Các nhà khoa học thuộc Đại học Concordia, Canada đã tìm ra nguyên nhân xuất hiện “vùng chết” - khu vực bên trong, có nhiệt độ thấp và thiếu hụt không khí trầm trọng - của vòi rồng.
Theo tác giả chính của nghiên cứu, nhà khoa học Georgis Vatistas giải thích: “Các túi khí (là sự đan xen giữa các dòng khí lên và xuống trong một môi trường hỗn loạn) di chuyển từ ngoại vi vòi rồng tới trung tâm, do đó chúng ngày càng mở rộng ra. Đây là nguyên nhân khiến nhiệt độ và lượng không khí ngày càng giảm”.
Ông cũng cho biết nhóm nghiên cứu của ông “lần đầu tiên trong lịch sử có thể tìm ra được nguyên nhân nhiệt độ giảm bên trong vòi rồng”.
Theo các mô hình trên máy tính do các nhà khoa học tạo ra, nhiệt độ ở trong vòi rồng giảm từ 27 độ C xuống 12 độ C, và ở trung tâm vòi rồng, lượng không khí bị giảm xuống còn 20%, thấp hơn cả lượng không khí đo được ở một độ cao 8.000m.
Kết quả này đã giúp giải đáp rất nhiều câu hỏi có liên quan tới vòi rồng được ghi nhận vào năm 1955 ở thành phố Scottsbluff, Nebraska (Mỹ) , khi nhân chứng của vụ này cho biết khi vòi rồng đi qua, khí hậu xung quanh họ bỗng nhiên thay đổi. Nhiệt độ đang ở giữa mùa hè ấm áp bỗng trở nên lạnh dần, thậm chí họ còn thấy rét sâu.
Bên cạnh đó, họ cũng cảm thấy ngột ngạt, khó khăn khi hít thở, cảm giác như áp suất không khí giảm mạnh, khiến lượng oxy trong không khí cũng không cánh mà bay.
Hiền Thảo (theo Lenta)