Các nhà khoa học vừa phát hiện ra rằng, các ion oxy từ khí quyển của Trái Đất được thổi bay đến Mặt Trăng mỗi tháng một lần, bắt đầu từ ngày đầu tiên Mặt Trăng quay quanh lớp từ quyển bảo vệ Trái Đất.
Vào thời điểm lúc Mặt Trời, Trái Đất, Mặt Trăng thẳng hàng, Mặt Trăng đi phía sau Trái Đất, được che chắn và hứng trọn dòng vật chất từ Trái Đất bị gió Mặt Trời thổi văng tới.
Trước đây các nhà khoa học cũng đã đề xuất giả thuyết này, nhưng họ chỉ nói đến các phân tử khí nitơ. Giờ đây họ cho rằng oxy cũng bị thổi bay đến Mặt Trăng.
“Phát hiện mới của chúng tôi cho thấy rằng sự tương tác giữa Trái Đất và Mặt Trăng ngoài mặt vật lý còn có cả hóa học”, nhà vật lý thiên văn Kentaro Terada giảng dạy tại Đại học Osaka của Nhật Bản cho biết.
Phát hiện này có thể giải thích được một bí ẩn cổ xưa về thành phần hóa học của đá trên Mặt Trăng. BởiMặt Trăng không có từ quyển bảo vệ như Trái Đất, nên nó liên tục bị gió Mặt Trời tấn công.
Các nhà khoa học cho rằng, nếu phân tích trầm tích của Mặt Trăng sẽ cho ra kết quả một loại vật chất phù hợp với tính chất hóa học của loại vật chất tiếp xúc lâu với gió Mặt Trời.
Nhưng khi các nhà khoa học phân tích đá Mặt Trăng vào năm 2006, họ phát hiện thấy mức oxy không phù hợp với giả thuyết được dự đoán ban đầu, điều này có nghĩa là đã có thứ gì đó làm rối loạn thành phần oxy có trong bề mặt Mặt Trăng.
Phân tích dữ liệu từ tàu thăm dò quỹ đạo SELENE (hay Kaguya) của Nhật Bản, họ thấy rằng phi thuyền đã phát hiện được một số lượng lớn các ion dương oxy khi bay ở quỹ đạo Mặt Trăng từ năm 2007 đến 2009.
Lượng oxy này không ổn định, tàu SELENE chỉ thấy có trong mỗi 5 ngày đầu tiên trong chu kỳ 27 ngày của quỹ đạo Mặt Trăng. Thời gian này trùng với thời gian Mặt Trăng và tàu thăm dò được từ quyển Trái Đất bảo vệ khỏi gió Mặt Trời.
Từ quyển Trái Đất không hẳn là một hình cầu, nó có dạng hình giọt nước, với phần tròn đối diện với Mặt Trời.
Từ quyển bảo vệ Trái Đất khỏi bức xạ Mặt Trời. Nhưng sức mạnh của gió Mặt Trời vẫn đẩy được một số hạt từ khí quyển của Trái Đất vào phần đuôi giọt nước của từ quyển. Một số oxy theo cách này đã bay hẳn đến Mặt Trăng.
“Thượng tầng khí quyển của Trái Đất bao gồm những ion oxy dễ dàng bị gió Mặt Trời thổi đi. Một số bay tới Mặt Trăng, còn lại bị hút vào vùng không gian liên hành tinh”, Terada nói.
Bề mặt của Mặt Trăng liên tục nhận oxy từ Trái Đất. Nhưng có vẻ như có một thứ gì đó như thiên thạch đâm vào Mặt Trăng, chôn sâu một lượng lớn oxy dưới bề mặt Mặt Trăng.
Các nhà khoa học rất quan tâm đến khía cạnh này, bởi chúng ta có thể thu thập được lượng oxy cổ xưa của Trái Đất được bảo tồn trên Mặt Trăng. Khi phân tích số oxy của Trái Đất vào những ngày mới hình thành, chúng ta có thể sẽ biết thêm được nhiều điều thú vị.