Xuất phát từ thực trạng trên, tháng 10.2015 Hội Nông dân (ND) TP.Đà Lạt đã mạnh dạn đề xuất và được UBND thành phố cấp kinh phí để thực hiện mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp ủ nóng thành phân hữu cơ”. Dự án áp dụng tại 14 phường, xã với tổng chi phí thực hiện 193,9 triệu đồng. Hội ND thành phố đã giao cho ông Vũ Đình Phúc – hội viên Hội ND phường 7, là ND sản xuất kinh doanh giỏi và sáng tạo kỹ thuật nhà nông chịu trách nhiệm về quy trình kỹ thuật. Các thành viên tham gia là cán bộ, hội viên của 14 phường, xã có mô hình được áp dụng.
Nông dân Đà Lạt pha chế men vi sinh cùng một sốkhoáng chất trước khi trộn đều với rác nông nghiệp để ủ nóng thành phân hữu cơ. Ảnh:Trung Kiên
Theo ông Vũ Đình Phúc, phế phẩm nông nghiệp được thu gom và tận dụng từ các loại lá cây, cỏ dại, thân cây, cành được cắt bỏ lại từ các loại hoa, rau, thậm chí cả phân dê, bò. Phế phẩm nông nghiệp được trộn với men vi sinh, sau đó sử dụng bạt, nylon để ủ hỗn hợp trên và giữ nhiệt độ bên trong đo được từ 50 – 70 độ C.
Với việc thực hiện quy trình ủ rác nông nghiệp thành phân hữu cơ thực hiện tại 14 phường, xã của TP.Đà Lạt đã tiết kiệm chi phí đầu vào, góp phần bảo vệ môi trường. Sau 30 ngày ủ nóng đã cho ra sản phẩm hỗn hợp là phân hữu cơ, nông dân đem ra sử dụng làm phân bón. Loại phân này có tác dụng làm giảm mầm bệnh cho cây trồng, khử cỏ dại và vi khuẩn có hại do đã được ủ nóng sau một thời gian.
Việc áp dụng mô hình “Xử lý phế phẩm nông nghiệp ủ nóng thành phân hữu cơ” của Hội ND TP.Đà Lạt còn góp phần thay thế một số loại phân khác, nhất là phân bón hóa học, phân từ xác mắm... mà ND dùng nhiều năm làm cho đất sản xuất bị trơ. Quy trình ủ phân chi phí rất thấp, dễ thực hiện, và phù hợp với thực tế của các hộ sản xuất nông nghiệp…