Việc học hỏi một cách chọn lọc những kinh nghiệm về xác lập, khai thác và thực thi quyền sở hữu trí tuệ của quốc gia phát triển như Hoa Kỳ là một trong những điểm then chốt để thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ ở Việt Nam.

Một trong những nội dung được chú ý nhiều nhất trong Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mới được Quốc hội thông qua vào tháng sáu vừa qua là trao quyền đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) cho những kết quả từ đề tài sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ KH&CN sẽ được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn (trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia), thay vì phải thực hiện rất nhiều thủ tục hành chính như trước. Nhiều người kỳ vọng việc gỡ bỏ rào cản này sẽ góp phần tạo ra những bước tiến mới trong hoạt động thương mại hóa các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Thương mại phụ trách SHTT kiêm Giám đốc USPTO đã có chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt của Cục SHTT.

Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đi theo con đường này. “Quy định mới trong Luật SHTT sửa đổi là kết quả của quá trình nghiên cứu rất kỹ kinh nghiệm của Hoa Kỳ và các quốc gia liên quan, cụ thể là Luật Bayh-Dole về trao quyền sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra từ ngân sách nhà nước cho viện nghiên cứu, trường đại học từ những năm 1980 của Hoa Kỳ”, Cục trưởng Cục SHTT Đinh Hữu Phí cho biết trong buổi làm việc giữa Cục SHTT và đoàn công tác của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) vào ngày 15/9/2022.

Việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia có lĩnh vực SHTT phát triển như Hoa Kỳ đã diễn ra từ nhiều năm nay ở Việt Nam, với dấu mốc là thỏa thuận hợp tác song phương về SHTT giữa hai bên từ năm 2011. “Các hoạt động hợp tác tích cực giữa hai bên, bao gồm việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, tập huấn về thực thi quyền SHTT cho các cơ quan liên quan của Việt Nam đã góp phần nâng cao năng lực cho hệ thống SHTT của Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhận xét trong buổi làm việc giữa lãnh đạo Bộ KH&CN với đoàn công tác của USPTO diễn ra cùng ngày. Sự gắn bó chặt chẽ này có vẻ trái ngược với nền tảng phát triển SHTT giữa hai bên - một quốc gia đã đi trước hàng trăm năm trong lĩnh vực SHTT và một quốc gia non trẻ hơn rất nhiều. Có lẽ, sự quan tâm đặc biệt dành cho SHTT là nền tảng quan trọng để duy trì mối quan hệ này: “Cả hai nước đã có sự hợp tác sâu sắc từ nhiều năm nay. Chuyến công tác của chúng tôi lần này cũng thể hiện tầm quan trọng của SHTT đối với hai quốc gia. Chúng tôi đã nghe được rất nhiều về những kết quả tuyệt vời mà Việt Nam đã làm được trong lĩnh vực này, bao gồm cả thực thi quyền SHTT. Do vậy, chúng tôi đến đây là để lắng nghe, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời cũng rất mong đợi những hợp tác sâu sắc giữa hai bên”, bà Kathi Vidal, Thứ trưởng Bộ Thương mại Hoa Kỳ phụ trách về SHTT, kiêm Giám đốc USPTO bày tỏ.

