Giới khoa học vừa công bố loài cá chình mới từ mẫu vật thu được tại đầm ở Nha Trang (Khánh Hòa).


Loài mới là cá chình phương Đông, tên khoa học là Chlopsis orientalis Tighe, Hibino&Nguyen.Mẫu vật thu thập được ở khu vực đầm Thủy Triều (TP Nha Trang, Khánh Hòa) vào mùa khô trong mẻ lưới có lẫn nhiều loài cá khác.

Loài cá chình phương Đông có đặc điểm là đầu chiếm 10% chiều dài toàn thân, số đốt sống trước vây lưng là 11. Cơ thể chúng có hai màu chủ đạo và không có dải sọc trắng ở trên đầu, các xương dăm rất cứng.

Mẫu gốc Holotype của loài cá Chình Phương Đông Chlopsis orientalis, chiều dài toàn thân 269mm,

Mẫu gốc Holotype của loài cá Chình Phương Đông Chlopsis orientalis, chiều dài toàn thân 269 mm. Ảnh: Vast.ac.

Giống Chlopsis thuộc họ Chlopsidae, bộ cá chình Anguilliformes hiện được ghi nhận có 9 loài, phân bố ở vùng biển Ấn Độ - Tây Thái Bình Dương. Chúng thường gặp ở giai đoạn trưởng thành trong các rạn san hô và giai đoạn con non ở vùng rừng ngập mặn, thảm cỏ biển ven bờ. So với các họ khác trong bộ cá chình, cá thể trưởng thành thường có chiều dài toàn thân nhỏ hơn 11-42 cm.

Phát hiện trên là kết quả của đề tài "Nghiên cứu giải pháp phục hồi hệ sinh thái đầm, hồ ven biển đã bị suy thoái ở khu vực miền Trung" của Viện Tài nguyên và Môi Trường biển cùng các nhà khoa học thuộc Đại học Tổng hợp Mie và Đại học Tổng hợp Kagoshima, Nhật Bản.