Tại nhiều quốc gia có mức độ ô nhiễm nặng như Trung Quốc, Nam Á hay Bắc Phi, trẻ em có thể tổn thọ đến gần 2 năm chỉ vì hít phải không khí ô nhiễm.
Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), ô nhiễm không khí đang trở thành một "nạn dịch" khẩn cấp trên toàn cầu. Thậm chí có tới 90% người dân trên toàn thế giới đang phải sống trong những nơi có chất lượng không khí thấp hơn tiêu chuẩn của WHO.
Nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học chỉ ra, không khí ô nhiễm sẽ rút ngắn tuổi thọ của trẻ nhỏ thêm ít nhất 20 tháng. Đặc biệt trẻ em tại Trung Quốc, Nam Á và Châu Phi là những nơi có nguy cơ bị giảm tuổi thọ cao nhất do phải tiếp xúc với không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo nghiên cứu mang tên State of Global Air (SOGA) 2019, tạm dịch là Tình trạng không khí toàn cầu 2019 công bố mới đây, ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra cái chết của 1 người trên mỗi 10 ca tử vong trong năm 2017. Con số này cho thấy ô nhiễm không khí đã và đang trở thành một kẻ giết người thầm nặng và nguy hiểm hơn cả sốt rét, tai nạn đường bộ và tương đương việc hút thuốc lá.
Ước tính trẻ em ở Nam Á có tuổi thọ suy giảm đến 2 năm 6 tháng, trẻ em ở Đông Á cũng tổn thọ tới gần 2 năm, trong khi trẻ em ở khu vực cận sa mạc Sahara Châu Phi có tuổi thọ giảm tới 2 năm do thường xuyên hít phải khí thải độc hại.
Trẻ em Trung Quốc bị tổn thọ đến hơn 1 năm 3 tháng vì ô nhiễm không khí
Trẻ em Ấn Độ thậm chí bị tổn thọ đến hơn 1 năm 6 tháng vì ô nhiễm không khí
Trẻ em Việt Nam bị tổn thọ khoảng 9 tháng do ô nhiễm không khí
Tất nhiên không chỉ tại các khu vực ô nhiễm trầm trọng mà trẻ em trên toàn thế giới hoàn toàn có nguy cơ hít phải không khí độc hại. Ngay cả trẻ em ở các quốc gia phát triển vẫn phải đối mặt với nguy cơ giảm tuổi thọ lên tới 5 tháng do hít phải không khí ô nhiễm.
Hiện tại toàn bộ dân số Ấn Độ, Bangladesh, Pakistan, Trung Quốc, Nigeria, Indonesia và Mexico đang có nguy cơ phơi nhiễm hạt bụi mịn PM2.5 trong không khí và khoảng 75% dân ở EU sống tại các khu vực có mức độ bụi PM2.5 cao hơn tiêu chuẩn của WHO.
Kết quả đánh giá và xếp hạng các quốc gia các mức độ bụi mịn PM2.5 cao do Viện Hiệu ứng Y tế, Viện đo lường và đánh giá sức khỏe Mỹ cùng các nhà khoa học tại ĐH. British Columbia hợp tác công bố.
PM2.5 là các hạt bụi mịn có kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet và chúng thường được tạo ra từ hoạt động đốt nhiên liệu lỏng hoặc rắn, bao gồm than đá. Các hạt bụi siêu nhỏ này có thể lơ lửng trong không khí nhiều ngày và di chuyển tới cả hàng ngàn km từ nơi phát thải. Điều này cũng đồng nghĩa, bạn không cần phải sống gần nhà máy điện than thì mới có thể bị nhiễm loại bụi này.
Sau khi hít vào, hạt bụi sẽ thâm nhập sâu vào phổi và từ đó đi vào máu. Trong nhiều năm gần đây, bụi PM2.5 có liên quan đến tình trạng suy tim, mất trí nhớ và bệnh Alzheimer ở nhiều quốc gia.
Khí thải ô nhiễm trong không khí do hoạt động công nghiệp, giao thông là nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ nhỏ dễ mắc các căn bệnh liên quan đến hô hấp. Theo dữ liệu công bố gần đây, có gần 9/10 trường hợp tử vong do ô nhiễm không khí có độ tuổi trên 50. Dữ liệu này phần nào cho thấy, ô nhiễm không khí có thể là nguyên nhân gây ra cái chết sớm cho nhiều người.
Ô nhiễm không khí chiếm 41% tỷ lệ tử vong toàn cầu do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, 20% bệnh tiểu đường type-2, 19% ung thư phổi, 16% bệnh tim và 11% ca tử vong do đột quỵ. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên hệ giữa chứng mất trí nhớ và hiện tượng sẩy thai.
Một số chính phủ các nước đã bắt đầu để chống lại ô nhiễm không khí, đặc biệt tại Trung Quốc. Vào năm 2013, nước này đã đặt ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm giảm ô nhiễm không khí bằng cách hạn chế sự phụ thuộc vào than đá. Trung Quốc cũng đặt ra những quy tắc mới nhằm hạn chế số lượng xe được phép di chuyển vào trong một số thành phố.
Hiện ô nhiễm không khí đang gia tăng trên quy mô toàn cầu tuy nhiên điều đáng buồn là có một khoảng cách giữa các quốc gia ít và bị ô nhiễm nhiều nhất. Những quốc gia ít ô nhiễm có thể kể đến như Mỹ, Na Uy, Canada, Thụy Điển, New Zealand.
SOGA là nghiên cứu có hệ thống nhất về ảnh hưởng của ô nhiễm không khí toàn cầu đối với sức khỏe của con người.