Thúc đẩy quá trình xử lý đơn

Không phải ngẫu nhiên mà xử lý đơn lại là vấn đề đầu tiên mà hai bên đề cập đến trong buổi làm việc. Cụ thể, quá trình xử lý xác lập quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích, nhãn hiệu, thiết kế bố trí mạch tích hợp, chỉ dẫn địa lý) thuộc về hoạt động lập quyền SHTT - tiền đề cho việc bảo hộ, khai thác và thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đây cũng là nhiệm vụ chính của các cơ quan SHTT ở mỗi quốc gia, bao gồm Cục SHTT của Việt Nam. Tuy nhiên, làm thế nào để xử lý đơn nhanh chóng, chính xác và đảm bảo quyền lợi cho các bên chưa bao giờ là bài toán đơn giản. Ở giai đoạn đầu mới thành lập, số lượng đơn mà Cục SHTT tiếp nhận rất ít, nhưng việc xử lý vẫn tốn nhiều thời gian vì những khó khăn trong việc tìm tư tư liệu để đánh giá khả năng bảo hộ. “Việc tra cứu thông tin tư liệu sáng chế là điều quan trọng nhất để đánh giá tính mới, tính sáng tạo của sáng chế so với những cái đã có. Bây giờ thì đơn giản nhưng hồi đấy rất khó vì làm gì có đủ tư liệu, máy tính và internet như bây giờ”, ông An Khang, Cục trưởng đầu tiên của Cục Sáng chế, tiền thân của Cục SHTT kể lại. Khi đó, lời giải cho bài toán này cũng đến từ việc hợp tác quốc tế: “Nguồn tư liệu sáng chế khi đó chủ yếu cập nhật từ Liên Xô, ngoài ra còn có của Đức, họ cho không mất tiền”, ông An Khang kể lại.

Sau gần nửa thế kỷ phát triển, số lượng tài sản trí tuệ ngày càng nhiều, nguồn tư liệu sáng chế cũng như thông tin sở hữu công nghiệp phong phú, dễ dàng tra cứu thì vấn đề mới xuất hiện: quá nhiều đơn đăng ký sở hữu công nghiệp. Làm thế nào để thúc đẩy việc xử lý đơn không chỉ thách thức với Cục SHTT mà còn là mối quan tâm của rất nhiều người đăng ký. Khi đặt câu hỏi về những khó khăn trong đăng ký bảo hộ SHTT ở bất kì diễn đàn nào, người ta có thể dễ dàng bắt gặp các ý kiến than phiền về việc nộp đơn đăng ký bảo hộ SHTT, cụ thể là sáng chế ở Việt Nam quá lâu. “Khâu đăng ký SHTT thực sự rất khó khăn cho các doanh nghiệp không chỉ bởi độ phức tạp, mà còn tốn rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Mỗi lần đăng ký sáng chế, các đơn vị tư vấn thường yêu cầu 40-50 triệu đồng một lần, tốn ít nhất cả năm trời mà chưa biết có chắc chắn được hay không”, ông Hồ Xuân Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Hồ Hoàn Cầu, nổi tiếng với nhiều sáng chế về máy xây dựng và nông nghiệp nhận xét trong một hội thảo về SHTT diễn ra năm 2021. Hơn nữa, việc kéo dài thời gian còn có nguy cơ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh, khai thác và đưa sản phẩm ra thị trường của doanh nghiệp.

Dù đã xây dựng quy trình xử lý đơn bài bản không thua kém gì so với các quốc gia trên thế giới song với nguồn lực có hạn, Cục SHTT nỗ lực đến mấy cũng khó có thể giải quyết tình trạng tồn đọng đơn hằng năm. Tất nhiên, cũng có những năm kết quả xử lý đơn rất tích cực, ví dụ năm 2019, số lượng đơn sở hữu công nghiệp được xử lý tăng cao kỷ lục, tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2018. Nhưng nhìn chung, số lượng đơn tồn đọng hằng năm vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể.

Thực tế, hầu hết các quốc gia, kể cả những nước phát triểnnhư Hoa Kỳ đều phải đối mặt với bài toán xử lý đơn. Do vậy, họ đã tìm cách cải tiến quy trình và ứng dụng công nghệ mới. “Trong số 13.500 cán bộ nhân viên của USPTO, có khoảng 9000 cán bộ nhân viên là thẩm định viên sáng chế, tôi đã làm việc, trao đổi với họ rất nhiều để tìm ra cách thức cải thiện quy trình thẩm định từ việc phân loại, chốt kết quả. Ngoài ra, chúng tôi còn có quá trình rút gọn, đẩy nhanh quá trình thẩm định với những doanh nghiệp khởi nghiệp hoặc cá nhân lần đầu nộp hồ sơ cấp bằng sáng chế, chỉ cần trả thêm một khoản phí”, bà Kathi Vidal nói. “Bên cạnh quy trình rút gọn gọi là Fast Track, hiện nay chúng tôi còn xem xét đưa ra quy trình Slow Track, tức là xử lý hồ sơ từ từ hơn. Bởi vì hiện nay nhiều doanh nghiệp cũng nói với chúng tôi rằng họ không muốn xin cấp bằng sáng chế nhanh quá đâu, vì họ chưa biết ý tưởng đấy có xứng đáng để đầu tư hay không, nên chúng tôi dự định sẽ đưa ra quy trình xử lý chậm hơn để giúp họ tiết kiệm tiền, đồng thời chúng tôi cũng có thể dành thời gian cho những đơn cần xử lý nhanh hơn”. Nhiều quốc gia cũng áp dụng phương pháp độc đáo này, chẳng hạn như Singapore đã đề xuất quy trình thẩm định sáng chế nhanh SG Patent Fast Track - được coi là quy trình nhanh nhất thế giới.

