Các nhà khoa học cảnh báo “loại virus này sẽ có một thời kỳ hoàng kim” trong những tháng mùa đông tới đây và họ đang nỗ lực chạy các mô hình dự báo để đánh giá về thời gian khó khăn sắp tới. Nhưng vẫn còn nhiều điều mà họ chưa biết.

Ảnh: Afanasiev Andrii
Ảnh: Afanasiev Andrii

Tình trạng nhiễm nhiều loại virus đường hô hấp, bao gồm cả cúm và một số loại coronavirus đạt đỉnh vào mùa đông và giảm vào mùa hè. Các nhà nghiên cứu cho biết còn quá sớm để nói rằng liệu SARS-CoV-2 có trở thành một loại virus theo mùa hay không. Nhưng ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy rằng: sẽ có các đợt bùng phát lớn hơn vào mùa đông, dựa trên những gì đã biết về cách thức lây lan của virus và hành vi của con người trong những tháng lạnh hơn.

Bằng chứng hiện nay

Các thí nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy SARS-CoV-2 thích điều kiện khô, lạnh, đặc biệt là thiếu ánh sáng Mặt trời chiếu trực tiếp. Bức xạ tia cực tím (UV) nhân tạo có thể làm bất hoạt các hạt SARS-CoV-2 ngay cả khi chúng nằm trên bề mặt vật liệu và trong sol khí, đặc biệt là ở nhiệt độ khoảng 40°C. Virus truyền nhiễm cũng bị suy biến nhanh hơn trên các bề mặt trong môi trường ấm hơn và ẩm ướt hơn. Nhưng vào mùa đông, mọi người có xu hướng sưởi ấm ngôi nhà đến khoảng 20°C, không khí khô và không được thông gió tốt, Dylan Morris, một nhà sinh học toán học tại Princeton cho biết. “Điều kiện trong nhà vào mùa đông như vậy thuận lợi cho sự ổn định của virus”.

Mọi người sẽ tiếp xúc với nhau ở trong nhà thường xuyên hơn, những nơi có hệ thống thông gió kém và sẽ làm tăng nguy cơ lây truyền bệnh. Yếu tố mùa “phụ họa” với một động lực chính làm tăng khả năng lây lan là số lượng lớn các ca nhiễm bệnh ở nhiều khu vực khác nhau.

Để đánh giá xem việc nhiễm một loại virus cụ thể có tăng hay giảm theo mùa hay không, các nhà nghiên cứu thường nghiên cứu sự lây lan của nó ở một địa điểm cụ thể, nhiều lần trong năm, và trong nhiều năm. Nhưng hiện tại vẫn chưa có đủ thời gian để quan sát nên họ đã cố gắng nghiên cứu về sự ảnh hưởng theo mùa đối với tình tạng lây lan SARS-CoV-2, bằng cách xem xét tỷ lệ lây nhiễm ở nhiều nơi khác nhau trên toàn thế giới.

Một nghiên cứu được công bố vào ngày 13/10 đã xem xét sự phát triển của các ca nhiễm SARS-CoV-2 trong bốn tháng đầu tiên của đại dịch, trước khi hầu hết các quốc gia áp dụng các biện pháp kiểm soát. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các ca nhiễm tăng nhanh nhất ở những nơi có ít tia UV hơn, và dự đoán rằng nếu không có bất kỳ biện pháp can thiệp nào, các ca bệnh sẽ tăng lên vào mùa đông.

Nhưng Francois Cohen, một nhà kinh tế và môi trường tại Đại học Barcelona ở Tây Ban Nha, nói rằng việc thử nghiệm [trong phòng thí nghiệm] cũng còn khá hạn chế trong thời kỳ đầu đại dịch, vì vậy chưa thể xác định được ảnh hưởng của thời tiết đến sự lây lan của virus.

Vì vậy, các nhóm khác, như của Rachel Baker, tại đại học Princeton đã cố gắng phân tích tác động của khí hậu đối với mô hình theo mùa trong quá trình xảy ra đại dịch, bằng cách sử dụng dữ liệu về độ nhạy cảm ẩm của một loại coronavirus khác. Cô và các đồng nghiệp đã lập mô hình “sự tăng và giảm tỷ lệ lây nhiễm trong vài năm ở Thành phố New York nếu có và không có ảnh hưởng của khí hậu”, và với các mức độ khác nhau của các biện pháp kiểm soát.

Họ phát hiện ra rằng một hiệu ứng khí hậu nhỏ cũng có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh đáng kể. Nhóm của Baker đã đăng kết quả trên medRxiv vào ngày 10/9; các tác giả đề xuất rằng phải gia tăng biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong mùa đông để giảm nguy cơ bùng phát.

Trong tương lai?

Nếu SARS-CoV-2 có thể sống dai hơn trong điều kiện lạnh, thì tác động của hành vi con người để giảm thiểu lây lan vẫn là rất hạn chế, theo Kathleen O’Reilly, nhà dịch tễ học toán học tại London School of Hygiene and Tropical Medicine. Bởi vì ngay cả với cúm thông thường, “dù đã hiện diện hàng trăm năm và cơ chế cụ thể tại sao đỉnh lây nhiễm cúm vào mùa đông vẫn chưa được hiểu rõ”.

Và ngay cả khi các nhà nghiên cứu có dữ liệu đáng tin cậy hơn về SARS-CoV-2, họ sẽ chỉ thấy những tác động theo mùa rất nhỏ hoặc không đáng kể trong giai đoạn đầu của đại dịch, khi phần lớn dân chúng vẫn còn dễ mắc bệnh (đa số chưa nhiễm hay chưa có khả năng miễn dịch với virus), Relman nói.

Tuy nhiên, theo thời gian, các tác động theo mùa có thể đóng một phần quan trọng hơn trong việc thúc đẩy xu hướng lây nhiễm, vì ngày càng có nhiều người tăng cường khả năng miễn dịch với virus. Baker cho biết, quá trình này có thể mất tới 5 năm do lây nhiễm tự nhiên, hoặc ít hơn nếu mọi người được tiêm chủng vaccine.

Nhưng liệu một mô hình virus theo mùa có xuất hiện hay không và nó sẽ như thế nào, sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ, gồm khả năng miễn dịch kéo dài, thời gian phục hồi và khả năng mọi người có thể bị tái nhiễm.

Nguồn: Nature 586, 653 (2020)