Trong những năm đầu của thời kỳ các nhà thám hiểm dong thuyền ra khơi để khám phá những vùng đất mới, có một số con thuyền đã tới vùng biển Nam Cực nhưng không dám đi xa hơn, bởi lẽ chúng không thể chống chịu với thời tiết khắc nghiệt cùng các tảng băng trôi dạt.

Cuối những năm 1800, các chuyến thám hiểm nghiêm túc mới được khởi động với mục đích khám phá lục địa Nam Cực, khảo sát đường biên và nội địa, đồng thời trở thành người đầu tiên chạm tới Cực Nam.

Năm 1897 mở đường cho một thời kỳ được gọi là Kỷ nguyên anh hùng khám phá Nam Cực, kéo dài tới năm 1922. Trong Kỷ nguyên này, Nam Cực trở thành tiêu điểm cho các khám phá địa lý và khoa học chuyên sâu, với 17 cuộc thám hiểm tới từ chín quốc gia. Có thể gọi đây là những kỳ tích, do trong thời này các nguồn lực và vật tư còn hạn chế, phương tiện vận chuyển và liên lạc còn lạc hậu.


Roald Amundsen - người đầu tiên chạm tới Cực Nam và đoàn thám hiểm của Amundsen bên lá cờ Na Uy sau chuyến đi thành công của họ tới Nam Cực 100 năm trước.

Vì đâu nhiều quốc gia và nhà thám hiểm dấn thân vào cuộc hành trình đầy gian khổ vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi. Có giả thuyết cho rằng, vào năm 1895, Hiệp hội Địa lý Hoàng gia đã kêu gọi các hiệp hội khoa học trên khắp thế giới thúc đẩy sự nghiệp thám hiểm Nam Cực.

Những con thuyền và nhà thám hiểm

Belgica (1897 - 1899), Bỉ

Chuyến thám hiểm đầu tiên mở ra Thời kỳ Anh hùng là tàu nghiên cứu Belgica của Bỉ. Thuyền trưởng là Adrien de Gerlache, thuyền phó là Roald Amundsen, người Na Uy. Cuộc thám hiểm thứ nhất phải trải qua mùa đông sau khi con thuyền bị kẹt băng ở biển Bellingshausen. Sau này nó cũng tham gia các cuộc thám hiểm tới Bắc Cực trong năm 1905 và 1907–1909.

Năm 1916, Belgica bị bán và chuyển thành tàu chở hàng và khách. Năm 1940, con tàu được Anh trưng thu và dùng làm tàu kho chứa. Cũng trong năm này, Belgica bị đánh đắm trong cuộc di tản lực lượng viễn chinh Anh – Pháp ở Harstad, Na Uy.

Tàu Fram, Na Uy.

Southern Cross (1898-1900), Anh

Ban đầu là tàu săn cá voi Pollux của Na Uy, Carsten Borchgrevink đã mua lại và đổi tên thành Southern Cross. Dưới sự dẫn dắt của Borchgrevink, Southern Cross đưa đoàn thám hiểm tới Nam Cực, đây là cuộc mạo hiểm đầu tiên của Anh trong thời đại này.

Trong lần đầu, con tàu này đã làm nên lịch sử khi xông qua hàng rào Đại băng để tới vùng biển Ross chưa ai khám phá, và là con tàu đầu tiên trải qua mùa đông trong nội địa Nam Cực.
Thành công của chuyến thám hiểm này không được công chúng Anh chú ý quá nhiều, mà họ tập trung tiêu điểm vào chuyến thám hiểm Discovery sắp tới của Scott.

Sau chuyến đi, tàu Southern Cross không tồn tại lâu. Tàu được bán cho Công ty Glasgow để săn hải cẩu ngoài khơi Newfoundland. Năm 1914, Southern Cross tham gia hạm đội rời thành phố St John vào tháng ba. Từ đó không còn ai nghe thấy tin tức gì của nó nữa. Một đội điều tra xác định tàu đã chìm trong trận bão tuyết.

Robert Scott cùng đoàn thám hiểm.

Discovery (1901-1904), Anh

Năm 1900, Discovery được đóng ở Anh cho chuyến nghiên cứu Nam Cực, được coi là con tàu gỗ bền nhất thời đó.