Về ứng dụng công nghệ, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong quá trình tra cứu, góp phần rút ngắn thời gian xử lý hồ sơ. Cục SHTT cũng đã chủ động tìm hiểu về vấn đề này, tuy nhiên họ nhận thấy vẫn còn một số hạn chế: “Chúng tôi có tìm hiểu và thấy rằng việc ứng dụng AI tương đối hiệu quả với các đối tượng như nhãn hiệu, kiểu dáng, song vẫn còn khó khăn với sáng chế. Liệu USPTO đã giải quyết vấn đề này như thế nào?”, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Sáng chế (Cục SHTT) đặt vấn đề. Thực ra, để ứng dụng hiệu quả những công nghệ mới như AI, bản thân USPTO cũng phải nghiên cứu tìm ra giải pháp riêng: “Một trong những thách thức liên quan đến ứng dụng AI là trong nhiều trường hợp, nhà sáng chế có thể dùng từ ngữ của riêng họ, dẫn đến khó khăn trong tra cứu. Do vậy, chúng tôi đã triển khai công cụ hiển thị thêm các kết quả (more like this), khi thẩm định viên tìm thấy kết quả hữu ích liên quan, họ sử dụng kết hợp công cụ này sẽ tìm ra được nhiều kết quả phù hợp như vậy. Bên cạnh AI, hiện nay chúng tôi đang ứng dụng cả công nghệ sinh học và kết hợp thêm nhiều công nghệ mới trong quá trình xem xét hồ sơ”, bà Kathi Vidal cho biết.

Nâng cao hiệu quả thực thi quyền SHTT

Việc xử lý đơn tuy khó song là vấn đề mà Cục SHTT có thể chủ động xoay xở. Trong khi đó, làm thế nào thúc đẩy tài sản trí tuệ đầu vào, cũng như thực thi bảo vệ các tài sản này trong thực tế là một bài toán nan giải liên quan đến nhiều bên: “Vấn đề thực thi quyền vẫn còn một số khiếm khuyết trong quá trình thực hiện ở Việt Nam, đây cũng là vấn đề được Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm”, ông Đinh Hữu Phí nhận xét.

Từ nhiều năm nay, Việt Nam thường xuyên xuất hiện trong danh sách các quốc gia cần theo dõi về SHTT trong Báo cáo đặc biệt 301 của Văn phòng Bộ thương mại Hoa Kỳ (USTR). Đây là một báo cáo thường niên về tình trạng thực thi và bảo hộ quyền SHTT của các quốc gia là đối tác thương mại của Hoa Kỳ, USTR sẽ xếp các quốc gia cần quan tâm về SHTT theo hai danh sách: cần theo dõi (Watch List) và ưu tiên theo dõi (Priority Watch List). Theo báo cáo đặc biệt 301 năm 2022, hoạt động bán hàng lậu, hàng giả trên các nền tảng trực tuyến cũng như các chợ thực tế ở Việt Nam vẫn còn tràn lan. Về bản quyền, dù các cơ quan có thẩm quyền đã khởi tố người đứng sau trang web xâm phạm bản quyền nổi tiếng phimmoi.net song hành vi xâm phạm bản quyền trên môi trường số vẫn rất nghiêm trọng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến lợi ích của những chủ sở hữu chân chính mà còn khiến nhiều nhà đầu tư e ngại khi bước chân vào thị trường Việt Nam. Bởi vậy, “việc thực thi quyền SHTT, đặc biệt trên môi trường số là điều mà chúng tôi rất quan tâm ở Việt Nam”, bà Kathi Vidal nói.

