Nghiên cứu tác động của ô nhiễm lên chuỗi thức ăn, từ những loài sinh vật nhỏ bé cho tới con người, sẽ giúp đem lại các lời khuyên hữu ích cho cộng đồng và khuyến nghị chính sách phù hợp cho các nhà quản lý.

TS Đinh Văn Khương.

TS Đinh Văn Khương.

Vì vậy, KH&PT trao đổi với TS Đinh Văn Khương, nhà nghiên cứu sinh vật học và môi trường ĐH Nha Trang, học giả khách mời của Quỹ Khoa học quốc gia Mỹ (NSF) về vấn đề đầu tư cho hướng nghiên cứu này ở Việt Nam sao cho hiệu quả và kịp thời cập nhật thông tin cho xã hội.

Trước một số vấn đề nóng về ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường lên con người và sinh vật, thường công chúng mong chờ sự lên tiếng từ giới chuyên môn. Nhưng ở Việt Nam dường như vẫn còn thiếu các tiếng nói đó, khiến cộng đồng thường hiểu lầm và các nhà làm chính sách lúng túng.

Theo quan sát của tôi, đứng trước một sự cố môi trường lớn, không chỉ cơ quan quản lý, mà tất cả các bên đều lúng túng trong xử lý. Bởi khi chưa có một nguồn thông tin đầy đủ, mang tính tổng thể và toàn diện, thì ý kiến của từng nhà khoa học thường dựa vào các sự cố môi trường ở các địa điểm cụ thể, các nước khác nhau và sẽ dẫn tới tình trạng mỗi người đưa ra một ý kiến dựa trên kinh nghiệm riêng. Điều này làm cho những nhà quản lý có thể nhận được hàng trăm ý kiến khác nhau cho cùng một sự cố môi trường. Mỗi ý kiến có thể đúng vài phần và trong nhiều trường hợp không khác gì câu chuyện “thầy bói xem voi” khi ai cũng cho mình đúng. Trong những tình huống như vậy, điều quan trọng nhất là nhà quản lý phải tập hợp được những nhà khoa học giỏi để có năng lực thực hiện các phân tích hiện trường, tổng hợp số liệu và tổng hợp các ý kiến đóng góp từ cộng đồng để có được những đánh giá tổng thể trong thời gian nhanh nhất, đưa ra những giải pháp xử lý tức thời và dài hạn.

Một điểm nữa cần nhấn mạnh ở đây rằng, trong quá trình các nhà khoa học đang nghiên cứu xử lý các sự cố và tìm giải pháp, cần có đội ngũ truyền thông tốt để đưa thông tin tới cộng đồng. Trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay, nhu cầu thông tin từ cộng đồng là rất lớn. Vì vậy, quá trình nghiên cứu xử lý sự cố môi trường càng minh bạch bao nhiêu, thông tin chuẩn xác được truyền tải tới cộng đồng nhanh bao nhiêu thì sẽ giúp cho dư luận bớt lo lắng và tin vào những luồng thông tin giả bấy nhiêu.

Ngay cả khi không gặp sự cố môi trường thì nhà quản lý vẫn cần cập nhật thông tin từ nhà khoa học?

Đúng vậy, ngay cả khi không có sự cố thì họ cũng cần sự cập nhật thông tin từ phía các nhà nghiên cứu một cách liên tục. Bởi vì nếu thiếu thông tin khoa học từ các nghiên cứu cơ bản trong nước, những nhà quản lý có thể buộc phải dựa trên một số chính sách đã có từ các nước như Mỹ, Nhật hoặc EU, FAO, UNEP để xây dựng các chính sách cho Việt Nam. Khi làm nghiên cứu, chúng tôi thường so sánh tiêu chuẩn của EU, Mỹ, Việt Nam, thì thấy thông thường các số liệu của Việt Nam sẽ giống họ hoặc tăng, giảm một đôi chút, nhưng chúng tôi cũng không biết việc tăng giảm như vậy có dựa trên một cơ sở khoa học/nghiên cứu trực tiếp nào không.

Nếu dựa trên tiêu chuẩn, tiêu chí của nước ngoài thì cái lợi là mình có thể tận dụng kinh nghiệm của các nước đã làm rất bài bản, giúp tiết kiệm thời gian trong việc đưa ra chính sách mới. Nhưng cái dở nhất là điều kiện của Việt nam rất khác so với các nước mình đang học theo chuẩn đó. Ví dụ, điều kiện khí hậu miền Bắc và miền Nam, vùng núi cao, Tây Nguyên cũng có những điểm khác biệt căn bản, khu hệ động thực vật và vi sinh vật cũng khác nhau. Do đó, sinh vật này có mức độ nhạy cảm khác nhau với các yếu tố môi trường và ô nhiễm môi trường. Trong những nghiên cứu lớn ở quy mô châu lục mà chúng tôi có tham gia thì các loài ở Việt Nam có độ nhạy cảm cao hơn các loài ôn đới do chu trình sống của chúng rất ngắn, tốc độ trao đổi chất rất nhanh, nên khi chất độc vào trong cơ thể ảnh hưởng lên động vật rất nhanh, từ đó ảnh hưởng lên cả chuỗi thức ăn.

