Trong hình ảnh NASA vừa công bố do robot thăm dò gửi về, Sao Hỏa có những ngọn núi hùng vĩ và sa mạc rộng lớn rất giống trái đất.
Đây chính là hình ảnh chân thật bạn sẽ nhìn thấy khi đặt chân xuống Sao Hỏa. Các nhà khoa học chỉ chỉnh đôi chút về độ sáng để bạn có thể nhìn rõ hơn cảnh quan, giống như nó đang được soi rọi bằng ánh sáng mặt trời.
Những hình ảnh này là kết quả của chuyến phiêu lưu kéo dài đến 5 năm của Mars Curiosity Rover, robot trực thăng thăm dò của NASA đã hạ cánh xuống Sao Hỏa từ ngày 5-8-2012.
Dù chỉ ghi nhận quang cảnh trong gần 18 km2 nhưng clip và hình ảnh được NASA công bố đủ cho chúng ta thấy Sao Hỏa có địa hình rất giống trái đất.
Đây là khoảnh đất thuộc về miệng núi lửa Gale, có đường kính tới hơn 154,5 km, với những địa danh thú vị như kênh Peace Vallis, vịnh Yellowknife, đồi Ireson… và xa xa là những dãy núi hùng vĩ cao đến vài km. Hiện Mars Curiosity Rover vẫn đang hoàn thành sứ mệnh với mục tiêu lớn nhất là nghiên cứu một địa điểm mang tên Clay Unit - nơi chứa nhiều khoáng vật hình thành từ đất sét.
Cũng liên quan đến Sao Hỏa, một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí khoa học Nature Astronomy dường như đã giải thích được cách mà nước biến mất khỏi bề mặt Sao Hỏa. Đó là những cơn bão bụi toàn hành tinh khiến hơi nước di chuyển đến một độ cao lớn hơn và gia tăng khối lượng đến 100 lần, đồng nghĩa với việc nước và không khí bị thất thoát ra ngoài không gian. Nghiên cứu dựa trên những ghi nhận của tàu thăm dò Mars Global Surveyor của NASA.
Các nghiên cứu trước đó cho thấy rằng cách đây vài tỉ năm, Sao Hỏa từng là một hành tinh xanh giống như trái đất với những đại dương mênh mông và có thể là cả sự sống từng tồn tại. Đáng tiếc rằng ngày nay bề mặt hành tinh đã khô cạn. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng tìm thấy một số bằng chứng cho thấy có thể còn nguồn nước ngầm trên hành tinh này.
Theo Người lao động