Hoàng đế Đức Wilhem I đến thăm Warsaw, cô bé 12 tuổi ấy từng làm một bài thơ châm biếm có màu sắc chính trị.
Tốt nghiệp trung học, Rosa Luxemburg lập tức tham gia hoạt động bí mật trong đảng của giai cấp vô sản Ba Lan và khi chưa đầy 18 tuổi đã trốn sang Thụy Sĩ sống lưu vong, bắt đầu hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng giai cấp công nhân. Bà thi vào Đại học Zurich, học các môn triết học, chính trị kinh tế học, luật học và khoa học tự nhiên. Tuy đặc biệt thích các môn thực vật và động vật học, nhưng về sau bà lại chuyển sang khoa học xã hội. Nhờ say sưa đọc tác phẩm của Các Mác (Karl Marx), Adam Smith và David Ricardo, bà tinh thông lĩnh vực kinh tế tới mức được các giáo sư vì nể và khen là “sinh viên có tư chất tốt nhất”. Cũng thời gian đó bà làm quen với một số nhà cách mạng Nga lưu vong ở Ba Lan như George Plekhanov, Pavel Axeliod... Từ năm 23 tuổi bà bắt đầu viết bài đăng trên các tờ báo cách mạng.
Tháng 7/1893, khi đang còn đi học, Rosa Luxemburg cùng bạn học và đồng chí thân thiết là Leo Jogiches sáng lập tạp chí “Sự nghiệp công nhân”. Năm sau họ lại đồng sáng lập Đảng Xã hội dân chủ (XHDC) Ba Lan. Giữa hai người hình thành một mối liên hệ lâu dài và thân tình. Họ chủ trương phê phán xu hướng chủ nghĩa dân tộc trong đảng, nhấn mạnh sự cần thiết đấu tranh chống chủ nghĩa tư bản chứ không nên chỉ đấu tranh giành độc lập cho nước Ba Lan đang bị Nga cai trị. Tuy sau này sống phần lớn thời gian tại Đức nhưng Rosa Luxemburg vẫn được coi là nhà lý luận cách mạng chủ yếu của Đảng XHDC Ba Lan. “Từ điển chủ nghĩa Mác” nhận định: Leo Jogiches là nhà tổ chức chính của đảng còn Rosa Luxemburg là người tài giỏi nhất kiêm nhà diễn thuyết đại tài của đảng. Năm 1897 Rosa Luxemburg nhận bằng tiến sĩ với luận văn “Sự phát triển công nghiệp Ba Lan”.
Rosa Luxemburg từng tham dự Đại hội đại biểu Quốc tế II tại Zurich và London, viết bài cho tạp chí “Thời đại mới” của Đảng XHDC Đức.
Sau đấy, vì muốn có một vũ đài chính trị rộng lớn hơn nhằm phát huy tài trí của mình, bà quyết định rời Ba Lan sang Đức. Để được vào quốc tịch nước này, bà dũng cảm làm cuộc hôn nhân giả với một người Đức và năm 1898 định cư tại Berlin, bắt đầu hoạt động trong Đảng XHDC Đức, về sau bà trở thành lãnh đạo phái tả đảng này. Thời gian 1907-1914 bà dạy chính trị kinh tế học tại trường Đảng XHDC Đức. Trên cơ sở các bài giảng, bà viết hai tác phẩm “Nhập môn kinh tế học quốc dân” và “Bàn về tích lũy tư bản”. Bà hăng hái hoạt động, có mặt tại hàng trăm cuộc họp và mít tinh, say sưa phát biểu, diễn thuyết. Các buổi diễn thuyết của bà thu hút đông đảo quần chúng, tên tuổi Rosa Luxemburg trở nên nổi tiếng khắp châu Âu.
