Năm 1995, khi lần đầu đặt chân đến Đại học Texas A&M, nhà sinh học thực vật Keerti Rathore đã đặt ra một mục tiêu cụ thể trong đầu: biến bông thành loại cây trồng có thể ăn được. Và đến nay, có vẻ như ông này đã thành công.
Theo Reuters, vào hôm 16/10, Cục Kiểm dịch Sức khỏe Động vật và Thực vật của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã gỡ bỏ các quy định về rào cản đối với loại bông biến đổi gen của Rathore, tức là bất cứ ai cũng có thể trồng nó. Điều này thậm chí có thể sẽ mở đường cho loạt hạt bông giàu dinh dưỡng nhưng đắt đỏ xuất hiện trên kệ của hãng thức ăn Whole Foods.
Là một trong những loại cây trồng phổ biến nhất thế giới, ngoài việc cung cấp sợi để sản xuất vải, bông còn cho vô số hạt có kích thước giống như đậu phộng – cứ mỗi pound (khoảng 0,45 kg) sơi bông, người trồng có thể thu được 1,6 kg hạt. Mặc dù có hàm lượng protein rất cao, nhưng không may là hạt bông cũng chứa gossypol – chất hóa học có tác dụng bảo vệ các loài thực vật khỏi sâu bệnh. Do gossypol rất độc hại với con người, Rathore đã giành rất nhiều tâm huyết nghiên cứu để tìm ra phương pháp giúp vô hiệu hóa loại gene tạo gossypol trong hạt bông. Tuy nhiên, chất này vẫn tồn tại ở nhiều bộ phận khác, giúp bảo vệ cây khỏi các tổn hại.
Trả lời phỏng vấn của Reuters, Rathore cho biết, nếu thay thế tất cả cây bông trên thế giới bằng loại có thể ăn được của ông – mà hương vị được cho là giống như hạt đậu xanh, thì chúng ta hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu về protein của khoảng 575 triệu người. Vì thế, Rathore đã hình dung về một tương lai, khi con người sẽ nướng bánh mì hay nhiều loại bánh khác bằng bột từ hạt bông ăn được.
Tuy nhiên, việc Bộ Nông nghiệp Mỹ không cấm trồng loại bông biến đổi gene của Rathore cũng không đồng nghĩa với sự cho phép người dân tiêu thụ hạt của chúng. Do đó, trước khi tìm được đường để đến với bàn ăn của thực khách, loại hạt này vẫn cần phải được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt.
Hải Đăng (Theo Futurism)