Các nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) mới phát hiện hành tinh 55 Cancri-e nằm cách Trái đất khoảng 40 năm ánh sáng và có có bầu khí quyển tương tự. Kết quả này được đăng trên Astrophysical ngày 16/11/2017.
Phân tích dữ liệu thu thập từ kính thiên văn không gian Spitzer năm 2013, các nhà khoa học nhận thấy 55 Cancri-e lớn gấp đôi Trái đất và có chu kỳ quỹ đạo (quay quanh ngôi sao mẹ) khoảng 18 giờ. Vì nằm quá gần ngôi sao mẹ cho nên 55 Cancri-e bị "khóa thủy triều", tức một nửa hành tinh luôn là ban ngày, còn nửa còn lại luôn là ban đêm.
Phần luôn hướng về phía ngôi sao mẹ trên 55 Cancri-e có nhiệt độ vào khoảng 2.300 độ C, phần đối diện lạnh hơn dao động trong khoảng 1.300-1.400 độ C (mức có thể thiêu đốt mọi thứ theo tiêu chuẩn trên Trái đất).
Ngoài ra, 55 Cancri-e cũng có khả năng lưu giữ và tuần hoàn nhiệt nhờ vào lớp khí quyển dày. Nếu không có lớp khí quyển này, chênh lệch nhiệt độ giữa hai phần của hành tinh thậm chí sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
"Nếu dung nham núi lửa tồn tại trên 55 Cancri-e, nó sẽ bao phủ toàn bộ bề mặt của hành tinh. Tuy nhiên, chúng ta không thể thấy dung nham do bị bầu khí quyển dày che khuất" - Renyu Hu - đồng tác giả nghiên cứu - cho biết.
Ngoài ra, khí quyển 55 Cancri-e có thể chứa nước, nitơ hay thậm chí oxy - những thành phần có trong khí quyển Trái đất. Tuy nhiên, do nhiệt độ bề mặt quá lớn nên có rất ít khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh này.
Tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu vì sao 55 Cancri-e lại duy trì được một lớp khí quyển dày đến như vậy. Về mặt lý thuyết, nó sẽ bị thổi bay bởi lượng bức xạ phát ra từ ngôi sao gần đó. "Việc tìm hiểu về 55 Cancri-e sẽ giúp chúng ta giải đáp những câu hỏi lớn về sự tiến hóa của các hành tinh đá" - Hu nhận định.
Quốc Hùng (Theo IB Times)