Năm 1905, bão táp cách mạng từ nước Nga tràn đến Ba Lan, Luxemburg và Jogiches từ Đức trở về Ba Lan dưới vỏ bọc nhà báo Đức để tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng nước này. Về sau họ bị chính quyền phản động phát hiện và bắt giam. Đảng XHDC Ba Lan và Đức ra sức cứu họ, cuối cùng Luxemburg được ra tù, còn Jogiches bị kết án 8 năm khổ sai nhưng trên đường giải đi đày ở Siberia, ông trốn thoát về Berlin. Trong quãng đời ngắn ngủi của mình Rosa Luxemburg bị bắt cả thảy 9 lần.
Năm 1914, Đảng XHDC Đức chia rẽ: cánh hữu ủng hộ chiến tranh, cánh tả do Liebknect và Luxemburg đứng đầu phản đối chiến tranh, tách ra khỏi đảng và thành lập Liên đoàn Spactacus. Tháng 11/1918, cách mạng nổ ra khắp nước Đức. Tháng 12, Liebknect và Luxemburg cùng các đồng chí của họ thành lập Đảng Cộng sản Đức (KPD).
Trong cuộc khởi nghĩa của công nhân Berlin, ngày 15/1/1919, Rosa Luxemburg và Karl Liebnecht bị tổ chức cựu chiến binh chống cộng Freikorps bắt và bắn chết ngay cùng ngày không qua xét xử. Hai tháng sau, Leo Jogiches cũng bị chúng giết.
Nhà lý luận về chủ nghĩa Mác Các phương tiện truyền thông đã nhiều lần nhắc tới Rosa Luxemburg. Phụ nữ toàn thế giới tự hào vì có một nữ chiến sĩ dũng cảm như bà. Bách khoa toàn thư Xô viết bản 1988 đánh giá bà “là nhà hoạt động phong trào công nhân Đức, Ba Lan và quốc tế, một trong các nhà lãnh đạo và nhà lý luận của Đảng XHDC Ba Lan, của cánh tả trong Đảng XHDC Đức và của Quốc tế II, đồng sáng lập viên “Liên đoàn Spartacus” và nhà tổ chức Đảng Cộng sản Đức...”
Tuy vậy, phần lớn các tài liệu đã xuất bản trước đây đều đánh giá thiếu khách quan và thiếu toàn diện về Rosa Luxemburg; qua đó người ta chỉ mới biết bà là một chiến sĩ cộng sản kiên cường dũng cảm mà chưa thấy các cống hiến to lớn của bà với tư cách nhà lý luận chủ nghĩa Mác.
Ví dụ cuốn “Rosa Luxemburg” của Fred Oelbner (CHDC Đức) xuất bản năm 1952 có ảnh hưởng rất lớn tại Liên Xô và các nước XHCN, đã nhìn nhận bà theo quan điểm của Stalin, cho rằng bà đã mắc một số “sai lầm”, thậm chí trong sách có hẳn các chương “Một hệ thống sai lầm”, “Chủ nghĩa Luxemburg”. Những cái gọi là “sai lầm” ấy chẳng qua là sự phê phán của Rosa Luxemburg đối với tình trạng thiếu dân chủ trong chính quyền Xô viết.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, nhất là sau khi chính quyền Nga công khai các hồ sơ mật của nhà nước và Đảng Cộng sản Liên Xô cũ, người ta mới có dịp biết rõ Rosa Luxemburg hơn và có đánh giá khách quan về cống hiến to lớn của bà trên lĩnh vực bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác. Những nhận định sắc bén của bà về tình trạng thiếu dân chủ của chính quyền Xô viết đã được thực tiễn về sau chứng minh là đúng đắn “đến ngạc nhiên”, bà đã báo trước các nguyên nhân căn bản sau này dẫn đến tai họa sụp đổ tổ quốc XHCN được xây dựng và bảo vệ bằng sự hy sinh của hàng chục triệu người dân Xô viết.
Rosa Luxemburg suốt đời quan tâm đến phong trào công nhân Đức và quốc tế. Bà viết trong thư gửi Leo Jogiches: “Tôi không thể không quan tâm các sự kiện lớn của toàn nhân loại nhằm để thế giới này trở nên ngày một tốt đẹp hơn.” Bà viết nhiều về các cuộc bãi công, nạn thất nghiệp của thợ thuyền, nạn mất mùa của nông dân, về các công việc của đảng ...