Các nhà nghiên cứu trong nước đã có nhiều đề xuất, giải pháp cụ thể với nhà quản lý chưa? Từ công bố đến chỗ đưa các giải pháp cho các nhà làm chính sách thì cần có những định hướng, hoạt động nào nữa?

Có lẽ không có ranh giới như vậy, chính xác hơn thì công bố là bước đầu tiên để đưa kết quả nghiên cứu khoa học đến với giới khoa học, những người làm chính sách và công chúng. Trong các công bố khoa học về môi trường, nhiều nghiên cứu có đưa ra giải pháp hoặc những kiến nghị cụ thể về ứng dụng của kết quả nghiên cứu trong việc đánh giá rủi ro môi trường (environmental risk assessments - ERAs) hoặc các hướng tiếp theo trong tương lai để hoàn thiện hơn ERAs.

Chẳng hạn, một trong những công bố rất quan trọng vào năm 2012 của các nhà khoa học Đức cho thấy, nồng độ thuốc trừ sâu kể cả thấp hơn ngưỡng an toàn theo EU quy định cũng đã làm mất tới 42% đa dạng sinh học ở các vùng nông nghiệp chứ không phải đợi tới lúc tìm được nồng độ hóa chất cao vượt ngưỡng. Đây là vấn đề thách thức cả giới khoa học và quản lý để tìm ra cách quản lý môi trường sao cho tốt nhất để bảo vệ chất lượng đất nước và tài nguyên sinh vật. Việc cập nhật và hoàn thiện ERAs khi có các thông tin đầy đủ và cập nhật hơn là điều cần làm liên tục khi mỗi ngày hàng ngàn hóa chất mới được tạo ra và điều kiện khí hậu đang có những thay đổi bất thường.

Nhiễm độc kim loại đồng ở mức dưới vài lần so với ngưỡng cho phép của Việt Nam đã làm suy giảm 60-70% lượng giáp xác chân chèo, sẽ dẫn đến suy giảm nghiêm trọng nguồn thức ăn của tôm cá, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản.
Nhiễm độc kim loại đồng ở mức dưới vài lần so với ngưỡng cho phép của Việt Nam đã làm suy giảm 60-70% lượng giáp xác chân chèo, sẽ dẫn đến suy giảm nghiêm trọng nguồn thức ăn của tôm cá, ảnh hưởng tới nguồn lợi thủy sản.

Hay ở Việt Nam, tôi lấy ví dụ về một vấn đề mà tôi đang làm là nghiên cứu về ảnh hưởng của ô nhiễm kim loại đồng lên một loài động vật rất nhỏ bé là giáp xác chân chèo, chúng tôi phát hiện ra nồng độ ô nhiễm kim loại nặng có hại giáp xác chân chèo thấp hơn vài lần so với ngưỡng được coi là an toàn cho môi trường nước nuôi thủy sản ở Việt Nam (hiện nay quy định là 0.2mg/L). Ở nồng độ này, 60-70% giáp xác chân chèo bị chết, trong khi đây là nguồn thức ăn chính cho tôm cá ở biển, nếu mất nó thì sẽ mất luôn cả tôm cá.

Nhưng giới làm chính sách cần được cung cấp thông tin một cách dễ hiểu và trực quan?

Chúng tôi hiểu điều này. Các nhà nghiên cứu đều hiểu với nhau rằng, để đánh giá có hại hay không có hại, chính xác đâu là điểm ”tipping point” - ranh giới có hại hay không, thì khó, vì nó thay đổi theo từng thời điểm, từng vùng rủi ro, và người làm chính sách thì chỉ cần nắm con số định lượng được để đưa ra một tiêu chuẩn về chất lượng môi trường. Chính vì thế, thông thường ở các nước có một ban chuyên trách về môi trường (EPA, có thể trực thuộc Bộ Môi trường hoặc độc lập tùy theo từng nước), có năng lực chuyên môn tốt để cập nhật, tổng hợp các công bố khoa học và đưa ra kết luận. Các nhà khoa học đầu ngành sẽ được mời về làm trưởng ban này. Trước khi đưa ra các chính sách, EPA cũng thường tham vấn (hoặc thuê) các chuyên gia môi trường có uy tín trong chuyên ngành để có những góp ý chuyên sâu.

Và có lẽ Việt Nam đã có đầy đủ ban ngành, có cơ quan chuyên trách phụ trách việc tổng hợp thông tin nghiên cứu nhưng tôi nhấn mạnh là EPA ở các nước tập hợp các khoa học giỏi có uy tín trong ngành. Nếu chỉ là một ban mang tính chất hành chính thì các chính sách đó khó có thể phản ánh hết được những vấn đề môi trường mà chỉ có những nhà khoa học mới có thể hiểu về sự phức tạp của các diễn biến môi trường.

Các cơ quan quản lý nhà nước có đặt ra các bài toán lớn, dài hơi cho các nhà khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đánh giá về vi sinh vật và ô nhiễm môi trường không?

