Trong bối cảnh vấn nạn tận diệt giun đất đang hoành hành tại nhiều địa phương, Trung tâm Con người và Thiên nhiên PanNature đã gửi Thư kiến nghị tới ba nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và hai sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada), đề nghị các bên rà soát, loại bỏ sản phẩm máy kích giun đất trên toàn hệ thống bán hàng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, vấn nạn khai thác giun đất diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc (Hoà Bình, Bắc Giang, Sơn La v.v.), gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, hệ sinh thái và cuộc sống của người dân. Một trong những công cụ “tiếp tay” cho hành động này là máy kích giun - sản phẩm được bán lan tràn trên nhiều trang web, nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.
Với một bộ đồ nghề gồm máy kích có 2 cực, ắc quy tích điện, dây nối với hai đầu cực bằng cọc kim loại có phần tay cầm bọc bằng nhựa cách điện, chống giật cho người sử dụng; người bắt giun sẽ cắm hai đầu cọc kim loại xuống đất, trong phạm vi khoảng 1m
2, các loại giun từ nhỏ tới lớn đều ngoi lên mặt đất. Giun bắt được sau đó sẽ bán cho các cơ sở thu mua, chế biến trên địa bàn. Theo một số người dân, giun đất tươi được các “đầu nậu” thu mua với giá 45 - 70.000 đồng/kg.
Giun đất bắt được sẽ được mổ ra, rửa sạch, phơi khô rồi bán sang Trung Quốc. Giun đất hay địa long là một vị thuốc quen thuộc được dùng trong nhiều bài thuốc dân gian. Theo
Dược điển Trung Quốc, giun đất có tác dụng “thanh nhiệt, an thần, nhuận tràng, lợi tiểu”.
Giai đoạn dịch COVID-19 hoành hành, nhiều người truyền tai nhau rằng đây là vị thuốc giúp điều trị bệnh, vì vậy người ta đổ xô tìm mua địa long để sử dụng. Bộ Y tế sau đó đã phải
thông tin về việc chưa cấp phép lưu hành cho bất kỳ sản phẩm nào có thành phần Địa long (giun đất) có tác dụng hỗ trợ, điều trị COVID-19, cũng chưa nhận được bất kỳ báo cáo khoa học nào chứng minh hiệu quả hỗ trợ điều trị COVID-19 của giun đất.
Tuy nhiên, vì vẫn có nhiều "đầu nậu" thu mua giun đất giá cao để xuất sang Trung Quốc, nên một số người dân vẫn kéo đến các vườn cam, vườn na của các hộ gia đình vào buổi tối để lén kích điện giun đất. Việc kích điện không chỉ gây thoái hoá đất - bởi giun có tác dụng quan trọng trong việc cải thiện chất lượng đất và hỗ trợ môi trường sống cho các hệ sinh thái đa dạng, mà còn ảnh hưởng đến bộ rễ của cây ăn trái.
Mới đây, Trung tâm Con người và Thiên nhiên PanNature cho biết, với mong muốn “góp thêm tiếng nói trong việc chung tay giải quyết vấn nạn tận diệt giun đất đang hoành hành tại nhiều địa phương”, Trung tâm đã gửi Thư kiến nghị tới ba nền tảng mạng xã hội (Facebook, YouTube, TikTok) và hai sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada), qua đó đề nghị các bên rà soát, loại bỏ sản phẩm máy kích giun trên toàn hệ thống bán hàng, góp phần ngăn chặn nguồn cung cấp công cụ/thiết bị khai thác giun theo hướng tận diệt.
“Việc tận diệt giun sẽ gây hàng loạt hệ luỵ nghiêm trọng đối với nguồn tài nguyên đất, khiến đất bị suy kiệt, nghèo nàn, từ đó ảnh hưởng rất lớn tới sự sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng và môi trường xung quanh, đồng thời gây bức xúc dai dẳng và tâm lý bất an tại nhiều cộng đồng bị nạn trộm giun hoành hành”, Trung tâm cho biết.
Hiện nay, các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử đều xây dựng chính sách bán hàng riêng nhằm cấm, hạn chế hoặc không hỗ trợ bán đối với một số mặt hàng/nhóm hàng không phù hợp. Trong đó, một số bên đã công bố danh sách cấm gồm “Thiết bị hoặc công cụ săn bắn có thể gây hại cho động vật hoặc con người”. PanNature cho rằng máy kích giun hiện đang được bán phổ biến trên các nền tảng online thuộc danh mục này và cần được áp dụng chính sách kiểm soát, loại bỏ tương ứng như các sản phẩm bị cấm.
Bằng việc gửi Thư kiến nghị, PanNature đề nghị các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử thực hiện hiệu quả chính sách bán hàng đã công bố, đồng thời cân nhắc cập nhật, bổ sung và áp dụng một số biện pháp cấp bách sau:
Thứ nhất, rà soát và loại bỏ mặt hàng máy kích giun trên toàn bộ hệ thống sàn thương mại điện tử/nền tảng mạng xã hội.
Thứ hai, rà soát và loại bỏ tất cả các nhóm sản phẩm gây hại tương tự như: máy kích điện dùng để bắt cá, bẫy động vật…
Thứ ba, có cơ chế cảnh báo, xử lý đối với các tài khoản đăng bán các sản phẩm này.
Thứ tư, có cơ chế ghi nhận phản hồi, kiến nghị của người dùng và các bên liên quan về những sản phẩm hoặc chính sách bán hàng chưa phù hợp, có thể gây thiệt hại/ảnh hưởng cho con người, động vật, tài nguyên thiên nhiên.
Thứ năm, thúc đẩy truyền thông về các sản phẩm gây hại đối với các loài động, thực vật hoang dã và thiên nhiên.
Việc thực hiện nghiêm chính sách bán hàng và kiểm soát hiệu quả tất cả các sản phẩm trong danh sách cấm không chỉ giúp nâng cao hình ảnh và trách nhiệm xã hội của các đơn vị mà còn góp phần thúc đẩy kinh doanh thương mại có trách nhiệm tại Việt Nam và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học trong nước.