Sa mạc có diện tích trải dài một số khu vực ở hai quốc gia Chile và Peru, được biết đến là sa mạc vô cực khô cằn nhất trên Trái Đất.
Các nhà khoa học cho rằng môi trường tại đây có nhiều đặc điểm tương đồng nhất với môi trường trên Sao Hỏa.
Sa mạc Acatama. Nguồn: nationalgeographic.com
Theo kết quả nghiên cứu mới công bố trên chuyên san khoa học Proceedings of the National Academy of Sciences, nhóm nghiên cứu đã tới sa mạc này năm 2015 để tìm hiểu về sự sống tại vùng đất này.
Đúng thời điểm đó họ đã gặp may khi có cơn mưa bất chợt.
Các nhà nghiên cứu phát hiện sau cơn mưa đã bùng nổ hoạt động sinh học trong đất tại đây và họ đã nhanh chóng thu thập các mẫu vật để phục vụ nghiên cứu.
Các phân tích di truyền học cho thấy nhiều vi khuẩn sinh sôi sau thời gian dài ngủ yên chờ điều kiện thuận lợi.
Các nhà nghiên cứu trước đây từng tìm thấy xác các sinh vật này trên mặt đất và những dấu vết ADN còn sót lại, nhưng đây là lần đầu tiên họ tìm được những sinh vật sống.
Nhóm nghiên cứu cho rằng cộng đồng vi sinh vật có thể "ngủ" hàng trăm năm hoặc hàng nghìn năm trong một môi trường khắc nghiệt như trên Sao Hỏa và nhanh chóng hồi sinh khi gặp mưa.
Khi trở lại sa mạc Atacama vào năm 2016 và 2017, nhóm nghiên cứu thấy những cộng đồng vi sinh vật này dần dần đã chuyển sang trạng thái "ngủ" mà không hề chết đi.
Báo cáo cũng chỉ ra có một cộng đồng sinh vật đơn bào sinh sống ở những tầng sâu trong lòng đất tại sa mạc này, hình thành nên những cộng đồng vi sinh vật trong hàng triệu năm qua và có khả năng thích ứng với điều kiện khắc nghiệt tại đây.
So sánh với những nghiên cứu về Sao Hỏa cho thấy từ nhiều tỷ năm trước, hành tinh này cũng đã từng có biển và sông hồ, các nhà khoa học tin rằng có thể vẫn còn những mầm sống đang ẩn nấp dưới bề mặt Sao Hỏa.
Nghiên cứu này do đó đã mở ra một hướng khác để con người có thể tìm hiểu về hệ vi sinh vật trên Sao Hỏa thay vì phải đợi cho tới khi dự án nghiên cứu Sao Hỏa tốn kém cho kết quả./.