Rosa Luxemburg nói và viết nhiều về các vấn đề của Đảng XHDC Đức và phong trào công nhân quốc tế, các vấn đề xã hội-kinh tế của châu Âu, đóng góp nhiều ý kiến quý báu phát triển lý luận chủ nghĩa Mác. Bà kiên quyết giữ vững quan điểm: cùng với sự phát triển chủ nghĩa tư bản, các mâu thuẫn và khủng hoảng của chủ nghĩa này không lắng dịu đi mà trở nên gay gắt hơn, bởi vậy bà phản đối chủ trương của Eduard Bernstein biến chủ nghĩa xã hội thành một thứ không tưởng về lý luận. Do tiên đoán khả năng châu Âu sẽ nổ ra chiến tranh, Rosa Luxemburg đưa ra chủ trương mạnh dạn tấn công vào chủ nghĩa quân phiệt và chủ nghĩa đế quốc Đức mà bà đã nhìn thấy mầm mống.
Nắm vững bản chất dân chủ của học thuyết Mác, bà đã mạnh dạn góp ý kiến cho phong trào cách mạng vô sản Nga nhằm khắc phục tình trạng quá tập trung quyền lực trong đảng Cộng sản và sự đối lập chuyên chính vô sản với dân chủ...
Trong cuộc đời hoạt động ngắn ngủi của mình, từ năm 1894 đến năm 1919 Rosa Luxemburg đã viết tất cả 71 tác phẩm, trong đó “Các vấn đề tổ chức của Đảng Xã hội Dân chủ Nga” (1904), “Tích lũy tư bản” (1913), “Cách mạng Nga” (1918) từng gây nhiều tranh cãi. Riêng “Cách mạng Nga” bà viết trong tù, sau khi bà qua đời đến năm 1922 mới được công bố.
Lê Nin hơn Luxemburg một tuổi và đã đọc các tác phẩm của bà. Tuy không đồng ý với một số quan điểm của bà phê bình Đảng Bôn-xê-vich nhưng Lê Nin vẫn đánh giá cao Rosa Luxemburg và viết: “Đồng chí ấy mãi mãi là một con chim ưng”. Lê Nin còn dẫn một câu ngạn ngữ Nga nói “Chim ưng có thể bay thấp hơn gà nhưng gà không bao giờ bay cao được như chim ưng”.
Chim ưng không chỉ bay cao, bay nhanh, bay xa, mà hơn nữa còn có đôi mắt sắc nhìn rõ từ xa những gì các động vật khác không nhìn thấy. Franz Mehring tác gia viết tiểu sử Các Mác nổi tiếng nhất nhận định Rosa Luxemburg là khối óc tốt nhất sau Mác (the best brain after Marx).
“Chị ấy là thanh gươm sắc bén, là ngọn lửa sinh động của cách mạng” – bà Clara Zetkin đại diện Đảng Cộng sản Đức trong Nghị viện nền Cộng hòa Weimar ca ngợi Rosa Luxemburg.
Nhà bình luận Canby viết trên “New York Times”: “Rosa Luxemburg là một trong những nhân vật có sức thu hút nhất trong lịch sử chính trị châu Âu hiện đại. Bà trung thành với học thuyết Marx, trong khi Lê Nin viết lại học thuyết đó nhằm đáp ứng nhu cầu của mình”.
Rosa Luxemburg vốn là người Ba Lan gốc Do Thái, nhưng tên bà được người Đức trân trọng đặt cho một ga xe điện ngầm và một quảng trường ở trung tâm thủ đô Berlin; bức tượng đồng của bà cũng được đặt tại đây. Quỹ Rosa Luxemburg có trụ sở ở Đức hiện đang tài trợ nhiều hoạt động giáo dục, bảo vệ môi trường ở Việt Nam cũng như các nước khác. Nữ chiến sĩ cộng sản vĩ đại Rosa Luxemburg sống mãi với nhân dân Ba Lan, Đức và toàn thế giới./.