Các nhà nghiên cứu Việt Nam và Mỹ vừa công bố một công trình, trong đó chỉ ra khả năng kiến giải đối với các hiện tượng văn hoá, xã hội của khái niệm “cộng tính văn hoá” (Cultural additivity), hay cơ chế tiếp nhận các giá trị và quy phạm từ nền tảng tư duy khác.



Người dự lễ cúng sao giải hạn chùa Phúc Khánh tràn cả ra đường. Ảnh: vtc.vn

Nhóm nghiên cứu, gồm 10 nhà khoa học người Việt Nam và một nhà khoa học Mỹ, tìm hiểu sự hiện diện của Tam giáo đồng nguyên trong đời sống xã hội Việt Nam, lấy dữ liệu từ 307 truyện cổ tích, truyện dân gian, và đặc biệt đã sử dụng phương pháp khá phức tạp trong toán học Bayesian để tiến hành khảo sát.

Công trình đã được đăng tải dưới dạng Bản thảo nghiên cứu (working paper) trên một vài cơ sở lưu trữ mạnh trên thế giới (SSRN, Academia.edu, Researchgate, Repec, Arxiv...).

Bài nghiên cứu mang tiêu đề: “Cultural additivity” and how the values and norms of Confucianism, Buddhism, and Taoism co-exist, interact, and influence Vietnamese society: a Bayesian analysis of long-standing folktales, Using R and Stan (tạm dịch: “Cộng tính văn hóa” và sự đồng tồn tại, tương tác, ảnh hưởng tới xã hội Việt Nam từ các giá trị và quy phạm của Nho giáo, Phật giáo, và Đạo giáo: phân tích Bayesian trên các truyện dân gian lâu đời, sử dụng R và Stan”).

Qua phân tích, nghiên cứu đã, nghiên cứu đã chỉ ra những bằng chứng thực nghiệm cho một khái niệm mới là "Cộng tính văn hóa".

“Cộng tính văn hóa” được hiểu trong nghiên cứu này là một cơ chế, trong đó người của nền văn hóa này sẵn sàng tiếp nhận các giá trị và quy phạm từ nền tảng tư duy khác, mà điều đó có thể gây ra mâu thuẫn về mặt logic với các nguyên tắc trong nền văn hoá gốc trước đó.

Ứng với trường hợp Việt Nam, thì đó là việc ba tôn giáo (Phật, Khổng, Lão) vẫn có thể tồn tại song song trong hoà bình, đồng thuận mà không gặp phải xung đột như diễn ra ở một số trường hợp tương tự tại nước khác (ví dụ như người Tin lành và Thiên chúa tại Bắc Ai-len, hay người Do Thái và Đạo hồi tại Palestine).

Khái niệm mới này (“cộng tính văn hoá”) thực tế mới xuất hiện một lần duy nhất, và cũng từ rất lâu (1973), do Dennis Klug sử dụng trong luận văn thạc sỹ, bảo vệ tại Đại học Ohio State khi nghiên cứu về tộc người Do Thái Cơ đốc da màu.

Theo nhóm tác giả, khả năng kiến giải đối với các hiện tượng văn hoá, xã hội của khái niệm “cộng tính văn hoá” là đóng góp đáng lưu ý nhất của nghiên cứu. Ví dụ, bên cạnh việc giải thích về hiện tượng “tam giáo đồng nguyên” kể trên; “cộng tính văn hoá” còn giúp chúng ta lý giải được tâm lý của nhiều người biết thực phẩm chức năng không phải là thuốc nhưng vẫn thích sử dụng nó như một loại thuốc.

Độc giả quan tâm có thể tìm đọc bản thảo đầy đủ bằng tiếng Anh tại các link ở đầu bài viết, ngoài ra cũng có thể đọc cả bản dịch tóm tắt nội dung nghiên cứu bằng tiếng Trung (https://wp.me/p9Ii7j-G ) và tiếng Pháp (https://wp.me/p9Ii7j-Q), tiếng Nhật (https://wp.me/p9Ii7j-Z), tiếng Hàn (https://wp.me/p9Ii7j-14).