Năm 1901, sứ mệnh của thuyền Discovery là đưa Ernest Shackleton tới Nam Cực, đây là chuyến hành trình thành công đầu tiên của ông. Thuyền trưởng của tàu là Robert Falcon Scott. 2/1/1902, họ nhìn thấy đường bờ biển Nam Cực. Để chuẩn bị cho mùa đông, Discovery thả neo ở McMurdo Sound, trong một vịnh khuất gió. Con tàu kẹt bên trong các tảng băng và dãi gió dầm sương ở đây trong hai năm tiếp. Đoàn thám hiểm xác định Nam Cực là một lục địa và định vị lại Cực từ.

Các thủy thủ thu được nhiều khám phá phong phú về sinh học, động vật học, địa chất, khí tượng học và từ tính. Họ phát hiện ra các thung lũng không có tuyết, nơi con sông dài nhất Nam Cực chảy qua, và Cao nguyên Cực, nơi Cực Nam tọa lạc. Họ không trở thành người đầu tiên chạm tới nó nhưng là đoàn đầu tiên thả khinh khí cầu trên Nam Cực.

Discovery quay lại Anh và được bán cho Công ty Vịnh Hudson do đoàn thám hiểm gặp khó khăn tài chính. Con tàu chở đồ tiếp tế trong Thế chiến I cho đến năm 1923, khi Chính phủ Anh mua lại để phục vụ công việc khảo sát tiếp theo.

Khi trở về từ chuyến thám hiểm cuối vào năm 1931, tàu thả neo ở London, làm nơi huấn luyện cho hải quân, đồng thời là một địa điểm thu hút du khách cho đến năm 1979. Sau khi trùng tu toàn diện, con tàu trở thành điểm tham quan ở thành phố Dundee, nơi tàu được đóng.
Đây là một trong hai con tàu thám hiểm duy nhất còn sót lại từ Thời đại anh hùng thám hiểm Nam Cực.

Tàu Endurance hư hại và chìm xuống biển Weddell.

Gauss (1901-1904), Đức

Gauss được đóng ở Đức và hạ thủy vào năm 1901, nguyên mẫu là tàu Fram của Na Uy. Tàu được trang bị động cơ hơi nước, có thể tăng tốc lên tới 7 hải lý/h.

Trong khoảng 1901-1903, Gauss đưa đoàn thám hiểm đầu tiên của Đức do Erich von Drygalski dẫn đầu tới Nam Cực. Mục tiêu là khám phá những vùng đất chưa biết của lục địa ở phía Nam quần đảo Kerguelen. Tàu đã ghé thăm đảo Heard, nơi xa xôi hẻo lánh nhất trên Trái đất và không có cư dân, các vùng đất gần nhất cách Perth 4.000 km, Nam Phi 4.200 km và cách Nam Cực 1.600 km về phía Bắc.

Dù Gauss kẹt trong băng 14 tháng trời, nhưng đoàn thám hiểm đã khám phá Kaiser Wilhelm II Land và ngọn núi lửa nơi đây, Gaussberg. Năm 1903, tàu quay về Đức.

Antarctic (1901-1903), Thụy Điển

Năm 1895, Antarctic cập bờ tại Mũi Adare, cực bắc của Victoria Land. Tại đây, sáu người đàn ông đã lên bờ, trở thành những người đầu tiên được ghi nhận là đổ bộ lên lục địa này. Antarctic được dùng cho vài chuyến du hành nghiên cứu tới Nam Cực từ năm 1989 tới 1903.

Trong khoảng 1901–1904, dưới sự chỉ huy của Carl Larsen, Otto Nordenskjold dẫn Đoàn thám hiểm Nam Cực Thụy Điển đổ bộ xuống đảo Snow Hill, ngay gần bán đảo Graham Land.
12/1902, con tàu kẹt trong lớp băng gần Vịnh Hope, trên Graham Land. Tàu thoát ra nhưng lại mắc kẹt. Cuối cùng tàu vẫn thoát ra được nhưng bị hư hại và rò rỉ, chìm cách bờ biển khoảng 40 km vào 12/2/1903.

Chuyến thám hiểm này đưa về những mẫu vật địa chất và động vật biển giá trị, mang lại danh tiếng cho Nordenskjold, nhưng khiến ông rơi vào cảnh nợ nần.

Chuyến thám hiểm Nam Cực của John Rowett, Ernest Shackleton ở cực Nam trên thuyền Quest với máy bay và chó kéo xe. Trong ảnh: Ảnh bìa của tạp chí Khoa học Mỹ tháng 1/1922.

