Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Science vào ngày 30/4, các nhà khoa học phát hiện khu vực đáy biển Tyrrhenian ở Địa Trung Hải có mật độ hạt vi nhựa cao nhất từng được ghi nhận, lên tới 1,9 triệu hạt trong lớp trầm tích mỏng rộng 1 mét vuông.

Các hạt vi nhựa dưới đáy biển. Ảnh: Gizmodo.
Các hạt vi nhựa dưới đáy biển. Ảnh: Gizmodo.

Nhựa trở thành một loại hạt trầm tích mới, phân phối trên đáy biển cùng với cát, bùn và chất dinh dưỡng.

Nhóm nghiên cứu đã tách các hạt vi nhựa ra khỏi trầm tích, sau đó đếm dưới kính hiển vi và phân tích thêm bằng phương pháp quang phổ hồng ngoại để xác định loại nhựa. Họ cũng kết hợp kết quả thu được với các mô hình dòng hải lưu sâu và bản đồ chi tiết của đáy biển.

“Chúng tôi nhận thấy các hạt vi nhựa không phân phối đồng đều trong khu vực nghiên cứu. Thay vào đó, chúng bị cuốn trôi theo các dòng hải lưu mạnh gần đáy biển và tập trung ở một số nơi nhất định”, Ian Kane, tác giả chính của nghiên cứu tại Đại học Manchester (Anh), cho biết.

Phần lớn hạt vi nhựa dưới đáy biển có nguồn gốc chủ yếu từ các sợi vải và quần áo. Chúng không được lọc hiệu quả tại các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt nên đã trôi ra sông và đại dương.