Hiện nay, thuốc nam đang thực sự lép vế trước thuốc tây. Điều này là do một số nguyên nhân.

PGS-TS Trần Văn Ơn, Đại học Dược Hà Nội.

Thứ nhất, dân ta vẫn có thói quen chuộng thuốc tây hơn thuốc nam bởi nhận thức lệch lạc, miệt thị, coi thường - hậu quả từ những chiến dịch chèn ép thuốc bản địa của thực dân Pháp khi còn đô hộ Việt Nam. Họ cho rằng thuốc nam là thuốc của lang băm, dùng thuốc nam không an toàn. Điều này hoàn toàn không đúng, bởi hàng trăm năm trước, khi chưa có sự xuất hiện của thuốc tây, các thầy lang vẫn bốc thuốc chữa bệnh cho dân.

Bên cạnh đó, thuốc tây được các hãng dược đưa vào Việt Nam thử nghiệm lâm sàng trong điều kiện Việt Nam thì được các bác sỹ đón nhận hơn là thuốc nam - được phát triển từ mô hình bản địa, do doanh nghiệp bản địa nghiên cứu - đưa vào thử nghiệm lâm sàng.

Điều này cũng dễ hiểu bởi đưa thuốc nam vào thử nghiệm lâm sàng, các bác sỹ không được lợi, lại mạo hiểm bởi dễ bị "treo dao, treo kéo" nên họ không mặn mà. Vì vậy, thuốc nam đã đuối thế hơn thuốc tây, nay lại càng đuối.

Để khắc phục tình trạng này, từ đó phát triển nền dược liệu Việt Nam, với vai trò của cơ quan quản lý, Bộ Y tế cần chỉ định những đơn vị cụ thể tham gia thử nghiệm lâm sàng, chứ không phải đơn vị nào thích làm là làm.

Thứ hai, các quy định về lâm sàng với thảo dược cần phải được lược bớt hơn nữa, bởi một loại thuốc tây mới đồng nghĩa với hoạt chất mới, chưa từng có trước đây nên cần có xác suất rủi ro; nhưng với thảo dược, nhiều loại thuốc đã được dân sử dụng từ rất lâu, nếu yêu cầu quá ngặt nghèo sẽ khiến các nhà khoa học và doanh nghiệp chán nản.

Bên cạnh đó, các bác sỹ, thầy giáo dạy y dược cũng cần tham gia tích cực vào quá trình hồi sinh thuốc nam. Thay vì đưa các bài thuốc của Trung Quốc ra để dạy học sinh, các thầy nên thay thế những vị thuốc bắc bằng vị thuốc nam - điều được đúc rút từ hàng nghìn năm thông qua kinh nghiệm thực tiễn - trong các bài giảng của mình.