Scotia (1902-1904), Anh

William Bruce mua lại thuyền săn cá voi Scotia và sửa thành thuyền nghiên cứu, dùng cho Chuyến thám hiểm Nam Cực Quốc gia Scotland (SNAE).

11/1902, thuyền đi tới Quần đảo Falkland, tiếp theo là đảo Laurie và Quần đảo Nam Orkney. Scotia trải qua mùa đông tại Vịnh Scotia, mắc kẹt trong băng tám tháng trời. Khi thoát được, nó tiếp tục tới Buenos Aires để tu sửa rồi quay lại đảo Laurie và biển Weddell.

Năm 1904, tàu về nước và được bán đấu giá để trang trải chi phí của chuyến thám hiểm. Các đại học Scotland dự định dùng Scotia làm tàu nghiên cứu, nhưng kế hoạch bị hủy bỏ.

Français (1903-1905), Pháp

Jean Baptiste Charcot đại diện cho Pháp góp mặt trong thời kỳ này. Là người giàu có, ông đã bỏ một phần tài sản để đóng tàu Français.

Năm 1903, ông dong thuyền về phía Nam, hướng tới Bán đảo Graham Land. Tại đây, Charcot khám phá ra một nơi tại Đảo Wiencke và đặt tên là Cảng Lockroy, sau đó Anh đóng quân ở Lockroy trong Chiến dịch Tabarin vào Thế chiến II.

1/1905, con tàu va phải đá gần đảo Adelaide, bị hư hại và động cơ trục trặc. Họ sửa chữa phần nào và con tàu ì ạch quay lại phía Bắc, tới cảng Puerto Madryn ở Argentina. Tình trạng hỏng hóc rất nghiêm trọng, chính phủ sở tại đã đề nghị mua lại con tàu. Sau đó, thủy thủ đoàn cùng 75 kiện thiết bị khoa học trở về Pháp trên con tàu Algeria và Charcot được tung hô là anh hùng.

Nimrod (1907-1909), Anh

Nimrod là con tàu chở Ernest Shackleton trong chuyến thám hiểm năm 1908. Tàu không đủ sức chạy do người ta đã chất lên đây quá nhiều đồ dự trữ nhưng không mang đủ than.

Đây là chuyến đầu tiên trong ba cuộc viễn du do Shackleton dẫn dắt. Mục tiêu chính của nó là trở thành người đầu tiên chạm tới Cực Nam. Song, cả đoàn đã tới trong phạm vi 161km rồi phải quay đầu. Sau khi đổ bộ và thiết lập căn cứ, Shackleton quyết định cả đoàn sẽ leo lên núi Erebus, cao 3794m. Nhóm 5 người, gồm Douglas Mawson, đã leo lên miệng núi lửa vào 9/3.

Shackleton dùng ngựa và xe để di chuyển. Thế nhưng, xe không chạy được trên bề mặt băng gồ ghề, ngựa cũng rất khó khăn mới di chuyển được, bốn con đã bị bắn hạ sau khi không thể đi tiếp. Trong thời điểm này, nhiều tranh chấp cá nhân nổi lên, không lâu sau họ không đủ đồ dự trữ để tới Cực Nam nên quay về căn cứ.

Năm 1919, Nimrod mắc cạn ngoài khơi Norfolk, sóng đánh con thuyền vỡ tan, chỉ có hai trong số 12 thủy thủ sống sót.

Pourquoi-pas (1908 -1910), Pháp

Pourquoi-pas? được thiết kế chuyên biệt cho chuyến thám hiểm và trang bị động cơ, trên tàu có ba phòng thí nghiệm. Tàu được đóng tại Pháp và hạ thủy năm 1908, chở Jean-Baptiste Charcot trong chuyến thám hiểm thứ hai. Ông trở lại Pháp vào năm 1910 cùng những khám phá khoa học.

Trong khoảng 1918-1925, Charcot dùng Pourquoi-pas? để thực hiện các nhiệm vụ khoa học khác nhau tại Bắc Đại Tây Dương, eo biển Manche, Địa Trung Hải và quần đảo Faroe.

Năm 1936, khi quay về sau nhiệm vụ tới Greenland, tàu gặp bão xoáy và bị đẩy tới rặng san hô Alftanes, Iceland. 23 thủy thủ mất tích, 17 người sống sót lại tử vong trước khi cứu hộ tới, chỉ còn một người sống sót. Charcot cũng thiệt mạng trong lần này.

Kainan Maru (1910 -1912), Nhật Bản

Kainan Maru là đứa con tinh thần của Nobu Shirase, người dẫn đầu cuộc viễn du do tư nhân tài trợ. Lần ra khơi thứ nhất thất bại, họ buộc phải trú đông tại Úc. Đợt thứ hai họ đạt được mục đích nhưng không có khám phá khoa học hay địa lý quan trọng nào.

Khi quay lại Nhật, Shirase cùng đội ngũ được hoan nghênh nhiệt liệt, nhưng rồi nhanh chóng bị quên lãng. Ngoài nước Nhật, chuyến thám hiểm này không được ghi nhận. Sau khi Shirase qua đời nhiều năm, chính phủ sở tại mới bắt đầu vinh danh thành tựu ông đạt được.

Kainan Maru nguyên bản là tàu đánh cá, nó nhỏ hơn nhiều so với các con thuyền thám hiểm khác cùng thời. Không ai biết số phận cuối cùng của nó ra sao. Dù động cơ rất yếu, nó đã hoàn thành chuyến đi dài 50.000km.

Fram (1910-1912), Na Uy

Năm 1909, Roald Amundsen lên kế hoạch thành người đầu tiên chạm tới Cực Bắc thì biết được Robert Peary người Mỹ đã đạt được thành tựu này. Ông liền đổi ý và dong thuyền Fram tới Nam Cực để chạm tới Cực Nam. Cùng thời điểm, Robert Scott của Anh cũng khởi hành chuyến thám hiểm thứ hai.

Amundsen hạ trại vào đầu năm 1911, gần cực hơn 60 dặm so với Scott. Vào tháng mười, cả hai nhà thám hiểm cùng khởi hành. Amundsen dùng xe trượt do chó kéo, Scott dùng xe bánh xích và ngựa Siberia. 14/12/1911, Amundsen trở thành người đầu tiên chạm tới Cực Nam. Đoàn của Scott kém may mắn hơn do xe hỏng và phần lớn ngựa bị bắn hạ, buộc Scott và bốn người khác phải đi bộ tới đích.

Năm 1928, Amundsen qua đời trong một tai nạn hàng không gần bờ biển Tromsø, Na Uy sau khi tìm kiếm phi hành đoàn của khinh khí cầu Italia bị rơi khi trở về từ Bắc Cực.

Fram được đưa vào Bảo tàng Fram ở Oslo, Na Uy.

Terra Nova (1910-12), Anh

Robert Scott hai lần tới Nam Cực thám hiểm. Lần đầu trên thuyền Discovery với Ernest Shackleton, tới được 82°16′ Nam, trong vòng 500 dặm tính từ Cực. Lần thứ hai dùng tàu Terra Nova, ông tới được Cực Nam nhưng muộn hơn Amundsen năm tuần. Thất vọng, họ quay lại căn cứ nhưng gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu. Trại cuối cùng của họ cách kho lương thực One Tone 12 dặm ở 80°Nam. Tại đây họ gặp một trận bão tuyết kinh hoàng. Sau chín ngày mắc kẹt trong lều và hết sạch lương thực, họ chết vì giá lạnh vào 29/3/1912. Đoàn tìm kiếm phát hiện ra họ 11 tháng sau. Bên cạnh thi thể là 15,87kg hóa thạch cây dương xỉ có hạt mà cả nhóm đã kéo về. Đây là các hóa thạch đầu tiên thu thập được từ Nam Cực, chứng minh lục địa này từng có khí hậu ấm hơn trong quá khứ. Thi thể của họ được để lại trong lều, đắp ụ tuyết lên và dùng ván trượt tuyết dựng hình chữ thập.

Deutschland (1911-1913), Đức

Wilhelm Filchner mua lại tàu săn cá voi của Na Uy vào năm 1905 cho chuyến thám hiểm thứ hai của Đức tới biển Weddell và hướng về phía Nam vào 5/1911. Tàu kẹt trong băng, mất tám tháng mới thoát ra được vào 11/1912. Lúc này tàu tới được Nam Georgia, nhưng đoàn thủy thủ đã mất hết tinh thần và tình trạng bạo lực diễn ra. Sau đó, họ tới Argentina và con thuyền bị gán nợ tạm thời cho chính phủ nơi đây. Deutschland quay về Đức vào cuối năm 1913. Con tàu được bán cho các nhà bảo trợ giàu có tại Áo và đổi tên thành Osterreich. Năm 1917, tàu bị ngư lôi bắn chìm.

