Năm nay là năm thứ hai Cục Thông tin khoa học và công nghệ Quốc gia (NASATI) tiếp tục triển khai chuỗi chương trình Tập huấn Nghiên cứu và Công bố quốc tế R123 nhằm đào tạo những kỹ năng xây dựng chiến lược nghiên cứu hiệu quả, gia tăng công bố quốc tế và phát triển nhận diện cho các nghiên cứu đã được xuất bản.

Các nội dung đào tạo trong chuỗi chương trình R123 do NASATI đặt hàng Innovation Education Service (IES), công ty con thuộc tập đoàn iGroup, thông qua tư vấn của một số nhà nghiên cứu là chuyên gia trong lĩnh vực công bố quốc tế

Tham gia chuỗi hội thảo năm nay có 6 diễn giả, bao gồm 3 diễn giả từng là chuyên gia cao cấp với gần 10 năm kinh nghiệm làm việc tại Viện thông tin ISI (Thomson Reuters – nay là hãng Clarivate); một diễn giả từng nằm trong Top 14 trên mạng lưới Research Gate, Top 1 trên hệ thống Linkedin; và hai nhà nghiên cứu Việt Nam, trong đó có TS Vương Quân Hoàng là người có nhiều công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín.

Đại diện của IES cho Khoa học và Phát triển biết, “Khóa R123 đầu tiên mang tính thử nghiệm và dàn trải ở cả 3 mảng Nghiên cứu - Xuất bản - Quảng bá nghiên cứu, nên bên cạnh những lời khen ngợi từ các học viên, chương trình cũng nhận được một số ý kiến đóng góp về việc nên tái cấu trúc để đào tạo tập trung cho 2 nhóm có kinh nghiệm nghiên cứu và viết bài chất lượng quốc tế khác nhau.”

Rút kinh nghiệm từ khóa học trước, cộng với kinh nghiệm từ các khoá học tại một số nước khác, khóa học năm nay được các chuyên gia tổng hợp và tái cấu trúc thành 2 chương trình để tối ưu hóa chất lượng đào tạo:

+ Chương trình Research Best Practice: Trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ cuối tháng 10 đến tháng 12/2018, gồm 6 ngày đào tạo tập trung và thực hành trực tuyến trong suốt thời gian đào tạo. Chương trình được thiết kế hướng tới nhóm học viên là giảng viên, nghiên cứu sinh, và sinh viên chưa có kinh nghiệm xuất bản hay phương pháp nghiên cứu hiện đại hiệu quả nhưng đang cần thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học chất lượng và có mục tiêu xuất bản quốc tế. Tuy nhiên, các cán bộ quản lý tại các đơn vị có định hướng phát triển nghiên cứu chất lượng cũng có thể tham gia.

+ Chương trình Research Advancement: Trong vòng 2 tháng, tháng 10 và tháng 12/ 2018, gồm 4 ngày đào tạo tập trung và thực hành trực tuyến trong suốt thời gian đào tạo. Chương trình đặc biệt phù hợp cho nhóm học viên là giảng viên, nghiên cứu sinh, và sinh viên cao học đã có kinh nghiệm làm nghiên cứu hay xuất bản, nhưng chưa có chiến lược xuất bản quốc tế hiệu quả để phát triển mạng lưới nghiên cứu khoa học, tăng khả năng công bố quốc tế ổn định trong tương lai. Tuy nhiên, các cán bộ quản lý nghiên cứu khoa học cần trang bị công cụ hỗ trợ phân tích dữ liệu trong các dự án nghiên cứu của đơn vị cũng có thể tham gia.

70% học viên hài lòng

Nói ngắn gọn, tham gia khóa học R123 là những người đang muốn tăng cường năng lực xây dựng phương thức tiến hành nghiên cứu, gia tăng cơ hội và kinh nghiệm kết nối với cộng đồng nghiên cứu quốc tế, và nắm được một số bí quyết công bố quốc tế cũng như gia tăng tính nhận diện quốc tế cho các công trình đã được công bố.

