Hôm 26/12, Nhật Bản tuyên bố rút khỏi Ủy ban Cá voi Quốc tế (IWC) và có kế hoạch tiếp tục đánh bắt cá voi cho mục đích thương mại vào năm tới.

Nhật Bản hiện đang săn bắt cá voi theo chương trình săn bắt cho mục đích khoa học được IWC chấp thuận. Nhưng tại cuộc họp tháng 9 của IWC, chương trình này bị lên án gay gắt với cáo buộc rằng đây là hoạt động thương mại trá hình; đồng thời IWC cũng phản đối những đề xuất của Nhật trong việc cho phép săn bắt cá voi thương mại có kiểm soát. Phái đoàn của Nhật tại sự kiện này đã tỏ ra rất thất vọng và ám chỉ việc rời IWC.

Trong nhiều năm, Nhật Bản cho biết chỉ săn bắt cá voi dành cho nghiên cứu khoa học. Ảnh: Sciencemag.

Quyết định chính thức rút khỏi IWC được Nhật Bản đưa ra ngày 26/12. Nhật Bản chấm dứt chương trình săn bắt cá voi cho mục đích khoa học nhưng sẽ tiến hành săn bắt cá voi thương mại.

IWC là một trong những tổ chức quốc tế lâu đời nhất thế giới (thành lập năm 1946), được thành lập vài năm sau Liên Hợp Quốc. Nhật Bản gia nhập tổ chức này vào năm 1951.

Chính phủ Nhật cho biết họ sẽ rời khỏi IWC với tư cách là thành viên, chính thức vào tháng 7 năm 2019. Thông báo chính thức được đưa ra vào ngày 26/12, nhưng các phương tiện truyền thông Nhật Bản đã đưa tin về vấn đề này từ tuần trước.

Trong một thông báo bằng tiếng Nhật được đăng bởi thư ký văn phòng nội các của thủ tướng, Yoshihide Suga, chính phủ nói rằng quyết định của họ được đưa ra dựa trên lý luận khoa học hợp lý và vì lợi ích "sử dụng bền vững tài nguyên biển".

"Trong khi rút khỏi IWC, suy nghĩ của quốc gia chúng ta về mặt hợp tác với quản lý tài nguyên biển quốc tế không thay đổi", Suga nói. "Chúng ta sẽ tham gia IWC với tư cách là người quan sát, và trong khi duy trì mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, quốc gia của chúng ta sẽ tiếp tục đóng góp cho việc quản lý tài nguyên cá voi dựa trên các nguyên tắc khoa học."

Quyết định này được đưa ra sau khi Nhật Bản dọa sẽ rút khỏi IWC vào đầu năm nay. Trước đây, Tokyo đã đưa ra những lời dọa tương tự, nhưng vào tháng 9 vừa qua, tại cuộc họp chính thức của IWC tại Brazil, phái đoàn Nhật Bản mới ám chỉ khá rõ ràng về việc rời IWC.

Chính phủ New Zealand và Úc bày tỏ vui mừng rằng chiến dịch săn bắt cá voi ở Nam Đại Dương sẽ chấm dứt, nhưng thúc giục Nhật Bản tiếp tục với tư cách là thành viên IWC đầy đủ.

Các nhóm bảo tồn đã phản ứng giận dữ với quyết định của Tokyo. Sự rút lui của Nhật Bản sẽ giáng một đòn mạnh vào tài chính đối với IWC vì quốc gia này là nước đóng góp lớn thứ hai cho cơ quan quản lý cá voi quốc tế, sau Hoa Kỳ.

"Sự phớt lờ nguyên tắc của nhiều bên là không thể chấp nhận và rất đáng lo ngại", nhà vận động Nathaniel Pelle, tổ chức môi trường Greenpeace Australia, nói. "Đây là một sai lầm nghiêm trọng và Greenpeace kêu gọi Nhật Bản xem xét lại quyết định của mình."

Cuộc chia tay giữa IWC và Nhật Bản là đỉnh điểm của sự khác biệt lớn về tư duy giữa các quốc gia chống săn bắt cá voi và các quốc gia mong muốn công nhận các hoạt động săn bắt cá voi thương mại có kiểm soát là hợp pháp. Các lực lượng chống săn bắt cá voi vẫn đang chiếm ưu thế, mặc dù những năm gần đây đã có thêm những quốc gia ủng hộ săn bắt cá voi gia nhập IWC.

Tại cuộc họp ở Brazil tháng 9 vừa qua, Nhật Bản đã cố gắng thúc đẩy IWC tiến tới những cải cách có khả năng mở đường cho việc tiếp tục hoạt động săn bắt cá voi thương mại. IWC ban đầu được thành lập để điều chỉnh việc săn bắt cá voi, nhưng tổ chức này đã thực thi lệnh cấm hoàn toàn đối với các hoạt động săn bắt cá voi thương mại kể từ những năm 1980. Đây là nỗ lực vào phút chót nhằm ngăn chặn sự tuyệt chủng của một số loài cá voi. Nhiều loài cá voi đã hồi phục trong một mức độ nhất định, nhưng một số ít vẫn được coi là có nguy cơ tuyệt chủng.

Những thúc đẩy cải cách của Nhật Bản tại IWC không được ủng hộ.

Thay vào đó, phần lớn các thành viên đã bỏ phiếu để IWC tiếp tục chống lại với việc săn bắt cá voi thương mại. Phán quyết này đồng thời cũng lên án các hoạt động săn bắt cá voi cho mục đích khoa học của Nhật Bản; một hoạt động được coi là hoạt động thương mại trá hình vì đội tàu săn cá voi của Nhật Bản bắt hàng trăm con cá voi mỗi năm và thịt của số cá voi này cuối cùng vẫn xuất hiện ở các siêu thị và nhà hàng.

Một trong số ít hoạt động săn cá voi được IWC chấp thuận là săn bắt cá voi phục vụ sinh kế cho các cộng đồng thổ dân Bắc Cực.

Phái đoàn lớn của Nhật Bản tại Brazil tỏ ra rất thất vọng. Chính phủ Nhật cáo buộc các thành viên IWC đạo đức giả: miễn trừ lệnh cấm đối với các nhóm bản địa Alaska và Nga, nhưng không miễn trừ cho các nền văn hóa săn bắt cá voi của Nhật Bản và Scandinavi.

Nguồn: