Các thành phố duyên hải của Mỹ như Miami hay New Orleans có nguy cơ bị nhấn chìm do nước biển dâng vào đầu thế kỷ 22.

Lời cảnh báo trên được đưa ra trong một nghiên cứu đăng trên ấn phẩm của Viện Khoa học quốc gia Mỹ số ra ngày 12/10. Nghiên cứu này do Phó Giám đốc phụ trách các vấn đề liên quan đến tác động của khí hậu và nước biển dâng tại Trung tâm Khí hậu của Mỹ Ben Strauss cùng nhà khoa học nghiên cứu về khí hậu thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) James Hansen thực hiện.

Theo ông Strauss, từ bây giờ đến năm 2100, nếu không mạnh tay hạn chế việc đốt nhiên liệu hóa thạch, mức tăng của nước biển toàn cầu sẽ trong mức 4,3 - 9,9m. Các chuyên gia lo ngại rằng tình trạng này có thể diễn ra sớm nhất vào đầu thế kỷ 22 hoặc muộn nhất trong nhiều thế kỷ nữa.

Mô phỏng tình trạng ngập lụt ở một thành phố ven biển của Mỹ, trong tình huống
nước biển dâng

Thực trạng đáng lo ngại này sẽ tác động đến cuộc sống của hơn 20 triệu người Mỹ tại các khu vực duyên hải, trong đó có nhiều thành phố biểu tượng của Mỹ. Nghiên cứu này đã đưa ra mốc thời gian nhất định đối với một số thành phố của Mỹ, theo đó nếu qua mốc này, những tác động tích tụ từ khí thải carbon sẽ dẫn đến tình trạng nước biển dâng trong dài hạn, và có thể nhấn chìm diện tích sinh sống của hơn một nửa dân số của thành phố đó.

Cụ thể, thành phố cảng Norfolk, bang Virginia, đến năm 2045 có thể đối mặt với tình trạng này do lượng khí thải vượt tầm kiểm soát. Viễn cảnh tương lai tồi tệ nhất chính là thành phố New York khi đến năm 2085 có thể bị đổi tên thành "thành thành phố không đáng sống" do nước biển dâng.

Trong khi đó, bang Florida là nơi có nhiều thành phố nhất phải hứng chịu tác động từ nước biển dâng. Khoảng 40% dân số của bang này đang sống tại khu vực có nguy cơ bị tác động mạnh. Ba bang khác của Mỹ bị ảnh hưởng nhiều nhất là California, Louisiana và New York.

Trước mối đe dọa này, nghiên cứu cho rằng biện pháp mạnh như giảm lượng khí thải carbon dự kiến trong năm 2050 xuống gần các mức trong năm 1950 có thể tạo ra sự khác biệt.