Số ca nhiễm đang tăng ở Đông Nam Á, khu vực chưa bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi các đợt dịch trước đây.
Ngày 25/4, Bloomberg xếp hạng Singapore là quốc gia chống dịch hiệu quả nhất trên thế giới, gần như không có ca nhiễm trong cộng đồng. Hai ngày sau, một y tá 46 tuổi tại Bệnh viện Tan Tock Seng có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, mở màn cho việc phát hiện chục ca nhiễm khác. Trong vòng một tuần, chính phủ Singapore đã xác định các cụm lây nhiễm mới khác, bao gồm cả sân bay và cảng. Lawrence Wong, một bộ trưởng Singapore phụ trách lực lượng chống Covid-19, cảnh báo vào ngày 11/5: “Chúng ta đang ở trên bờ vực. Các ca nhiễm trong cộng đồng có thể tăng nhanh trong vài tuần tới".
Phần lớn Đông Nam Á cũng trong tình trạng tương tự. Trên toàn khu vực, các quốc gia liên tục phát hiện các cụm dịch ở những nơi nhạy cảm nhất: bệnh viện, cơ sở kiểm dịch và cửa khẩu. Dịch bệnh bùng phát ở những nơi này làm cho các ca nhiễm dễ lan rộng hơn. Hơn nữa, virus đã đột biến trong năm qua, và các biến thể hiện nay dễ lây lan hơn, bao gồm B.1.617 - được xác định ở Ấn Độ đầu tiên - nay đã xuất hiện ở Campuchia, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan.
Biện pháp phòng chống dịch ở Thái Lan
Nguyên nhân đằng sau làn sóng lây nhiễm mới
Số ca nhiễm mới ở Malaysia đã tăng hơn gấp ba lần trong tháng qua, lên 4.765 ca vào ngày 12/5. Số ca nhiễm hằng ngày của Thái Lan tăng từ 50 vào đầu tháng 4 lên hơn 2.000 trong tháng 5 (theo thống kê mới nhất, riêng trong ngày 17/5, Thái Lan có hơn 9.600 ca nhiễm mới, nâng số ca nhiễm mới trung bình mỗi ngày trong 7 ngày lên hơn 3.700 ca). Trong tổng số 20.000 ca nhiễm được ghi nhận ở Campuchia, gần 90% được phát hiện từ đầu tháng Tư. Ít nhất tám bệnh viện ở Việt Nam đã đóng cửa vì virus kể từ ngày 5/5. Ở Indonesia, số ca nhiễm mỗi ngày đang ở mức khoảng 5.000 ca (mặc dù con số thực tế có thể cao hơn), nhưng có nguy cơ sắp tăng mạnh sau khi hàng trăm nghìn cư dân thành phố bất chấp lệnh cấm du lịch để về quê vào dịp lễ Eid al- Fitr của người Hồi giáo, vào nửa đầu tháng Năm. Và như tình hình Ấn Độ đã cho thấy, đại dịch ngay cả khi gần bị đẩy lùi cũng có thể bùng phát thành một làn sóng không thể ngăn cản chỉ trong vài tuần.
Mỗi quốc gia Đông Nam Á có các lý do bùng phát dịch khác nhau, nhưng ở hầu hết các nước, các lễ hội, người nước ngoài hoặc nạn mại dâm là các yếu tố phổ biến. Tại Việt Nam, Malaysia và Thái Lan, các chuyên gia đổ lỗi cho việc du lịch đông đúc và chen lấn trong các kỳ lễ hội, do dân chúng trở nên chủ quan với dịch Covid-19. Phần lớn người Hồi giáo ở Malaysia trong tháng qua đã tổ chức lễ Ramadan: mọi người cùng cầu nguyện và giao lưu vào buổi tối. Bangkok phát hiện một loạt các ca nhiễm ở khu hộp đêm sau kỳ nghỉ Songkran vào giữa tháng Tư. Ở Lào cũng vậy, lễ hội đã dẫn đến một loạt các ca nhiễm mới. Ở Việt Nam, vào dịp lễ 30/4 - 1/5, sân bay ở TP Hồ Chí Minh đón một lượng khách kỷ lục.
