Dựa vào dữ liệu của Trạm quan sát Sóng hấp dẫn bằng tia Laser giao thoa (LIGO) ở Mỹ và máy dò Virgo ở Italy, các nhà thiên văn lần đầu tiên phát hiện sóng hấp dẫn được tạo ra bởi vụ va chạm khủng khiếp giữa một ngôi sao neutron và một hố đen cách chúng ta khoảng 1,2 tỷ năm ánh sáng.

 Ảnh: NASA
Ảnh: NASA

Sóng hấp dẫn là những gợn sóng xuất hiện từ việc uốn cong không – thời gian theo dự đoán trong thuyết tương đối tổng quát của Albert Einstein.

“Tín hiệu thu được khá yếu, vì vậy chúng tôi cần thêm một chút thời gian kiểm tra lại trước khi đưa ra kết luận cuối cùng”, Patrick Brady, phát ngôn viên của Nhóm hợp tác Khoa học LIGO đồng thời là giáo sư vật lý tại Đại học Wisconsin-Milwaukee, cho biết.

Những lần phát hiện sóng hấp dẫn trước đây đều bắt nguồn từ sự va chạm của các hố đen hoặc giữa hai sao neutron với nhau.

Sao neutron có những nét tương đồng với hố đen vì chúng đều hình thành từ phần còn lại của ngôi sao phát nổ. Nhưng sao neutron có khối lượng nhỏ hơn và không bị co lại vào một điểm vô cùng nhỏ như hố đen. Sao neutron là một trong những thiên thể có mật độ đậm đặc nhất trong vũ trụ.