Cách hệ Mặt Trời khoảng 40 năm ánh sáng, 3 hành tinh xoay quanh một ngôi sao lạ có những điều kiện cần thiết để sự sống có thể phát triển.
TRAPPIST-1, tên của ngôi sao lạnh do các nhà thiên văn của Đại học Liege tại Bỉ phát hiện, nhỏ hơn, lạnh hơn và đỏ hơn so với mặt trời. Nó cách Thái Dương Hệ khoảng 40 năm ánh sáng và thuộc chòm sao Aquarius.
Trong quá trình nghiên cứu TRAPPIST-1, nhóm chuyên gia thiên văn nhận thấy độ sáng của nó thường giảm theo chu kỳ đều đặn. Thực tế đó cho thấy nhiều hành tinh xoay xung quanh ngôi sao lạnh. Khi tìm hiểu kỹ hơn, họ phát hiện 3 hành tinh di chuyển xung quanh nó.
Hai hành tinh gần ngôi sao hơn nhận lượng bức xạ gấp lần lượt 2 và 4 lần so với địa cầu. Với lượng nhiệt lớn như thế, chúng không thể nuôi dưỡng sự sống. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận nhiệt độ tại một số vùng trên hai hành tinh có thể phù hợp để sự sống phát triển. Họ chưa tìm ra quỹ đạo của hành tinh thứ ba, song dự đoán nó nhận lượng bức xạ nhỏ hơn so với địa cầu. Mặc dù vậy, nhiệt độ trên bề mặt của nó vẫn có thể tạo điều kiện cho sự sống phát triển.
TRAPPIST-1 có kích cỡ gần bằng sao Mộc và các hành tinh của nó cũng di chuyển giống các vệ tinh của sao Mộc.“Với thời gian xoay quanh quỹ đạo rất ngắn, khoảng cách giữa các hành tinh của TRAPPIST-1 ngắn hơn từ 20 tới 100 lần so với cự ly giữa mặt trời và trái đất”, Michael Gillion, trưởng nhóm nghiên cứu, nhận xét.
Gillion và các đồng nghiệp hy vọng họ có thể tìm thấy dấu vết sự sống bằng cách phân tích khí quyển của 3 hành tinh. Thông thường, phân tích khí quyển của các hành tinh ngoài hệ Mặt Trời là việc khó bởi ánh sáng mạnh từ các ngôi sao cản trở nỗ lực quan sát của các nhà khoa học. Tuy nhiên, do ánh sáng của những ngôi sao lạnh như TRAPPIST-1 khá yếu nên việc phân tích bầu khí quyển của 3 hành tinh xoay quanh nó có thể khả thi.
Minh Phong