Các nhà khoa học tìm thấy viên đá lâu đời nhất trên Trái Đất ở gần một hồ nước thuộc miền nam Australia.
|
Khối thiên thạch 4,5 tỷ năm tuổi được tìm thấy dưới lớp bùn dày. Ảnh: Đại học Curtin.
|
Theo The Guardian, nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Perth thu được khối thiên thạch nặng 1,7 kg ở Australia. Thiên thạch này ra đời khi hệ Mặt Trời mới hình thành cách đây 4,5 tỷ năm. Các nhà khoa học tìm thấy nó nhờ mạng lưới 32 máy quay, một máy bay hạng nhẹ, xe địa hình 4 bánh và máy bay không người lái.
Phil Bland, một nhà địa chất học hành tinh, đào khối thiên thạch bằng tay từ một hố sâu 42 cm hôm 31/12 ở khu vực hẻo lánh cạnh hồ Eyre trước khi cơn mưa xóa sạch mọi dấu vết.
Sau khi phân tích dữ liệu, các nhà nghiên cứu xác định địa điểm thiên thạch rơi ở Kati Thanda, hồ Eyre, nhưng họ phải mất tới ba ngày mới tìm ra địa điểm chính xác nơi vật thể bị chôn vùi. Theo Jonathan Paxman, kỹ sư cơ điện tử, những quan sát trên không đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện khối thiên thạch nằm dưới lớp bùn dày của hồ nước mặn.
"Khối thiên thạch còn lâu đời hơn cả Trái Đất. Đây là khối đá cổ nhất mà bạn có thể nắm trong tay. Nó đến từ nơi nào đó nằm giữa sao Hỏa và sao Mộc. Điều này có ý nghĩa lớn bởi những cơ quan vũ trụ như NASA (Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ) phải chi một tỷ USD để tiếp cận tiểu hành tinh và đem mẫu vật về. Chúng ta có thể thực hiện việc tương tự với chi phí thấp hơn nhiều", Bland chia sẻ.
Theo VNExpress