Chắc hẳn rất nhiều người thuộc nhiều thế hệ còn nhớ ba bài thơ “Thu” của Nguyễn Khuyến, vì chùm thơ này có mặt liên tục trong sách giáo phổ thông trung học đã tới 60 chục năm (hoặc hơn) và lại dễ đọc, dễ nhớ: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo…” rồi, “Trời thu xanh ngắt mấy từng cao… Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào.”
Ông Đào ở đây chính là Đào Tiềm (Uyên Minh), thi bá Trung Hoa sinh thời Tấn, sống cách chúng ta hơn 16 thế kỷ.
Mới đây, chúng ta lần đầu tiên đã có “Đào Uyên Minh toàn tập”, sách xuất bản quý III/2018 thuộc Tủ sách Tham khảo của Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hơn 530 trang của một cuốn sách khổ lớn (15,5 x 23,5cm) chữ nhỏ, đã cho thấy đây là một dịch phẩm công phu của dịch giả Trần Trọng Dương (Viện nghiên cứu Hán Nôm). Tiến sỹ Dương đã mất 15 năm khảo cứu, dịch thuật, chú thích và… tìm cách xuất bản cuốn sách để mang lại cho bạn đọc toàn tập của một nhà thơ mà, như ông viết “Là nhân vật quan trọng hàng đầu trong lịch sử và văn học Trung Quốc, là loại hình nhân cách ảnh hưởng sâu đậm đến văn chương và lịch sử Việt Nam, thậm chí có phần còn lấn lướt hơn cả Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Lý Bạch… Sự day dứt giữa hành và tàng, giữa xuất và xử, giữa đi và về, giữa làm quan và ở ẩn,… đã trở thành hằng số hành vi và chỉ số đạo đức cho hàng triệu nhà Nho trong lịch sử.” Vì lẽ gì mà thi bá Đào Uyên Minh có được danh tiếng như vậy?
Xuất thân từ một gia đình thế tộc - cụ bốn đời từng là Thứ sử Giao Châu (miền Bắc nước ta hiện nay), ông nội và cha đều là Thái thú - tuổi trẻ của ông dù chữ nghĩa đầy mình nhưng hàn vi; khi trưởng thành thì ngoài vài lần ngắn ngủi làm các chức quan nhỏ, còn lại chân lấm tay bùn, nhà cửa nheo nhóc, cuối đời thậm chí có lúc còn phải đi xin ăn và chết trong đói nghèo. Thế mà, nhà văn nổi tiếng của Trung Hoa Lâm Ngữ Đường (1895-1976) đã viết về ông: “Không hề làm một vị quan lớn, không có quyền uy, không có sự nghiệp nào cả trừ một tập thơ mỏng và vài ba thiên tản văn, mà Đào Uyên Minh chiếu sáng cổ kim như một ngọn đuốc lớn, và được các văn nhân thi sĩ coi là tiêu biểu cho một nhân cách cao quý nhất. Đời ông vô tư, tự do, khiêm tốn, giản phác... Ông có thiên tài cảm được và tả được một lối sống điều hòa, thiên tài đó tới cái mức hoàn toàn tự nhiên, bình dị mà từ xưa chưa ai đạt được. Bài phú ‘Qui khứ lai từ’, viết vào tháng 11 năm 405, khi ông quyết định từ chức tri huyện, biểu hiện được tình cảm và thiên tài của ông... Có người cho rằng ông chủ trương ‘lánh đời’, nhưng không phải vậy. Ông lánh chính trị chứ không lánh đời. Ông vui vẻ trở về cảnh điền viên giữa gia đình. Như vậy kết cục là một sự hòa hợp với thiên nhiên, với đời sống, chứ đâu phải là một sự phản kháng” (The Importance of Living. Bản tiếng Việt: Sống đẹp, Nguyễn Hiến Lê dịch. Nhà xuất bản Văn hóa, 1993, các trang 93, 94 và 96.)
Bên cạnh bài phú Qui khứ lai từ mà các nhà nho Việt Nam ngâm nga cả ngàn năm nay “Đi về sao chẳng về đi, ruộng hoang vườn rậm còn chi không về” (Từ Long dịch, báo Nam Phong); bài ký Suối Hoa Đào (Đào hoa nguyên ký) của ông cũng nổi tiếng tới mức trở thành một điển tích văn học để chỉ nơi tiên cảnh, được văn chương cổ điển cả ngàn năm sử dụng: “Rước mừng đón hỏi dò la, Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây” (Truyện Kiều).
Toàn tập có bản dịch của toàn bộ 120 bài thơ và tất cả các bài thể văn khác (phú, từ, ký, truyện…) của Đào Uyên Minh. Ngoài một bài giới thiệu ngắn của người dịch, Lời tựa của Giáo sư Nguyễn Khắc Phi; sách còn có một bài nghiên cứu trên 50 trang của Bùi Việt Phương nhan đề “Đào Uyên Minh với Văn học Việt Nam”; “Thư mục Đào Uyên Minh” của Nguyễn Phúc Anh và index. Tất cả các bản dịch đều đủ bốn phần chữ Hán, phiên âm, dịch nghĩa và dịch thơ; đặc biệt, dịch giả đã chú thích hết sức tỷ mỷ thẳng từ phần phiên âm, tạo nên một giá trị riêng cho cuốn sách.
Việc nghiên cứu về Nhà nho – giới trí thức Việt Nam thời phong kiến mới chỉ là bắt đầu trên một chặng đường dài và cuốn toàn tập này rất cần cho việc đó. Hy vọng rằng, ở các lần xuất bản sau, ngoài việc nhà xuất bản sẽ trình bày đẹp hơn thì dịch giả sẽ sửa chữa và bổ sung hoàn thiện sách bằng các tư liệu mới vì nhiều phần trong sách tạo cho người đọc cảm giác bản thảo đã hoàn thành vào năm 2010 và chưa cập nhật. Phần “Thư mục Đào Uyên Minh”, ngoài tài liệu tham khảo bằng tiếng Anh và tiếng Nhật cũng cần dẫn ra các tài liệu tham khảo tiếng Trung quan trọng nhất trước khi dẫn link tới toàn bộ tài liệu tham khảo tiếng Trung.