Tiến sĩ Woei Fuh Wong, nguyên là giám đốc mảng Derwent Innovation - Thomson Reuters; hiện là Giám đốc công ty IES Ảnh chụp lớp học R123 T1/ năm 2017; Ảnh: IES
Một buổi học trong chuỗi tập huấn R123 tháng 1/2017 với TS Woei Fuh Wong, nguyên giám đốc Derwent Innovation - Thomson Reuters và hiện là Giám đốc IES. Ảnh: IES

PGS.TS Hà Thúy Vân, giảng viên Khoa Kế toán – Kiểm toán, Đại học Thương mại Hà Nội, một trong số 145 người tham gia khóa học R123-2017, chia sẻ với Khoa học và Phát triển: “Từ góc độ giảng viên, nghiên cứu viên, chúng tôi đang phải đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về công bố có chất lượng. Chẳng hạn, theo quy chế mới, để được hướng dẫn nghiên cứu sinh, nếu chưa là giáo sư, phó giáo sư thì chúng tôi phải có ít nhất một bài công bố ISI hoặc Scopus. Tại khóa học R123, tôi được hướng dẫn cụ thể và chuyên sâu về cách sử dụng câu từ; cách trình bày; cách lựa chọn, tìm kiếm thông tin; cách trích dẫn tư liệu chuẩn xác để tăng khả năng công bố bài báo trên những tạp chí quốc tế uy tín.”

Đặc biệt, theo PGS Vân, ngay cả sau khi khóa học kết thúc, chị vẫn có thể viết thư “hỏi ý kiến các thầy về bài báo đang viết và được trả lời tận tình”. Đại diện của IES cho biết, đứng lớp tại R123-2017 là các giảng viên đại học; chuyên gia phân tích dữ liệu; cố vấn cho các dự án phát triển nghiên cứu và đổi mới sáng tạo tầm chính phủ; hoặc cố vấn các dự án về nghiên cứu, xuất bản quốc tế, thương mại hoá các công trình nghiên cứu cho các tổ chức đào tạo toàn cầu đến từ Singapore, Malaysia, Đài Loan, và Iran.

Được biết, chi phí khóa học không hề thấp - 7,5 triệu đồng cho 6 ngày học tập trung (khoá Research Best Practice) - và các học viên phải tự bỏ tiền túi, nếu không được đơn vị nơi họ công tác hỗ trợ.

“Tâm lý lúc đầu là hết sức cân nhắc [khoản học phí] nhưng học xong rồi lại thấy thật sự quá đáng giá,” chị Vân nhận xét. “Đó là chưa kể, nếu có bài công bố ISI hay Scopus, chúng tôi sẽ được nhà trường hỗ trợ ít nhất 25 triệu, đủ để trang trải chi phí biên tập, phản biện bài báo và còn dư tiền trả chi phí cho những khóa học như R123.”

Đánh giá hiệu quả của khóa học năm 2017, 70% số học viên - hầu hết là giảng viên các trường đại học ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Thái Nguyên,... – cho rằng rất tốt, 20% cho rằng khá tốt, 10% chưa hài lòng, theo đại diện của IES.

Trên cơ sở thành công của năm đầu tiên, NASATI và IES cũng đã dự định hướng phát triển lâu dài cho sự hợp tác giữa hai bên, như đại diện của IES khẳng định.

* IES là công ty chuyên cung cấp giải pháp nghiên cứu hiện đại thông qua kết hợp đào tạo, phân tích và công nghệ để cải thiện danh tiếng cho đơn vị nghiên cứu, giúp biến những ý tưởng phức tạp thành những đề tài nghiên cứu có liên quan đến xã hội. Công ty có trụ sở tại Singapore với đội ngũ riêng các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý phân tích thông tin, tư vấn đào tạo, quảng bá kết quả nghiên cứu, và chuyển giao công nghệ...

* iGroup (Asia Pacific) Ltd là tập đoàn đa quốc gia đăng ký kinh doanh tại Hongkong, và có văn phòng đại diện tại gần 20 quốc gia thuộc khu vực Châu Á, Châu Âu, và Mỹ.
Đại diện cho gần 300 nhà xuất bản quốc tế nổi tiếng, 50 hãng công nghệ và giải pháp về thông tin, iGroup là một trong số các nhà cung cấp giải pháp thông tin lớn nhất khu vực, bao gồm cơ sở dữ liệu điện tử, sách điện tử, giáo trình giảng dạy điện tử, cùng nhiều dịch vụ quản lý tri thức và công nghiệp thông tin.