NASA tìm ra hệ mặt trời quanh ngôi sao Epsilon Eridani chỉ cách Trái Đất 10 năm ánh sáng được cho là phiên bản cổ đại của Thái Dương hệ.

nasa-phat-hien-ban-sao-he-mat-troi-cach-trai-dat-10-nam-anh-sang

Epsilon Eridani có nhiều đặc điểm giống hệ Mặt Trời. Đồ họa: NASA.

Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết đã phát hiện hệ sao Epsilon Eridani có nhiều điểm tương đồng với hệ Mặt trời, đồng thời ở khoảng cách khá gần với Trái Đất, theo Independent.

Phát hiện này có ý nghĩa rất lớn, cung cấp thêm cái nhìn về quá trình hình thành các hành tinh trong hệ Mặt Trời. Epsilon Eridani được tìm thấy ở chòm sao Eradinus, cách Trái Đất khoảng 10 năm ánh sáng, được cho là phiên bản thời trẻ của hệ Mặt Trời.

Tuổi thọ Epsilon Eridani chỉ bằng 1/5 Mặt Trời. Các hành tinh quay quanh ngôi sao này đang trải qua quá trình biến động địa chất, tương tự những gì xảy ra với hệ Mặt Trời trong giai đoạn mới hình thành. Đây là thời điểm Mặt Trăng hình thành các hố thiên thạch lớn, nước tích tụ trong đại dương Trái Đất, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho sự sống.

Dữ liệu từ Đài thiên văn hồng ngoại trên tầng bình lưu (SOFIA) cho thấy Epsilon Eridani được bao quanh bởi hai cấu trúc, một đĩa trong và một đĩa ngoài, cùng khoảng trống dường như được tạo ra bởi các hành tinh. SOFIA đặt trên một máy bay, có khả năng chụp ảnh chi tiết bằng cách nhắm vào những ngôi sao ở xa. Các nhà thiên văn giám sát hoạt động và chọn dữ liệu hồng ngoại về ngôi sao cần nghiên cứu.

Để khám phá khoảng trống giữa hai cấu trúc đĩa, giới thiên văn sẽ cần tới thiết bị mới như kính thiên văn vũ trụ James Webb của NASA, dự kiến triển khai tháng 10/2018.

Những điều này có thể giúp các nhà thiên văn nhìn vào quá khứ cổ đại của Trái Đất và các hành tinh khác. Mục đích cuối cùng là để hiểu về cấu trúc đĩa của Epsilon Eridani, cũng như tương tác của nó với các hành tinh. SOFIA là thứ gần giống cỗ máy thời gian nhất mà con người có để nhìn vào quá khứ cổ đại của Trái Đất.