Một nhà khoa học Nga tuyên bố đã thành công trong việc thử nghiệm một loại động cơ có khả năng vô hiệu hóa trọng lượng của các vật chuyển động, cho tốc độ di chuyển có thể lên tới 1.000 km/giây.
|
Tiến sĩ Vladimir Leonov đang nghiên cứu động cơ phản hấp dẫn. Ảnh:Leonov-laboratory
|
Đây là nghiên cứu của nhà khoa học Vladimir Leonov, người từng đạt Giải thưởng Nhà nước Liên bang Nga, cũng là tác giả của nhiều nghiên cứu về lý thuyết siêu hợp nhất (superunification). Ông giới thiệu về thử nghiệm này trên trang web về lý thuyết siêu hợp nhất của mình.
Các động cơ đẩy hiện nay đều hoạt động dựa trên nguyên lý phản lực. Lực đẩy vật thể về phía trước luôn phải đi kèm với sự phóng ra một khối lượng vật chất tương ứng về phía sau. Chuyển động cơ học cũng cần có các cơ cấu truyền động, trên nguyên tắc cũng là sử dụng phản lực để di chuyển.
Theo Leonov, động cơ phản hấp dẫn, hay còn gọi là động cơ lượng tử, hoạt động dựa trên lý thuyết siêu hợp nhất, coi chân không là môi trường đàn hồi lượng tử hóa (không thời gian lượng tử hóa), có thể đẩy một vật thể chuyển động mà không cần phóng vật chất về hướng ngược lại. Đây là lý thuyết đầu tiên mô tả cấu trúc của một môi trường không trọng lượng là chân không. Lực đẩy phản hấp dẫn được tạo ra từ bên trong của vật thể mang động cơ này.
Động cơ lượng tử được các nhà khoa học Nga thử nghiệm thành công năm 2009, với động cơ có thể sinh ra một lực đẩy ngang có cường độ khoảng 500 N mỗi xung. Đến đầu năm 2014, sau nhiều cải tiến, với thiết bị nặng 54 kg, động cơ có thể tạo ra lực đẩy theo phương thẳng đứng với cường độ 5.000 – 7.000 N mà chỉ tiêu thụ một kW và gia tốc đạt 10 – 12 m/s2.
Những thí nghiệm này chứng minh lực hấp dẫn đã được trung hòa, xác nhận tính đúng đắn của lý thuyết siêu hợp nhất. Để so sánh, với cùng công suất 1 kW, động cơ tên lửa hiện nay chỉ có thể tạo ra một lực đẩy 1 N, nghĩa là động cơ mới có hiệu suất gấp 5.000 lần.
Theo Lebanov, động cơ tên lửa thông thường có trọng lượng 100 tấn chỉ chở được tải trọng có ích khoảng 5 tấn (hiệu suất 5%), còn động cơ lượng tử trọng lượng 100 tấn có thể chở được 90 tấn hàng (hiệu suất 90%).
|
Mô phỏng xe tăng lắp động cơ phản vật chất. Ảnh: Theory of super unification
|
Tốc độ tối đa của thiết bị gắn động cơ phản vật chất có thể lên tới 1.000 km/giây, nghĩa là tàu vũ trụ có thể bay tới sao Hỏa trong vòng 42 giờ, và tới Mặt Trăng chỉ mất 3,6 giờ. Thời gian di chuyển bằng máy bay có lắp động cơ phản hấp dẫn giữa Moscow và New York sẽ giảm từ 10 giờ xuống còn một giờ.
Năng lượng cung cấp cho động cơ đến từ phản ứng nhiệt hạch lạnh (CNF). Theo kỹ sư người Ý, Andrea Rossi, với nhiên liệu nickel, hiệu quả chuyển đổi năng lượng cao hơn nhiên liệu hóa học một triệu lần.
Nói cách khác, một kg nickel cho năng lượng tương đương một triệu kg xăng. Máy bay sẽ chỉ cần nạp năng lượng một lần để bay trong vài năm. Theo Leonov, nếu trang bị công nghệ này cho ôtô, xe có thể chạy trên mọi địa hình, kể cả mặt nước. Khi đó, một kg nhiên liệu nickel sẽ đủ cho xe chạy quãng đường 10 triệu km.
"Đẩy mạnh khoa học kỹ thuật là con đường phát triển sống còn của Nga hiện nay", tiến sĩ Leonov nói trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Nga hồi đầu năm. "Nền kinh tế của chúng ta chủ yếu dựa vào việc bán tài nguyên hóa thạch, do đó bị các chính sách trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng nặng nề".
"Tuy nhiên, những biện pháp trừng phạt này có vẻ như đã làm thức tỉnh nước Nga. Chúng ta buộc phải hiện đại hóa và nhanh chóng phát triển kinh tế trong khoảng 2-3 năm. Đặng Tiểu Bình bắt đầu công cuộc hiện đại hóa Trung Quốc lúc đã74 tuổi, trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đương thời rất khó khăn. Còn Putin mới có 62 tuổi thôi".