Để có thể chinh phục hành tinh đỏ, con người sẽ phải vượt qua những trở ngại rất lớn như chi phí, điều kiện sống khắc nghiệt không thích hợp với người Trái Đất.

nhung-thu-thach-tren-chang-duong-chinh-phuc-sao-hoa

Chưa có công nghệ giúp tàu vũ trụ hạ cánh an toàn xuống sao Hỏa. Ảnh: NASA.

Chi phí

Vấn đề đầu tiên là chi phí. Dự án thám hiểm sao Hỏa của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính tiêu tốn 50 tỷ USD cho 10 năm, gấp đôi chi phí của chương trình thám hiểm Mặt Trăng từ 1962 – 1972. Chi phí này có thể giảm xuống, nhưng vẫn ở mức từ 5-20 tỷ USD, theo Chủ tịch Robert Zubrin của tổ chức phi lợi nhuận nghiên cứu về sao Hỏa Mars Society.

Sự cố

Chuyến du hành tới sao Hỏa tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình bay. Quá trình cất cánh và hạ cánh có thể không mắc sai sót gì, nhưng hệ thống hỗ trợ sự sống trên tàu vũ trụ có thể gặp sự cố bất kỳ lúc nào trong chuyến bay dài tới 9 tháng, chưa kể đến các bức xạ vũ trụ cường độ lớn và sự giảm trọng lực.

Hạ cánh

Nếu may mắn không gặp bất trắc gì trong chuyến bay, hạ cánh xuống sao Hỏa sẽ là khó khăn tiếp theo. Hiện con người chưa có công nghệ nào giúp hạ cánh tàu vũ trụ an toàn xuống sao Hỏa. Vật thể nặng nhất đáp xuống sao Hỏa tới giờ, robot Curiosity, chỉ có kích thước của một chiếc ô tô nhỏ.

Điều kiện sống

Sau khi đáp xuống sao Hỏa, các phi hành gia sẽ phải đối mặt với khí hậu khắc nghiệt. Nhiệt độ trung bình ở đây khoảng âm 27 độ C. Vùng gần xích đạo, nhiệt độ mùa hè khoảng 21 độ C. Ở gần hai cực, nhiệt độ mùa đông có thể xuống tới âm 93 độ C.

Khí quyển của sao Hỏa rất mỏng, chỉ bằng khoảng một phần trăm Trái Đất, với thành phần chỉ có 0,15% oxy (Trái Đất là 21%), không đủ để thở. Thành phần CO2 trong khí quyển chiếm tới 96%.

nhung-thu-thach-tren-chang-duong-chinh-phuc-sao-hoa-1

Khí quyển sao Hỏa mỏng chỉ bằng khoàng 1% Trái Đất. Ảnh: NASA.

Do khí quyển quá mỏng, các bức xạ vũ trụ và Mặt Trời có hại chiếu tới đây sẽ gần như không bị cản lại. Các bức xạ này sẽ phá hủy các tế bào động thực vật, thậm chí có thể gây chết người. Đất trên sao Hỏa cũng không thích hợp cho các loại cây nông nghiệp từ Trái Đất, kể cả vi khuẩn.

Lượng ánh sáng Mặt Trời sao Hỏa nhận được chỉ bằng khoảng 1/3 so với Trái Đất. Các thiết bị sử dụng pin Mặt Trời sẽ cần nhiều thời gian hơn để sạc điện và gây khó khăn cho công việc canh tác. Trước đây sao Hỏa cũng có đại dương, nhưng hiện tại gần như nước chỉ tồn tại dưới dạng băng ở các vùng cực, hoặc nước mặn chảy trên bề mặt.

Ngoài ra, sao Hỏa còn thường xuyên có những cơn bão bụi khổng lồ, kéo dài vài ngày với những hạt bụi di chuyển ở tốc độ khoảng 50 – 100 km/h. Đôi khi những cơn bão này lớn tới mức che phủ cả hành tinh trong vài tuần.

Lực hấp dẫn trên sao Hỏa chỉ bằng 1/3 Trái Đất, các phi hành gia có thể sẽ phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe chưa từng gặp trước đây. Cơ bắp của chúng ta phát triển phù hợp với lực hấp dẫn Trái Đất, nên có thể ở một nơi lực hút yếu hơn, khối lượng cơ bắp trong cơ thể sẽ giảm dần, như những gì xảy đến với các phi hành gia trong tình trạng không trọng lực.

Liên lạc với Trái Đất

Các phi hành gia đầu tiên đặt chân xuống sao Hỏa sẽ phải đối mặt với cảm giác bị cô lập và cô đơn chưa từng trải qua. Nếu muốn liên lạc với người Trái Đất, họ sẽ phải làm quen với thực tế là ánh sáng phải mất trung bình 12,5 phút để di chuyển giữa hai nơi. Một cuộc trò chuyện với người trên Trái Đất sẽ mất ít nhất 25 phút. Nếu đường truyền lỗi hoặc gặp sự cố, họ sẽ hoàn toàn cô đơn.

nhung-thu-thach-tren-chang-duong-chinh-phuc-sao-hoa-2

Phi hành gia có thể bị teo cơ bắp vì trọng lực yếu ở Sao Hỏa. Ảnh: Twitter.