Khoa học và Phát triển giới thiệu một số nghiên cứu về phân bón cho cây caosu, chè, cà phê, hồ tiêu, lúa... ở Việt Nam.

“Nghiên cứu, sản xuất phân hữu cơ vi sinh đa chức năng đặc chủng cho cây caosu vùng Tây Bắc từ than bùn và phế phụ phẩm nông nghiệp” là đề tài độc lập cấp nhà nước do tiến sỹ Lê Như Kiểu - Viện Thổ nhưỡng nông hóa, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - làm chủ nhiệm. Đề tài đã phân tích 75 mẫu đất từ các vườn caosu (giai đoạn vườn ươm, kiến thiết cơ bản từ 1-8 năm tuổi tại Lai Châu, Điện Biên, Sơn La) và 7 mẫu đất từ vườn caosu kinh doanh trên 10 năm tuổi tại Phú Thọ. Kết quả cho thấy đất ở Điện Biên là đất đỏ nâu trên đá vôi; ở Sơn La, Lai Châu là đất vàng đỏ trên đá mácma axít.

Nhóm đã tuyển chọn được 3 tổ hợp vi sinh vật để sản xuất 3 loại phân bón (tổ hợp 1 cho giai đoạn vườn ươm; tổ hợp 2 cho giai đoạn kiến thiết cơ bản; tổ hợp 3 cho giai đoạn kinh doanh), các chủng vi sinh vật đều thuộc loại an toàn sinh học; xác định được thành phần 3 loại phân bón cho các giai đoạn phát triển của caosu; xây dựng được 3 quy trình xử lý than bùn và phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân hữu cơ vi sinh, 3 quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh đặc chủng cho caosu vườn ươm, kiến thiết cơ bản và kinh doanh. Các quy trình đều dễ thực hiện và ổn định.

Đề tài cũng sản xuất được 400kg chế phẩm vi sinh, 20 tấn phân hữu cơ vi sinh V1 cho caosu vườn ươm, 40 tấn phân hữu cơ vi sinh KT1 cho caosu kiến thiết cơ bản và 90 tấn phân hữu cơ vi sinh KD1 cho caosu kinh doanh; đánh giá được hiệu quả của phân hữu cơ vi sinh đặc chủng cho cây caosu. Tỷ suất lãi thuần ở mô hình 2 sử dụng phân hữu cơ vi sinh đạt 1,69%, cao hơn mô hình đối chứng 0,64%.

Một nông dân xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đang bón phân cho lúa.
Ảnh: P. Hằng

Đề tài “Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất và sử dụng phân hữu cơ - khoáng chất lượng cao từ nguồn nguyên liệu địa phương tại Thái Nguyên” do tiến sỹ Cao Kỳ Sơn - Viện Thổ nhưỡng nông hóa - làm chủ nhiệm.

Nhóm thực hiện đã đánh giá trữ lượng nguồn nguyên liệu phốtphorít than bùn tại Thái Nguyên và tập quán sử dụng phân bón của nông dân; xây dựng được quy trình xử lý phốtphorít và than bùn; xây dựng công thức CT17 với tỷ lệ phối trộn than bùn 40% + phốtphorít 40% + phế thải nguyên liệu giấy 20% và xử lý chế phẩm VS1 có mức độ phân giải lân đạt cao nhất là 19,74 - 37,80%.

Mức độ phân giải lân khó tiêu thành lân dễ tiêu của công thức này cao hơn công thức đối chứng không xử lý vi sinh vật là 7,54 - 11,91%, cao hơn công thức xử lý VS2 là 1,31%. Sau 30 ngày ủ, hàm lượng P2O5 trong công thức không xử lý vi sinh vật là 12,53 - 41,28%, trong công thức xử lý chế phẩm VS1 là 14,51 - 48,74%, trong công thức xử lý chế phẩm VS2 là 13,34 - 47%.

Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được 4 quy trình sản xuất phân hữu cơ khoáng cho lúa, ngô, bắp cải, chè, phân chuyên dụng cho lúa, ngô, bắp cải... Các loại phân sau khi sản xuất có thể bảo quản ổn định chất lượng trong vòng 3 tháng.

“Nghiên cứu phát triển và ứng dụng một số chế phẩm có nguồn gốc sinh học trong canh tác chè, càphê, hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên” là đề tài cấp nhà nước do thạc sỹ Nguyễn Thị Thu - Trung tâm Phát triển công nghệ cao, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - làm chủ nhiệm.

Nhóm nghiên cứu đã đánh giá được hiện trạng đất trồng, tình hình sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật và nhận thấy nhiều tồn tại bất hợp lý trong canh tác chè, càphê, hồ tiêu tại các tỉnh Tây Nguyên, làm cơ sở cho giải pháp sử dụng các chế phẩm sinh học thay thế một phần phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học bằng các chế phẩm sinh học hướng tới phát triển bền vững.

Đề tài đã sản xuất được chế phẩm vi sinh vật chức năng cho cây chè (CHE-HTD 02), cho cây càphê (CAFE-HTD 01) và hồ tiêu (HOTIEU-HTD 03) từ các chủng vi sinh vật có chức năng cố định đạm, sinh chất kích thích sinh trưởng, phân giải lân bằng các chủng vi sinh vật được phân lập, tuyển chọn từ đất và rễ cây chè, càphê, hồ tiêu tại Tây Nguyên; xây dựng 3 quy trình ứng dụng tổng hợp đồng bộ các chế phẩm sinh học trong canh tác chè, càphê và hồ tiêu theo hướng phát triển bền vững tại Tây Nguyên. Nhóm nghiên cứu cũng ứng dụng thành công mô hình thử nghiệm tổng hợp các chế phẩm sinh học trong canh tác các cây trồng theo hướng phát triển bền vững.

Đề tài “Nghiên cứu xác định yếu tố hạn chế của độ phì nhiêu đất trồng lúa ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và đề xuất giải pháp khắc phục” do Phó Giáo sư - tiến sỹ Nguyễn Văn Bộ - Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam - làm chủ nhiệm.

Nhóm nghiên cứu đã phân tích, xử lý mẫu thống kê các yếu tố trong đất trong mối quan hệ với năng suất lúa tại địa điểm lấy mẫu. Kết quả thực hiện thí nghiệm đã xác định được các yếu tố hạn chế đối với từng loại đất ở ĐBSH và ĐBSCL. Tuy nhiên, kết quả thí nghiệm trên đất phù sa sông Hồng không xác định OC và Si là các yếu tố hạn chế. Đề tài cũng xác định có hiện tượng ngộ độc hữu cơ trong vụ hè thu trên đất phù sa vùng ĐBSCL.

Nghiên cứu đã xây dựng 8 thang đánh giá mức độ hạn chế với từng nhóm đất (xám bạc màu, phù sa, phèn và mặn) trên hai vùng gồm 3 cấp độ (cao, trung bình và thấp) cho các chỉ tiêu chính là pHKcl, OC, N, P2O5 và K2O tổng số và CEC đất.

Dựa trên phân tích thực tế, nhóm đề xuất biện pháp khắc phục các yếu tố hạn chế gồm: Quản lý cây trồng tổng hợp, quản lý dinh dưỡng cây trồng tổng hợp, bón phân cân đối, áp dụng bón phân cho vùng chuyên biệt; các biện pháp công trình trong canh tác trên các vùng đất đặc thù; các biện pháp mới về kỹ thuật canh tác; sử dụng giống cây trồng được xác nhận, thích hợp cho các vùng đất đặc thù; sử dụng các dạng phân bón mới, phân bón kỹ thuật cao.

Nhóm cũng xây dựng 10 mô hình trên đất phù sa và đất xám bạc màu ĐBSH, đất phù sa, đất mặn và đất phèn ĐBSCL. Kết quả cho thấy, lợi nhuận của nông dân tham gia mô hình tăng từ 3-5 triệu đồng/ha so với phương thức canh tác cũ.