Ở Việt Nam, các nghiên cứu thường kéo dài 2-3 năm và giải quyết một vấn đề môi trường cụ thể. Cách thức tổ chức nghiên cứu ngắn hạn như vậy thường tạo ra các thông tin khoa học rời rạc và khó có thể tổng hợp, hình thành nên những bức tranh toàn cảnh về vấn đề môi trường ở Việt Nam. Nhìn sang các nước phát triển mà tôi đang có điều kiện tham gia nghiên cứu, tôi thấy điểm giống nhau là các chương trình cũng chỉ trong khoảng thời gian 2-5 năm tuy nhiên điểm khác biệt là sau khi đã hoàn thành pha đầu tiên thì các nhà khoa học sẽ có những cơ hội lớn để theo đuổi các pha nối tiếp. Trong khi đó ở Việt Nam hết pha đầu tiên rồi có thể sẽ lại đấu thầu từ đầu, mà cái dở nhất của đấu thầu là ý tưởng nghiên cứu của một nhà khoa học nhưng có thể người trúng thầu lại là một nhà khoa học khác, có thể dẫn đến hiệu quả không ở mức cao nhất.

Để cải thiện điều đó trong bối cảnh tiềm lực còn hạn chế, Việt Nam nên ưu tiên gì?

Tôi nghĩ, phải có các chiến lược đầu tư nghiên cứu bài bản, dài hơi, thúc đẩy các nhóm nghiên cứu mạnh. Nhưng việc này cũng vấp phải một vấn đề không dễ giải quyết trong một sớm một chiều, đó là hiện nay hầu như rất ít nhà nghiên cứu trong lĩnh vực sinh vật và môi trường thực hiện và công bố các nghiên cứu có chất lượng, còn nhóm nghiên cứu mới thì rất manh nha. Ba năm nay tôi tìm kiếm ứng viên tham gia nhóm nghiên cứu để làm nghiên cứu sinh nhưng không tuyển được một người nào là bạn biết khó tìm tới mức nào. Do đó, đã đến lúc cần phải có lộ trình thúc đẩy có chọn lọc để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh với các nghiên cứu công bố có chất lượng. Những nhóm nghiên cứu này là những hạt nhân để thực hiện được các nghiên cứu dài hơi, có ích cho cộng đồng và đưa ra khuyến nghị tốt để ứng phó với các vấn đề môi trường.

Mặt khác, với các nghiên cứu hiện có, Việt Nam cần xây dựng một cơ sở dữ liệu khoa học về các nghiên cứu môi trường như EPA của Mỹ hay của các nước EU đang làm. Cơ sở dữ liệu khoa học này cần phải để ở chế độ truy cập mở, cập nhật thường xuyên các dữ liệu mới từ các nghiên cứu mới xuất bản. Dữ liệu có hai phần: một phần là tập hợp các thông tin được xuất bản, hai là tổng hợp các thông tin đấy theo từng vấn đề, ví dụ cần tìm nghiên cứu chì thì sẽ có hàng loạt các thông tin mang tính tổng hợp về việc đã có những nghiên cứu nào, ở nồng độ chất độc bao nhiêu thì tác động tới loài nào, mức độ tác động gây chết (lethal effects) hay làm giảm sức sinh trưởng, sinh sản, rối loạn tập tính (sublethal effects), ai là tác giả... để cho các nhà nghiên cứu lựa chọn thông tin đi sâu hơn để đối chiếu. Ví dụ, https://envirotoxdatabase.org/ là một cơ sở dữ liệu khoa học mới về độc học môi trường với nhiều thông tin giá trị. Tôi nghĩ với điều kiện công nghệ thông tin hiện nay thì không quá khó để việc xây dựng một cơ sở dữ liệu như vậy riêng cho các nghiên cứu dựa trên các điều kiện cụ thể ở Việt Nam.

Cảm ơn anh về cuộc trao đổi!

Ở nhiều nước, giới khoa học có thể đưa ra dự báo từ giờ tới cuối thế kỷ lượng CO2 sẽ tăng lên đến mức nào. Tại sao họ có được điều ấy? Vì có một cơ sở dữ liệu rất tốt từ đầu thế kỷ cho tới giờ, dựa trên xu thế của quá khứ các nhà khoa học mới lập được mô hình cho tương lai. Ngược lại, nhìn vào tình hình ở Việt Nam, nếu không có các thông tin liên tục mà chỉ có thông tin gián đoạn thì rất khó có bức tranh tổng thể, đánh giá đủ chi tiết về không gian và cả về thời gian.

Do đó, rất cần đầu tư cho những chương trình quan trắc môi trường dài hạn cho từng khu vực đặc trưng về phát triển công, nông nghiệp, thủy sản, từng vùng thời tiết khí hậu và địa động thực vật. Ngay cả trên thế giới, các chính sách lớn ngày nay cũng thường dựa trên các nghiên cứu được thực hiện từ 20-30 năm, nó là cơ sở cho các nhà quản lý cập nhật thông tin liên tục để đưa ra chính sách mới tốt hơn, quản lý môi trường hiệu quả hơn.

TS. Đinh Văn Khương