Để khắc phục tình trạng này, Việt Nam đã tăng cường nhiều biện pháp thực thi, trong đó tập trung vào biện pháp dân sự và hình sự, giảm bớt hành chính. Đây cũng là nút thắt trong thực thi quyền SHTT trong nước từ nhiều năm nay: Phần lớn các trường hợp xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam được xử lý bằng biện pháp hành chính, “những hình phạt này không đủ hiệu quả, mức phạt không cao, dẫn đến hoạt động xâm phạm vẫn phổ biến và công khai”, theo Báo cáo đặc biệt 301 của USTR năm 2022.

Dù đã có đề xuất giới hạn biện pháp hành chính song thực tế, việc chuyển hướng áp dụng biện pháp dân sự vẫn là một quãng đường dài. Bởi thực tế hiện nay, năng lực thực thi biện pháp dân sự trong xử phạt xâm phạm quyền SHTT của hệ thống tòa án của Việt Nam hiện nay còn khá yếu. Có lẽ, một trong những điểm mấu chốt là phải phát triển hệ thống tư pháp, bao gồm việc xây dựng tòa án chuyên trách về SHTT - “khi đó chúng ta không chỉ giải quyết được vấn đề thực thi hành chính mà còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến quyền SHTT cũng có thể giải quyết được”, Phó Cục trưởng Cục SHTT Trần Lê Hồng nhận xét.

Dù không phải là cơ quan thực thi quyền song Cục SHTT vẫn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong quá trình này, đó là hỗ trợ cơ quan thực thi để đánh giá yếu tố, hành vi xâm phạm để tiến hành xử lý. “Từ những bước đầu bỡ ngỡ, chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm từ Hoa Kỳ, đặc biệt là học thuyết về lịch sử thẩm định - phải có những hồ sơ ghi chép, lưu trữ rõ ràng trong quá trình thẩm định để hỗ trợ việc thực thi sau này”, ông Lê Huy Anh, Trưởng Phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại (Cục SHTT) cho biết. “Trong thời gian tới, chúng tôi rất mong nhận được thêm sự hỗ trợ của USPTO về chuyên môn, kiến thức, nguồn lực để chúng tôi có thể nâng cao năng lực trong lĩnh vực này”.



Học viện Ngoại giao ký bản ghi nhớ về hợp tác với Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO). Lễ ký được tổ chức sáng ngày 7/9, nhân chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng giám đốc WIPO Hassan Kleib, trước sự chứng kiến của Trợ lý Bộ trưởng Đỗ Hùng Việt và đại diện Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ. Phát biểu tại sự kiện, Phó Tổng giám đốc WIPO cho biết, Việt Nam là nước đầu tiên trong số 5 nước ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương được WIPO lựa chọn để triển khai Chương trình Đào tạo và Xây dựng Kỹ năng về sở hữu trí tuệ cho các cán bộ ngoại giao và các quan chức chính phủ.

Trong ảnh: Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Phạm Lan Dung và Phó Tổng giám đốc WIPO Hassan Kleib ký bản ghi nhớ về hợp tác. Ảnh: Học viện Ngoại giao

Trong khuôn khổ hợp tác song phương, Cục SHTT đã kí kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các cơ quan SHTT trên thế giới, với khoảng 17 thỏa thuận đang có hiệu lực, bao gồm thỏa thuận với USPTO - một trong năm cơ quan SHTT lớn nhất thế giới. Từ 2019 đến nay, USPTO tổ chức nhiều hoạt động đào tạo thông qua các hội thảo, hội nghị tập huấn trực tuyến về thẩm định nhãn hiệu và thẩm định sáng chế.