Việt Nam cần một mạng lưới quan trắc mật độ cao để có thể theo dõi chất lượng không khí và kịp thời xử lý trước những diễn biến phức tạp, nhưng đó là đòi hỏi bất khả thi nếu chỉ dựa vào các trạm quan trắc chuẩn vận hành bởi cơ quan quản lý nhà nước.
Trong cuộc trao đổi với KH&PT, anh Hoàng Dũng, Tổng Giám đốc D&L cho rằng mạng lưới cảm biến chất lượng không khí PAM Air có thể là lời giải cho thách thức này.
Nền tảng cộng đồng giải quyết ô nhiễm không khí
Theo đánh giá của ông PAM Air có vị trí ở đâu trong bức tranh về các giải pháp cải thiện chất lượng không khí ở Việt Nam?
Để cải thiện chất lượng không khí, chúng ta phải biết được hiện trạng chất lượng không khí và phân tích được nguyên nhân gây ô nhiễm không khí để từ đó đưa ra được chiến lược và các chương trình hành động cụ thể.
Tuy nhiên, vấn đề ở Việt Nam là chúng ta thiếu thông tin về hiện trạng chất lượng không khí: phần lớn các tỉnh, thành phố chưa có trạm quan trắc tự động do chi phí đầu tư và vận hành lớn (khoảng 5 đến 10 tỉ đồng đầu tư ban đầu và 1 tỉ đồng chi phí vận hành hằng năm). Chúng ta cũng gặp rất nhiều khó khăn trong phân tích nguyên nhân gây ô nhiễm không khí do không kiểm soát được nguồn thải đến từ phương tiện giao thông, công trình xây dựng, làng nghề, nhà máy hay các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ.
Với đặc điểm đó, Việt Nam cần một mạng lưới quan trắc càng dày đặc càng tốt lên tới hàng nghìn điểm trên toàn quốc. Do đó nếu chỉ trông chờ vào các trạm quan trắc có chi phí rất do nhà nước đầu tư thì sẽ không khả thi.
Vì vậy, vai trò của PAM Air chính là nhằm giải quyết vấn đề này. Dự án PAM Air đi theo hướng xã hội hóa, đóng vai trò làm nền tảng để tất cả người dân và cộng đồng có thể cùng chung tay tạo dựng mạng lưới điểm đo chất lượng không khí toàn Việt Nam.
Cụ thể hơn, các cá nhân/doanh nghiệp có thể đóng góp vào mạng lưới PAM Air bằng cách nào?
Cá nhân hoặc các cơ quan, tổ chức có thể tài trợ vị trí lắp đặt, tài trợ mua thiết bị cảm biến hoặc cả hai.
Chẳng hạn, tổ chức/ cá nhân có thể hỗ trợ địa điểm cho PAM Air đặt thiết bị. Nếu họ không có kinh phí để mua thiết bị thì chúng tôi sẽ tập hợp thành danh sách và sẽ triển khai lắp đặt theo các vị trí ưu tiên (ví dụ tại những nơi vùng sâu, vũng xa có điều kiện kinh tế khó khăn) sau khi tìm được nguồn tài trợ mua thiết bị tương ứng. Ngược lại, với các nhà tài trợ mua một hoặc nhiều thiết bị, PAM Air sẽ tìm kiếm vị trí lắp đặt cho các thiết bị đó.
Thiết bị cảm biến rất nhỏ gọn (10 x 10 x 5 cm) và có thể lắp đặt tại bất kỳ đâu, chỉ cần vị trí lắp đặt là ngoài trời, thoáng khí không bị che chắn xung quanh và có độ cao lý tưởng từ 3-30 mét so với mặt đất.
Giá thiết bị tầm 5 triệu bao gồm lắp đặt, 1 năm bảo hành, bảo trì. Kỹ sư hoặc đối tác được ủy quyền của PAM Air sẽ trực tiếp thực hiện các công việc trên. Thiết bị sẽ tiêu thụ khoảng 50.000 VNĐ tiền điện năng/năm (khoảng 24 số điện) và sử dụng ổ cắm bình thường.
Khi tham gia đóng góp tài trợ cho mạng lưới PAM Air, các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đã mang lại các giá trị và tạo ảnh hưởng xã hội. Với Logo quảng bá đặt trên ứng dụng PAM Air, thương hiệu doanh nghiệp vì xã hội, vì cộng đồng sẽ được nâng cao trong mắt người dân và tạo ra các vị thế cạnh tranh trên thị trường.
Hiện PAM Air đã có trên 220 điểm đo và khoảng 100.000 người dùng. Chúng tôi dự kiến có trên 1000 điểm đo và 500.000 người dùng trong năm 2020.
Qua thực tiễn, mạng lưới các thiết bị cảm biến PAM Air này đã có những đóng góp cụ thể ra sao?
