Trong khi hoài nghi là cơ sở của khoa học thì niềm tin lại là yếu tố nền tảng của tôn giáo. Điều này khiến khoa học và tôn giáo dễ bị xếp vào thế đối lập. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều nhà khoa học lại vẫn có đức tin.

Khoa học và hoài nghi

“Tôi tin vào khoa học” là câu nói quen thuộc của thời hiện đại, vốn được xem là giai đoạn phát triển cao nhất của khoa học, công nghệ. Tuy nhiên, tiến sỹ (TS) John Carman - chuyên gia sinh học tiến hóa tại Đại học bang Utah, Mỹ - phủ nhận tính đúng đắn của câu nói này: “Trong khoa học không có đất cho niềm tin. Niềm tin chính là bức tường cản trở sự tiến bộ của khoa học. Người ta có thể ủng hộ khoa học, nhưng không được tin vào khoa học”.

Theo John Carman, nếu quan tâm đến các phương pháp khoa học, chúng ta sẽ nhận ra thế giới khoa học hoàn toàn không có chỗ cho lòng trung thành. Trong khoa học, con người liên tục nêu ra các giả thuyết và kiểm định chúng. Một giả thuyết khi đã thu thập đủ bằng chứng khoa học ủng hộ các luận điểm của nó sẽ được gọi là lý thuyết hoặc học thuyết. Nhưng ngay cả các học thuyết tốt nhất cũng không được đặt cao hơn truyền thống hoài nghi.

“Lời khẳng định mạnh mẽ nhất trong khoa học xưa nay vẫn chỉ ở dạng “có những bằng chứng gợi ý rằng sự vật, hiện tượng A đúng là vận động theo quy luật B” - TS Carman tuyên bố.

Nhà khoa học này đưa ra một ví dụ: Định luật vạn vật hấp dẫn của Newton ra đời trước và sau đó đã được thay thế bằng thuyết tương đối của Albert Einstein - một học thuyết được xem là chặt chẽ và bao quát hơn. Việc trước đó các nhà khoa học tôn thờ định luật vạn vật hấp dẫn như thứ không thể thay thế là một sai lầm lớn.

Thuyết tiến hóa của Charles Darwin đang được chấp nhận rộng rãi. Ảnh: YTB

“Chúng tôi chuẩn bị công bố một số phát hiện có vẻ như sẽ loại bỏ một học thuyết về tiến hóa đã đứng vững hàng thế kỷ” - Carman tiết lộ. Theo ông, bí quyết làm khoa học là giữ cho mình luôn hoài nghi, không bao giờ tin hoàn toàn vào các học thuyết có sẵn.

Tôn giáo và đức tin

Trái ngược với khoa học, niềm tin là yếu tố cốt tử của mọi tôn giáo. Người ta có thể “ủng hộ” một học thuyết khoa học hoặc không ủng hộ, nhưng đối với tôn giáo thì phải có đức tin để được xem là có sức mạnh tinh thần.

John Carman cũng từng có trải nghiệm về đức tin tôn giáo. Ông chia sẻ: “Khi còn là một đứa trẻ, tôi được dạy rằng trước khi Adam ra đời, cái chết không hề tồn tại”. Theo ông, hiện nay nhiều lãnh tụ tôn giáo và nhà truyền giáo đã bớt quả quyết hơn khi nói về tiến hóa. Giờ đây đối với họ, kinh Sáng thế ký là một tác phẩm mang tính tôn giáo chứ không còn được coi là “sách giáo khoa” về khoa học Trái đất.

“Tôi nghĩ đây là vấn đề có tính chất thế hệ. Những người quả quyết rằng tiến hóa là một lý thuyết đáng nguyền rủa chủ yếu thuộc thế hệ có tuổi, vốn bị ảnh hưởng bởi các chức sắc tôn giáo chống lại thuyết tiến hóa” - Carman nói.

Những năm 1930, lãnh tụ Josseph Fielding Smith của giáo hội Mặc môn từng gây tranh cãi lớn trong nhóm Mười hai vị sứ đồ khi quả quyết Adam và Eva được Chúa tạo ra cách nay 6.000 năm.

Trong nhóm trên, James E. Talmadge và B.H. Roberts ủng hộ thuyết tiến hóa và tin rằng trước Adam và Eva, Trái đất vẫn tồn tại những dạng sống “tiền Adam”. Cuộc tranh luận nóng đến mức trong một cuộc họp về vấn đề này năm 1931, nhiều sứ đồ đã bỏ ra ngoài. “Ngày nay, giáo lý của Thiên chúa giáo không đề cập đến học thuyết về sự tiến hóa của vật chất hữu cơ” - Carman cho biết.

Tại sao việc đề cập đến thuyết tiến hóa lại khiến những người tin vào đấng sáng thế khó chịu đến vậy? Tại sao khoa học và tôn giáo không thể song song tồn tại? Theo Carman, việc đọc thuộc và tuân thủ Kinh thánh một cách máy móc là nguồn gốc vấn đề. Rất nhiều thông tin trong kinh thánh có thể trở thành đề tài tranh cãi nếu được diễn dịch chi tiết, như “liệu có trận đại hồng thủy”, “liệu Moses có thật sự dẫn người Do Thái đi qua Hồng Hải”…

Việc ủng hộ thuyết tiến hóa là thử thách không thể vượt qua với những người cho rằng hành động đó sẽ “giải thiêng” các câu chuyện trong Kinh thánh. Một số người rất bực bội với sự giải thiêng này, còn số khác không coi là quan trọng, như Carman: “Tôi là nhà khoa học nhưng vẫn có đức tin. Đối với tôi, động cơ để có đức tin không nằm ở các bằng chứng và luận điểm, mà là nhận thức sâu trong tim rằng đấng cứu thế là tấm gương về điều tốt đẹp mà tôi sẽ không gặp ở đâu nữa trong lịch sử loài người”.