Vùng đất ẩm ướt nhất trên đất liền được Tổ chức Kỷ lục Thế giới Guiness ghi nhận là Mawsynram ở đông bắc Ấn Độ.
|
Mawsynram, nơi ẩm ướt nhất Trái Đất. Ảnh: NG
|
Những xóm làng nhỏ bé của vùng Khasi Hills nằm trên cao nguyên có độ cao 1491 mét
so với mực nước biển, đón nhận làn hơi ẩm cực lớn từ vịnh Bengal với lượng mưa trung bình hàng
năm lên tới 11,871 mm (Hà Nội là 1,680 mm). Lượng nước mưa khổng lồ khiến cho vùng đất này có rất
nhiều thác nước, đầy những hang động đá vôi kỳ ảo với cây cối xanh rì rậm rạp.
Nằm cách đó khoảng 16 km, thị trấn Cherrapunji, thường được dân địa phương gọi là
Sohra, ghi nhận kỷ lục về lượng mưa đo được tới 9,300 mm vào tháng 7/1861 nâng tổng lượng mưa cả
năm lên 26,470 mm, con số gây sốc với cả những nhà khí tượng học. Thậm chí ngay đến tên gọi của
bang Meghalaya, dịch ra là nơi trú ngụ của những đám mây, cũng đã nói lên nhiều điều.
Khí hậu nhiệt đới gió mùa có hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô, được kiểm soát
bởi hướng gió mùa. Gió mùa là một loại gió đổi hướng theo mùa, vào mùa hè (mùa mặt trời cao),
có một luồng không khí ẩm thổi vào bờ, vào mùa đông (mùa mặt trời thấp), luồng không khí thổi từ
lục địa ra lại xuất hiện.
Mùa mưa đặc trưng hàng năm mang mưa lớn trên diện rộng đến cho vùng Mawsynram,
90% lượng mưa cả năm quan trắc được trong thời gian này. Sáu tháng mùa mưa kéo dài từ tháng Năm đến
tháng Mười và tháng Bảy thường là tháng mưa nhiều nhất với lượng mưa trung bình lên tới 3.500 mm.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) mới đây đã công nhận Cherrapunji nắm giữ kỷ lục về tổng lượng mưa
đo được trong hai ngày liên tiếp là 2,493 mm, vào ngày 15 và 16 tháng 6/1995.
|
"Knups" - loại ô độc đáo của cư dân Mawsynram. Ảnh: Pinterest
|
Cư dân của vùng này quanh năm gắn liền với "knups" - những chiếc ô lớn đan bằng
tre, chống lại những cơn mưa nặng hạt liên tục trút xuống gây hư hỏng nhà cửa, đường sá, hoa màu.
Những cây cầu bắc qua rừng mưa nhiệt đới bằng vật liệu thông thường sẽ nhanh chóng bị phá huỷ,
nhưng những "cây cầu sống" ở nơi này lại ngày càng vững chắc trong điều kiện khí hậu ẩm ướt.
Cầu sống được làm từ rễ cây cao su Ấn Độ. Thân cây có đám rễ phụ dày đặc
bao lấy những thân cây cau, thân cây tre được đan cài khéo léo tạo nên những cây cầu đặc biệt bắc
qua sông suối giúp cư dân đi lại dễ dàng. Phải mất hàng thập kỷ mới có được một cây cầu sống, nhưng
tuổi thọ của chúng có thể lên đến 500 năm.
Mặc dù vùng Khasi Hills nắm giữ kỷ lục lượng mưa lớn nhất trong lịch sử, nhưng
những nghiên cứu mới đây cho thấy miền bắc Colombia có lượng mưa trung bình hàng năm cao hơn hàng
nghìn mm.
Thị trấn Lloro ở vùng tây bắc Colombia có lượng mưa trung bình 13,473mm theo số
liệu quan trắc từ năm 1952 đến 1954 nhưng không được chính thức công nhận vì sử dụng những thiết bị
đo đạc quá lỗi thời. Bên cạnh đó, Puerto Lopez ở Colombia cũng có lượng mưa trung bình 12,892
mm.
|
Miền bắc Colombia. Ảnh: Christian Werthenbach/Alamy
|
Nhà nghiên cứu khí hậu Christopher C. Burt cho rằng Puerto Lopez mới chính là nơi
ẩm ướt nhất trên thế giới. Lý giải được ông đưa ra là do vị trí địa lý của Puerto Lopez, tựa lưng
vào dãy núi Andes chặn những luồng gió mậu dịch nhiệt đới mang hơi ẩm từ Thái Bình Dương đưa vào,
gây mưa như trút nước.
Không chỉ riêng bởi vị trí địa lý, thị trấn nhỏ của Colombia này có thời tiết mưa
gần như quanh năm, tới 320 ngày mưa mỗi năm. Lượng mưa dù ít hay nhiều đổ xuống liên tục quanh năm
cũng là nhân tố quan trọng góp phần nâng cao lượng mưa trung bình cả năm. Mặc dù vậy, số liệu quan
trắc khí tượng ở thị trấn nhỏ này không được ghi chép và lưu giữ liên tục, gây cản trở cho quá
trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều nghịch lý xung quanh số liệu lượng mưa đo được và tình
trạng ẩm ướt thực sự tại những nơi này. Ví dụ như bạn có thể dạo chơi ở Puerto Lopez với áo quần
bảnh bao, thì tại Mawsynram vào mùa mưa, bạn lúc nào cũng trong tình trạng ướt như chuột.
Cũng chính tại nơi được mệnh danh là ẩm ướt nhất trên Trái Đất này, vào mùa khô -
khoảng từ tháng 12 đến tháng 2, trời lại rất ít mưa và kiếm đủ nước uống cũng là thách thức lớn của
cư dân vùng này.