Rác thải nhựa đang ngày càng chất đống trên khắp các đại dương, gây nhiều nguy cơ về mặt môi trường và đe dọa hệ sinh thái biển.

Một nhóm các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Thủy lợi (Water Research Institute) thuộc ĐH Cardiff (xứ Wales) vừa phân tích khoang ruột và dạ dày của hàng ngàn loài động vật biển, nhằm đưa ra kết luận [chính xác nhất có thể] về kích cỡ tối đa của những mảnh rác thải nhựa mà sinh vật có thể nuốt, để từ đó đề xuất phương án phù hợp giúp ngăn chặn hay chí ít là giảm thiểu tác hại. Kết quả của nghiên cứu đã được công bố trên Tạp chí Nature Communications.

Rác thải nhựa đang tràn ngập trên khắp các đại dương, đe dọa môi trường sống của nhiều loài động vật lẫn hệ sinh thái biển. Ảnh: Bioplastics News.

Rác thải nhựa đang tràn ngập trên khắp các đại dương, đe dọa môi trường sống của nhiều loài động vật lẫn hệ sinh thái biển. Ảnh: Bioplastics News.

Hiểu biết của nhân loại về mối liên hệ tương tác giữa rác thải nhựa với các loài động vật biển hiện còn rất hạn chế. Một nghiên cứu hiếm hoi được thực hiện năm 2016 đã chỉ ra lý do thú vị khiến chim biển ngấu nghiến những mảnh nhựa – bởi chúng có mùi khá giống với thức ăn tối. Hay một bài báo mới được công bố gần đây cũng khẳng định: các hạt vi nhựa (microplastic) có nguy cơ gây ra chứng phình động mạch và thậm chí còn làm biến đổi cả khả năng sinh sản của cá. Nghiên cứu mới của ĐH Cardiff, vì thế cũng nhằm để bổ sung và hoàn thiện cho những khám phá trước đó.

Từ nhiều nguồn dữ liệu sẵn có, nhóm đã phân tích thành phần khoang ruột của hơn 2000 loài động vật có vú, bò sát, cá, động vật không xương sống, … với kích thước rất đa dạng, từ các cá thể nhỏ (thân chỉ dài một vài mm) cho đến những loài khổng lồ như cá voi lưng gù (dài hơn 10 m). Tiếp đó, nhóm xây dựng mô hình tính toán để đi tìm mối liên hệ giữa kích cỡ loài với kích thước rác mà chúng có thể nuốt (hấp thụ).

Tỷ lệ chính xác, sau nhiều tính toán rơi vào khoảng 20:1. Ở đây, cũng phải lưu ý rằng các mẫu nhựa rất đa dạng. Đó có thể là đoạn ống nước trong bụng của một con cá nhà táng, hoặc mảnh túi nhựa đựng trái cây trong ruột của một chú rùa xanh. Nhưng nhìn chung, kích thước tối đa của những mảnh nhựa mà một con vật có thể nuốt thường bằng khoảng 5% cơ thể nó.

Mô hình tính toán mối liên hệ giữa kích thước của các loài động vật biển với kích cỡ tối đa của những mảnh nhựa mà chúng có thể nuốt.

Đồ thị biểu diễn mối liên hệ giữa kích thước của các loài động vật biển với kích cỡ tối đa của những mảnh nhựa mà chúng có thể nuốt.

“Hầu hết chúng ta đều cảm thấy lo ngại về những nguy cơ do rác thải nhựa gây ra đối với đời sống của các loài sinh vật biển. Tuy nhiên, chúng ta lại chưa đạt được hiểu biết đầy đủ về mối liên hệ giữa chúng với rác thải”, giáo sư Isabelle Durance, người đứng đầu dự án, nhận định. “Nghiên cứu này nhằm mang đến cho chúng ta một hình dung rõ ràng và đầy đủ hơn, để hướng những nỗ lực vào đúng trọng tâm,” bà khẳng định.