Aurora (1911-1914), Úc & New Zealand

Aurora được đóng tại Dundee, Scotland vào 1876, để săn cá voi, hải cẩu, sau này được tu bổ lại để chống chịu với thời tiết và băng.

Năm 1910, Douglas Mawson ủy quyền cho Thuyền trưởng King Davis mua lại tàu để đi thám hiểm. Nó rời Hobart vào 12/1911, đến Mũi Denison vào 1/1912, tại đây họ dựng căn cứ chính. Khi Aurora quay lại Mũi Denison vào 12/1912, họ mới biết chuyến thám hiểm bằng xe trượt tuyết của Mawson và hai người khác không tới kịp. Sau khi đợi đến 9/2, Aurora rời đi nhưng quay lại khi nhận được điện báo rằng Mawson đã đến căn cứ Mũi Denison. Tuy nhiên, do thời tiết xấu nên thuyền cứu hộ không thể cập bờ.

Chuyến đi bộ băng qua vùng đất và dải băng để quay về Mũi Denison của Mawson cực bi thảm. Một người trong đoàn rơi xuống khe nứt, kéo theo sáu con chó khỏe nhất cùng xe trượt chở đồ dự trữ, lều và thực phẩm. Trên đường đi, họ buộc phải ăn thịt các con chó kéo, dẫn tới cái chết của một người nữa do ăn gan chó, trong gan chứa lượng Vitamin A cực cao và vô cùng độc khi tiêu thụ liều lượng lớn. Mawson một mình đi tiếp và là người duy nhất sống sót. Sáu người còn lại chờ tại đây cộng thêm Mawson đã phải trải qua mùa đông cho tới 12/1913.

Aurora biến mất khi rời Úc để chở than tới Chile.

Endurance (1914-1917), Anh

Endurance chở Shackleton cùng thủy thủ đoàn khởi hành vào 6/8/1914. Trên đường hướng về phía Nam, Endurance gặp phải một dải băng dày, nó bị kẹt trong băng trôi dạt quanh Nam Cực trong tám tháng. 10/1915, thân tàu bị áp lực từ băng nghiền nát. Thủy thủ đoàn phải rời tàu cùng trang thiết bị và đồ dự trữ. Tháng 11, xác tàu chìm hẳn xuống đại dương.

Shackleton và các thủy thủ lập trại trên tảng băng trôi, hy vọng nó sẽ trôi về đảo Paulet, cách đó 403km. Khi còn cách nơi đây 96km, tảng băng bắt đầu vỡ ra. Họ xuống thuyền cứu hộ và tìm thấy đất liền, đảo Voi, sau năm ngày trên biển. Đây là đảo hoang nên Shackleton cùng 5 người chèo thuyền cứu hộ tới Nam Georgia, hành trình này kéo dài 15 ngày qua vùng biển bão tố và nhiệt độ lạnh, với khoảng cách là 1.335km. Khi tới nơi, họ đi bộ tới trạm săn cá voi và bắt đầu tổ chức giải cứu những người còn ở đảo Voi.

Quest (1921-1922), Anh

Quest từng là thuyền săn cá voi Na Uy, nó chở các thủy thủ đoàn trước đó của thuyền Endurance, cùng với John Rowett, bạn cũ của Shackleton và là mạnh thường quân cho Chuyến thám hiểm Shackleton-Rowett. Đây là dự án cuối của Shackleton, nó cũng chấm dứt Kỷ nguyên anh hùng thám hiểm Nam Cực. Shackleton chết trên con thuyền này sau khi nó tới Nam Georgia. Ông ốm khi rời Rio de Janeiro vào giữa tháng 12 nhưng từ chối chữa trị. Vào 5/1/1922, bệnh tình trở nặng và ông qua đời. Điều này chấm dứt triển vọng thực hiện dự định ban đầu là khám phá bờ biển Nam Cực của Enderby Land. Đoàn thám hiểm quay lại Anh vào năm 1922 với những kết quả đáng thất vọng, do chỉ huy thay thế Frank Wild nghiện rượu và Quest không hoạt động tốt trong băng biển cực.

Nguồn: rnhistory.com