Mạng lưới đã hỗ trợ giúp cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng sớm phát hiện được nguồn gây ô nhiễm không khí. Ví dụ như sự việc cháy bãi rác ở Cam Ly, Đà Lạt vừa rồi, mạng lưới thiết bị PAM Air tại Đà Lạt đã ngay lập tức giúp phát hiện ô nhiễm không khí để cảnh báo người dân và chính quyền, hay tại Vĩnh Lộc B, Bình Chánh, Sài Gòn, từ dữ liệu của PAM Air, người dân, báo chí đã phát hiện và phản ánh cho chính quyền xử lý ngăn chặn đốt rác trộm trong khu dân cư (tháng 4/2019 - PV).
Với chi phí lắp đặt và vận hành không quá đắt, liệu mạng lưới các cảm biến như PAM Air có thể thay thế cho các trạm quan trắc chuẩn, tốn kém được không?
Mục tiêu của PAM Air để theo dõi diễn biến và xu thế chất lượng không khí mang tính định tính chứ không nhằm cung cấp dữ liệu định lượng.
Dữ liệu nền này sẽ hỗ trợ cho dữ liệu của các trạm chuẩn, và được sử dụng để cảnh báo, phát hiện nhanh các nguồn thải và diễn biến lên xuống của nó theo các màu sắc chỉ thị hiển thị.
Mặc dù vậy, PAM Air có quy trình kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt trong khâu sản xuất thiết bị, lắp đặt, vận hành và bảo dưỡng để đảm bảo chất lượng và tính chính xác của số liệu đo. Đây cũng là điểm khác biệt của PAM Air so với các ứng dụng khác hiện nay phải nhập ngoại.
Trước khi đưa ra sản phẩm PAM Air, D&L đã từng có những kinh nghiệm cung cấp các sản phẩm tương tự?
Cách đây vài năm, chúng tôi đã xây dựng hoàn chỉnh hệ thống IoT điều khiển, tự động hóa phục vụ cho sản xuất nông nghiệp (nông nghiệp thông minh). Hệ thống hỗ trợ người nông dân nâng cao năng xuất, sản phẩm tốt, sạch và đồng đều về chất lượng. Có lẽ chúng tôi là một trong những đơn vị đầu tiên xây dựng hệ thống này ở Việt Nam.
D&L cũng có nhiều kinh nghiệm tư vấn và triển khai hệ thống quan trắc môi trường nước mặt, nước thải sinh hoạt từ khu công nghiệp, nhà máy từ phần mềm đến phần cứng. Kinh nghiệm từ các dự án như vậy giúp chúng tôi hiểu rõ vấn đề quan trắc môi trường tại Việt Nam, trong đó có quan trắc chất lượng không khí.
Đội ngũ kỹ sư của công ty cũng có nguồn lực và kinh nghiệm từ các dự án liên quan đến phát triển nền tảng phần mềm, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, sản xuất thiết bị IoT. Đó là tiền đề để chúng tôi xây dựng dự án PAM Air.
Chúng tôi nghĩ rằng, PAM Air sẽ không thể tồn tại và phát triển nếu chúng tôi không có những kinh nghiệm trước đây liên quan đến nghiệp vụ môi trường, phát triển phần mềm và sản xuất thiết bị để chủ động trong tất cả các thành phần của dự án. Nếu thiếu một trong các yếu tố này sẽ làm dự án không chủ động được công nghệ, thiếu sự linh hoạt và chi phí đầu tư sẽ cao gấp nhiều lần so với hiện nay.
Có những mô hình tương tự như PAM Air ở nước ngoài không?
Mô hình này đã được triển khai trên thế giới và được chúng tôi tham khảo. Tuy nhiên, sự khác biệt là ở cách triển khai dự án theo hướng xã hội hóa để phù hợp với điều kiện tại Việt Nam. PAM Air có lẽ là dự án duy nhất đang được triển khai theo cách tiếp cận này.
Trên thế giới, ví dụ như ở London, Anh, dự án Breath London cũng đặt một loạt cảm biến rải rác tại hàng trăm điểm ở các vị trí khác nhau để hỗ trợ cho các trạm chuẩn cố định đắt tiền hơn. Từ đó họ nghiên cứu ảnh hưởng từ các nguồn phát thải tác động đến sức khỏe, v.v… Tuy nhiên, dự án đó được tài trợ và bảo trợ bởi chính quyền London và các tổ chức NGO, trong khi đó dự án PAM Air sử dụng nguồn ngân sách một công ty tư nhân với sự đóng góp của bất cứ ai trong cộng đồng.
Chúng tôi cho rằng mạng lưới hàng nghìn trạm quan trắc chất lượng không khí không nên và không thể được đầu tư bởi một nguồn kinh phí duy nhất nào vì như vậy nó không bền vững. Phải có sự tham gia của cộng đồng để xây nên mạng lưới. Do vậy, PAM Air không chỉ cung cấp thông tin giúp người dân bảo vệ sức khỏe, mà góp phần nâng cao nhận biết và ý thức bảo vệ chất lượng không khí, giúp cộng đồng hiểu rằng đó là vấn đề chung của toàn xã hội, và nếu chúng ta chỉ cần thay đổi nhỏ hanh vi của mình thì chất lượng không khí sẽ được cải thiện.
Xin cảm ơn ông!