Lào, Việt Nam và Campuchia đều chưa từng đối mặt với đợt bùng phát nào ở quy mô như hiện nay, và nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân nằm ở dân nhập cư. Lào đổ lỗi cho du khách bị nhiễm bệnh từ Thái Lan. Nhiều trường hợp ở Việt Nam được coi là bắt nguồn từ việc giám sát kiểm dịch lỏng lẻo đối với những người đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản. Ở Campuchia, hai gái mại dâm bị nhiễm biến thể B.1.1.7 của Anh, đã nhập cảnh vào đầu tháng Hai và trốn cách ly để đến gặp khách hàng, đến hộp đêm và nhiều nơi khác. Đến giữa tháng Năm, đợt bùng phát bắt nguồn từ hai người này đã lây nhiễm cho hàng nghìn người, trong số đó, có 100 người không qua khỏi. Viện Pasteur, một tổ chức nghiên cứu y tế đang giải trình tự 1% tổng số mẫu dương tính ở Campuchia, cho biết “tất cả đều là b.1.1.7” từ cùng một nguồn, theo Laurence Baril, giám đốc của Viện tại Phnom Penh.
Các chuyên gia cũng đang tỏ ra lo ngại
với hai trường hợp đáng lưu ý nhất cho đến nay ở Đông Nam Á là Indonesia và Philippines.
Dicky
Budiman, nhà dịch tễ học tại Đại học Griffith, Úc, cho biết, Indonesia,
nước chưa chứng kiến làn sóng thứ hai, có những điểm tương đồng đáng
lo ngại với Ấn Độ: virus đã lưu hành hơn một năm, hệ thống chăm sóc sức
khỏe đã quá tải, thông điệp từ chính phủ không rõ ràng và một ngày lễ
tôn giáo đã thu hút hàng triệu người tham gia.
Philippines cũng có số ca nhiễm tăng đột biến vào tháng 3, khi số ca mắc
mới lên tới 10.000 ca mỗi ngày. Lệnh phong tỏa giúp giảm một nửa số ca nhiễm
mỗi ngày. Tuy nhiên, tỷ lệ xét nghiệm
cho kết quả dương tính, dù đã giảm, vẫn ở mức 15%, cho thấy nhiều ca
nhiễm trong cộng đồng không bị phát hiện. Drew Camposano, chuyên gia về
bệnh truyền nhiễm nhi khoa ở TP Iloilo, miền trung Philippines, cho
biết: “Chúng tôi không muốn kết cục như Ấn Độ. Đó là một trường hợp mang
tính cảnh báo."
Nguy cơ quá tải
Áp lực lên hệ thống y tế ở các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu xuất hiện. Các bệnh viện ở Bangkok đang dần quá tải. “Hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng tôi, với số ca nhiễm mới, đang trở nên quá tải", Subramaniam Muniandy, chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia, cho biết. "Các nhân viên tiền tuyến mệt mỏi, kiệt sức". Một chuyên gia ở thủ đô Viêng Chăn của Lào cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe của Lào có thể nhanh chóng quá tải nếu số ca bệnh nặng tăng lên. Theo Tiến sĩ Baril, dù đã được chính phủ Campuchia hỗ trợ, Viện của bà vẫn mất hàng tuần để thuê một chiếc máy bay chở 2,7 tấn hóa chất nhập khẩu cần thiết cho việc xét nghiệm.
Làn sóng lây nhiễm lần này đặc biệt đáng lo ngại đối với các quốc gia đã tránh được các đợt bùng phát lớn trước đây, do đó dân số chưa có miễn dịch và dễ bị tổn thương. Các chuyên gia khuyến nghị, để hạn chế thiệt hại, cần sớm đóng cửa biên giới, áp đặt các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ và truy vết ca nhiễm. Đồng thời, người dân cần dân tuân thủ các biện pháp giãn cách và đeo khẩu trang.
Ngoài ra mọi người có thể thực hiện các biện pháp phòng tránh khác. Hầu hết người Campuchia, Lào và Việt Nam sống ở các vùng nông thôn, và có thể giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bằng cách mở cửa sổ. Việc này tạo ra môi trường thông thoáng, có thể làm chậm quá trình lây lan của virus. Ngoài ra, người Đông Nam Á cũng có thể có khả năng miễn dịch nhất định do đã tiếp xúc với các virus corona khác lưu hành trong khu vực trước đây, nhưng giả thuyết này chưa được chứng minh.
Các quốc gia Đông Nam Á đang nhanh chóng áp đặt lại các hạn chế di chuyển. Việt Nam và Singapore đã gia hạn cách ly đối với khách du lịch từ hai lên ba tuần, đồng thời đóng cửa một số cơ sở giải trí. Vào ngày 10/5, Malaysia đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 4 tuần. Lào phong tỏa thủ đô vào tháng Tư và đóng cửabiên giới. Tỷ lệ tiêm chủng cũng đang tăng ở các nước Đông Nam Á, trừ Singapore và Campuchia, nhưng nhìn chung chưa đến 10% dân số trưởng thành ở mỗi quốc gia Đông Nam Á được tiêm một liều vaccine.
Nguồn: